Nghiên cứu càng rủi ro – thành công càng lớn

Theo bản đánh giá thường niên lần thứ ba của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC), gần 1/5 các dự án nghiên cứu do ERC tài trợ có thể đem đến những đột phá khoa học.

Được thành lập vào năm 2007, ERC là cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Liên minh châu Âu và là một phần của Horizon 2020 – chương trình tài trợ khoa học chính của EU. Với kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng của khoa học châu Âu, ERC đã dành các khoản tài trợ lớn, kéo dài trong nhiều năm cho các dự án nghiên cứu chỉ dựa vào chất lượng. Kể từ khi triển khai đến nay, trong số những nhà khoa học được ERC cấp kinh phí nghiên, đã có sáu người đoạt giải Nobel và bốn giải Fields.

Năm 2015, Hội đồng bắt đầu thực hiện việc đánh giá lại các nghiên cứu mà nó tài trợ trên đó căn cứ vào tác động của nó đối với sự phát triển khoa học và xã hội, thay vì dựa vào các số lần trích dẫn. ERC đã đánh giá thử nghiệm trên 199 dự án và công bố vào năm tháng 7/2016. Kết quả cho thấy, nghiên cứu tạo ra những đột phá cơ bản là 21% và tiến bộ khoa học là 25%. Đến năm 2017, ERC đã xem xét lại 223 dự án đã hoàn thành vào giữa năm 2015. Kết quả cho thấy, trong số này có 79% nghiên cứu đã tạo ra tiến bộ khoa học đáng kể và 19% nghiên cứu đã có những đột phá cơ bản. Tỷ lệ nghiên cứu có đột phá tăng lên tới mức 27% với các nghiên cứu thuộc diện ERC Advanced Grants – tài trợ của ERC cho các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm. Và chỉ 1% các nghiên cứu được khảo sát bị đánh giá là không có đóng góp khoa học đáng kể.

Hội đồng khoa học của ERC đã yêu cầu các nhà khoa học có uy tín tham gia đánh giá hiệu quả nghiên cứu tập trung đánh giá rủi ro của dự án trên quy mô rộng hơn so với lần đánh giá trước. Họ đã phát hiện ra hầu hết các dự án có tính đột phá đều chứa nguy cơ rủi ro cao, chỉ có 10% trong số này được cho là ít rủi ro. Jan Palmowski – tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu châu Âu, một nhóm vận động hành lang ở Brussels, nói: “ERC đã kỳ vọng các dự án do họ tài trợ sẽ tạo ra nhiều đột phá trong nghiên cứu khoa học nên cũng chấp nhận nhiều rủi ro hơn.”

Đánh giá này đã cho thấy sự cần thiết có nguồn tài trợ chấp nhận rủi ro để giữ nhân tài ở lại châu Âu, nơi các quỹ đầu tư cho nghiên cứu thường e ngại sự rủi ro, Martin Vechev – nhà khoa học máy tính ở Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ nói. Anh cũng nhận được một khoản tài trợ dành cho các nhà nghiên cứu trẻ của ERC vào năm 2015, ngay sau khi trở về từ hãng IBM (Mỹ). Khoản tài trợ này đã khuyến khích Martin ở lại châu Âu và giúp nhóm nghiên cứu của anh tập trung vào những thiết bị viết mã máy tính một cách tự động – một nhánh phụ của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trong bài phát biểu đầu năm nay, Chủ tịch ERC Jean-Pierre Bourguignon đã cho biết: các nhà khoa học trong ban đánh giá cũng chỉ ra hơn 59% dự án đã thực sự tạo ra tác động về kinh tế và xã hội và các nghiên cứu do Quỹ tài trợ đã tạo ra 29% số sáng chế có được từ nghiên cứu do châu Âu tài trợ giai đoạn 2007 – 2013 dù nhận được ít hơn 17% kinh phí.

Việc đánh giá này diễn ra vào thời điểm Hội đồng châu Âu công bố bản kế hoạch ngân sách chi tiết cho phần tiếp theo của chương trình tài trợ chính từ năm 2021 đến 2027 – Horizon Europe với ngân sách khoảng gần 100 tỷ euro. Khoản kinh phí tiếp theo của ERC cũng là một phần của chương trình này nên có thể bản đánh giá của ERC sẽ góp phần giúp tăng ngân sách cho Quỹ.

Thanh Trúc lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/ articles/d41586-018-05325-4

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)