Nghi ngờ mới về dấu hiệu có thể của sự sống trong vũ trụ sâu thẳm

Vào tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu khi loan báo họ đã tìm ra một phân tử trong bầu khí quyển của một hành tinh xa xôi có thể là dấu hiệu của sự sống.

Một hình vẽ mô phỏng hành tinh tên là K2-18b cách trái đất 124 năm ánh sáng.

Nhưng một phân tích mới của các nhà khoa học ĐH Chicago đã thêm bằng chứng vào mối nghi ngờ đang lớn dần quanh phát hiện này. Khi xem xét lại dữ liệu từ vô số quan sát về hành tinh này, họ phát hiện ra rằng không thể gọi đó là một phát hiện mang tính xác quyết.

“Chúng tôi phát hiện ra dữ liệu mà chúng ta có trong tay có quá nhiều nhiễu, không đủ đem lại một bằng chứng vững chắc cho một tuyên bố”, Rafael Luque, một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ ở UChicago và là tác giả thứ nhất của một bài báo nêu chi tiết phát hiện của mình, đang được gửi tới tạp chí Astronomy & Astrophysics Letters và hiện được xuất bản ở dạng tiền ấn phẩm trên arXiv. “Chúng không đủ chắc chắn”.

Một câu đố phân tử

Nghiên cứu tháng 4 là của một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học Cambridge. Họ tập trung vào một hành tinh tên là K2-18b cách trái đất 124 năm ánh sáng. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các dữ liệu từ Kính thiên văn vũ trụ James Webb, và kết luận là họ xác định sự hiện diện của dimethyl sulfide hoặc dimethyl disulfide – hợp chất lỏng dễ cháy tỏa mùi khó chịu như mùi tỏi, được phát ra từ vi khuẩn, nấm, động vật, thực vật. Hai phân tử này, trên trái đất, đều có liên quan đến sự hiện diện của sự sống.

Nhưng các nhà vật lý thiên văn Uchicago muốn tái kiểm tra dữ liệu, bởi họ cho rằng những tuyên bố khác thường cần có những bằng chứng khác thường ủng hộ.

Rất nhiều việc phải làm để diễn dịch dữ liệu từ các loại kính thiên văn. Những hành tinh này quá xa – chúng cách trái đất rất nhiều năm ánh sáng – và quá mờ nhạt để quan sát trực tiếp, điều đó có nghĩa là các nhà khoa học phải tìm kiếm các manh mối gián tiếp.

Trong trường hợp này, Kính thiên văn Webb Telescope phải chờ cho đến khi hành tinh này đi qua các ngôi sao của nó, sau đó chọn ra ánh sáng sao đầy rẫy trong bầu khí quyển của hành tinh. Vì ánh sáng đi qua bầu khí quyển của hành tinh, một lượng khác của ánh sáng bị ngăn laik tại những bước sóng khác, phụ thuộc vào những gì mà các phân tử thể diện.

Đồng tác giả nghiên cứu Michael Zhang giải thích, khi hoạt động với tín hiệu xa xôi đó, thật vô cùng khó để nhận diện được một phân tử cụ thể.

“Bất cứ phân tử có một carbon liên kết với ba hydro sẽ được thấy ở một bước sóng cụ thể”, anh nói. “Đó là những gì mà dimethyl sulfide có thể có. Nhưng vô số những hợp chất khác cũng chứa một carbon và ba hydro, chúng cũng có thể thể hiện những đặc điểm tương tự trong dữ liệu của Webb. Vì vậy ngay cả với dữ liệu thu thập tốt hơn thì cũng khó mà chắc chắn rằng dimethyl sulfide là thứ mà chúng ta đang thấy”.

Phân tích của họ dẫn đến kết luận là vô số phân tử khác cũng có thể phù hợp với dữ liệu về những gì kính thiên văn thấy. Ví dụ, một phân tử khác có hồ sơ tương đồng là ethane, một loại khi được tìm thấy trong bầu khí quyển nhiều hành tinh như Sao Hải vương, hoàn toàn không phải là chỉ dấu của sự sống.

Đồng tác giả Caroline Piaulet-Ghorayeb nói, các nhà nghiên cứu thông thường vẫn nghiêng về lời giải thích đơn giản nhất khi xem xét dữ liệu: “Chúng ta chỉ đưa các phân tử lạ vào sự diễn dịch sau khi loại bỏ các phân tử mà chúng ta kỳ vọng có trong bầu khí quyển”.

Trong trường hợp này, nếu dấu hiệu có thể là dimethyl sulfide hoặc ethane – một phân tử mà chúng ta thấy trong các hành tinh thuộc hệ mặt trời của chúng ta – họ cho rằng câu trả lời về sự sống ở ngoài hệ mặt trời phải có nhiều điểm chung hơn với các hành tinh này.

“Chúng ta đều không muốn lĩnh vực bị ảnh hưởng”

Một cảnh báo khác là phân tích trong bài báo tháng tư chỉ dựa trên một bộ dữ liệu quan sát.

Các kính thiên văn, bao gồm cả Webb và Hubble, đã quan sát hành tinh này rất nhiều lần. Nếu đưa dữ liệu từ những lần quan sát đó, nhóm nghiên cứu Uchicago nói, thì bằng chứng về dimethyl sulfide lại càng trở nên thiếu thuyết phục.

Các tác giả cho biết, bài báo của mình chỉ nhằm mục tiêu cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về phát hiện đó.

“Việc trả lời câu hỏi liệu có sự sống bên ngoài hệ mặt trời là một câu hỏi quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý thiên văn. Đó là lý do tại sao chúng ta nghiên cứu tất cả các hành tinh đó”, Luque nói. “Chúng ta đang thúc đẩy một quá trình vô cùng lớn trong lĩnh vực này, và chúng ta không muốn những tuyên bố quá vội vàng ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này”.

Anh Vũ dịch từ UChicago

Nguồn: https://news.uchicago.edu/story/possible-sign-life-deep-space-faces-new-doubts

Tác giả

(Visited 184 times, 1 visits today)