Nghị định 119- Đòn bẩy đổi mới công nghệ

Sau 6 năm “thí điểm”, Nghị định 119 đã thực sự trở thành đòn bẩy “kích cầu” giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Đến nay, các doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức: “làm khoa học không khó” và vươn lên nhờ “119”.


Thoát khỏi tháp ngà
“Nghiên cứu khoa học vốn chỉ là “đặc quyền” của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhưng tại  sao doanh nghiệp không có được quyền đó?”, bà Vũ Thị Thuận-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TRAPHACO đặt câu hỏi. Chính vì chỉ có viện nghiên cứu mới được làm khoa học, nên từ trước tới nay, các doanh nghiệp chỉ biết, theo cách nói của ông Nguyễn Quân – Thứ trưởng Bộ KH&CN, “thụ động tiếp nhận KH&CN từ tay các nhà khoa học”. Ông Quân nhận định, “Ngồi trong tháp ngà nên các nhà khoa học của ta chưa nắm bắt nhu cầu thực tiễn “ngoài đời”, nên nhiều đề tài còn “xếp ngăn kéo” hoặc chưa tìm được địa chỉ ứng dụng”. Cũng theo ông, “Khoa học công nghệ phải thoát khỏi tháp ngà, hướng tới doanh nghiệp và phục vụ đổi mới của doanh nghiệp”.


Bảo quản tế bào gốc ở phòng thí nghiệm của Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar.

Bên cạnh tình trạng chúng ta coi khoa học là tháp ngà, các nhà khoa học thường biệt lập thì mô hình “3 nhà” vẫn “thụ thụ bất thân”, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, chúng ta phải “mặc thêm áo thứ hai”cho doanh nghiệp và nhà khoa học, chức năng của hai bên cần hoán chuyển nhau. Theo đó, khi làm khoa học, nhà khoa học là chính họ, khi trăn trở đưa công nghệ vào cuộc sống, biến ý tưởng thành “ngô, khoai, sắn” thì nhà khoa học trở thành doanh nhân. “Nếu không, chúng ta muôn đời không giải phóng nhà khoa học ra khỏi tháp ngà”, ông Quân nhấn mạnh.
Khi chúng ta vào sân chơi WTO, bí quyết duy nhất để các doanh nghiệp trong nước “sống” được, không gì khác, doanh nghiệp phải “làm khoa học”, ông Nguyễn Việt Hồng, Vụ trưởng Vụ Hành chính Sự nghiệp – Bộ Tài chính, cho biết. Còn theo cách nói của ông Nguyễn Trọng Thụ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính-Bộ KH&CN, thì, doanh nghiệp phải có cho mình know-how (dịch nôm na là bí quyết công nghệ). “Khi Nhà nước không còn là “bà đỡ” tài chính cho doanh nghiệp theo cam kết WTO, thì “kênh” duy nhất để Nhà nước sát cánh cùng doanh nghiệp chính là hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ”, ông Hồng cho biết.
Thay vì “ngẩng mặt kêu trời”, theo ông Nguyễn Tăng Cường-Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), các doanh nghiệp hãy nhanh chân “cứu mình” bằng KH&CN. Chính vì “ngồi trong tháp ngà” nên dường như các nhà khoa học “bỏ quên chuyện đời”. Ông Nguyễn Tăng Cường đơn cử một ví dụ: “Có những vị giáo sư cả đời chỉ làm được một hai việc, nhưng những người nông dân, khi tiếp xúc với công việc thực tế, họ làm việc bằng cảm hứng có thể tạo ra những phát minh, cải tiến công nghệ có giá trị thực tiễn cao như các máy nảy bắp, gieo hạt…Với những máy móc tự chế này người nông dân có thể  thay thế 6-10 lao động mà hiệu quả kinh tế lại…nhìn thấy”. Đồng tình với quan điểm “làm khoa học không khó”, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, cho rằng, “Làm khoa học công nghệ không phải quá cao siêu, chỉ dành cho các nhà khoa học, mà khi các doanh nghiệp nếu tổ chức tốt bộ máy quản lý kỹ thuật, kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu để tạo ra những dây chuyền thiết bị tiên tiến không phải là không làm được”.

“Đòn bẩy” cho doanh nghiệp
Muốn giải phóng khoa học ra khỏi tháp ngà cần phải có cơ chế chính sách” – Thứ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh – “Và Nghị định 119 chính là “đòn bẩy” cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập”. Sau 6 năm “thí điểm”, theo hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp, “thành công của 119 là đã đưa doanh nghiệp làm khoa học”.

Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm nhưng lại trực thuộc Bộ GTVT, Công ty Cổ phần TRAPHACO vốn kinh doanh loại mặt hàng “nhạy cảm” với cuộc sống, và theo như bà Vũ Thị Thuận, “con người không thể thiếu gạo, nước và…thuốc”. Đã có thời gian TRAPHACO “trị vì” thị trường dược phẩm trong nước, nhưng vài năm đổ lại đây, trước bối cảnh thuốc ngoại tràn vào khiến thuốc nội phải cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, trước đây, ngành dược bị phụ thuộc 60% nguyên liệu nước ngoài. Nhưng khi 119 ra đời, TRAPHACO đã tự “gồng mình” bằng việc đổi mới công nghệ, đầu tư nghiên cứu khoa học. “Với sự “tiếp sức” của 119, các đề tài khoa học của công ty đã nghiên cứu thành công áp dụng y học cổ truyền sản xuất thuốc tự nhiên, giải quyết bài toán phụ thuộc nguồn nguyên liệu, mà hơn nữa, cạnh tranh được với thuốc ngoại và tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động vùng sâu vùng xa như Sapa”, bà Thuận cho biết.
Cùng cảnh ngộ với TRAPHACO, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung của ông Nguyễn Tăng Cường cũng tự vươn lên bằng KH&CN. Vì đam mê khoa học, ông Cường đã bỏ hết vốn liếng đầu tư nghiên cứu tìm tòi công nghệ. Thời gian đầu, thất bại nối tiếp thất bại khiến ông…trắng tay. Chán nản, ông Cường đặt câu hỏi: làm khoa học sao khó thế?Hơn 10 năm bươn chải, giá phải trả cho KH&CN đắt quá!”, ông Cường than thở. Ban đầu, những sản phẩm “ra lò” của ông đều bị mọi người nghi ngờ chất lượng nên không dám…xài. Cực chẳng đã, ông đành tuyên bố “Chưa công nhận sản phẩm của chúng tôi thì cứ dùng. Nếu tốt thì trả tiền, nếu không tốt thì thôi…”. Rồi vận may cũng đã tới, đến năm 2005, được tiếp cận 119, ông Cường mạnh dạn đầu tư nghiên cứu những loại cẩu trục lớn cho xây dựng và cảng biển. “Đến nay tỷ lệ nội địa hóa đã lên đến 90%” – ông Cường cho biết – “Một thời gian dài bị “bỏ rơi”, nhưng khi 119 ra đời đã tạo động lực và niềm phấn khích cho các doanh nghiệp dấn sâu vào khoa học”. Rồi ông tiếp lời, “Do cách hiểu, cách nghĩ khác nhau mà nhiều vị giáo sư đầu ngành nghĩ là việc làm cẩu bánh xích ở trong nước là điều không thể. Nhưng chúng tôi đã chứng tỏ điều đó ngược lại. Những chiếc cẩu bánh xích “made in Việt Nam” đầu tiên đã chào đời”. Quả thật không ngoa khi mọi người tôn ông là “vua thép” rồi “vua cần cẩu”.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã khẳng định mình bằng “làm khoa học” theo tinh thần của 119 như: Công ty Sáng chế Công nghệ An Sinh với sản phẩm máy chữa cháy không cần cấp năng lượng, máy hút rác khí động học; Công ty Cổ phần Gạch ngói Quỳnh Lâm (Hòa Bình) nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị cơ giới hóa và tự động hóa dây chuyền sản xuất gạch nung liên tục kiểu đứng.v.v…

Sẽ nâng mức hỗ trợ lên 50%
Trong 6 năm thí điểm, Bộ KH&CN đã nhận được đề xuất của gần 500 doanh nghiệp xin hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đổi mới công nghệ. Trong đó có 111 doanh nghiệp được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ 105,819 tỷ đồng (chiếm 13% tổng kinh phí)”, ông Nguyễn Trọng Thụ cho biết. Cũng theo ông Thụ, ước tính kinh phí doanh nghiệp tự bỏ ra nghiên cứu khoảng 800 tỷ đồng. Với mức quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tạo ra công nghệ, theo ý kiến của các doanh nghiệp, vẫn…còn thấp. Mặc dù bằng nội lực của doanh nghiệp cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng sống còn của KH&CN, nhưng nhìn chung, nghiên cứu khoa học ở những nơi này vẫn còn manh mún.
Theo báo cáo, trong 111 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí có 13 doanh nghiệp không triển khai, trong đó, 11 doanh nghiệp không triển khai ngay từ đầu và 2 doanh nghiệp đã triển khai một phần nay không thực hiện tiếp. Lý giải tại sao, ông Thụ cho biết, “Các nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thay đổi tổ chức của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc các thủ tục thanh toán (đã thực hiện xong nhiệm vụ nghiên cứu nhưng không đủ chứng từ hợp lệ…)”.
Tuy nhiên, với con số 500 doanh nghiệp xin hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đổi mới công nghệ vẫn còn rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp của ta vẫn coi nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ còn là chuyện xa vời, chỉ dành cho những “ông khoa học”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, “Con số các doanh nghiệp tham gia còn quá nhỏ là do việc thông tin tuyên truyền các cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ chưa được tiến hành thường xuyên và rộng rãi. Ngoài ra, các vấn đề cần được giải quyết bằng KH&CN do các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước hỗ trợ còn phân tán”. Số các doanh nghiệp đề nghị xin hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn pháp định thấp nên khả năng huy động 70% vốn đối ứng từ nguồn tự có để thực hiện đề tài nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, đồng thời khả năng tiếp nhận được sự hỗ trợ lớn từ ngân sách cũng bị hạn chế. “Phần lớn các doanh nghiệp được hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng, cao nhất là 6,6 tỷ đồng cho một nhiệm vụ nghiên cứu”, ông Thụ cho biết.
Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, “Nâng mức hỗ trợ nên 50% là chấp nhận được nhưng không vượt quá trần tối đa. Chẳng hạn, có những dự án trị giá 1000 tỷ đồng thì cần phải định mức trần hỗ trợ hợp lý trong điều kiện cho phép của Ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, “Đây là giai đoạn mang tính thử nghiệm. Vì kinh phí Nhà nước có hạn nên nếu có vài nghìn doanh nghiệp nộp đơn thì cũng chỉ “lọc lựa” khoảng vài trăm doanh nghiệp mà thôi”. Chính bởi vậy, theo quy định của Nghị định 119, những nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ có quy mô lớn, có tính liên ngành, sản phẩm tạo ra có tác động đến sự phát triển của các ngành hoặc lĩnh vực thì Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia hoặc thông qua Dự án KH&CN có quy mô gắn với sản phẩm quốc gia. Còn đối với những nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ có quy mô nhỏ có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thông qua Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)