Nghiên cứu huyền thoại để hiểu hơn về xã hội Việt Nam

Phân tích huyền thoại được xây dựng xung quanh những không gian mới như mạng xã hội cho tới những biểu tượng, lễ hội truyền thống – đang ngày càng mở rộng quy mô đến tầm quốc gia như vua Hùng, lễ hội đền Hùng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản chất của các hiện tượng xã hội, về cách bản sắc xã hội đang được kiến tạo và bồi đắp như thế nào để tham dự vào các diễn ngôn chính trị-xã hội, văn hóa của thời đại.


Hội thảo giới thiệu cuốn sách “Việt Nam: Huyền thoại và thực tế”. Ảnh: Công Minh.

Huyền thoại tạo ra ý thức tập thể

Huyền thoại không chỉ là những câu chuyện như truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân hay Rùa thần đòi gươm của Lê Lợi. Huyền thoại theo nghĩa hẹp là các câu chuyện thiêng, hư cấu trong quá khứ để giải thích nguồn gốc của vũ trụ và cuộc sống hoặc diễn đạt những giá trị đạo đức của các nền văn hóa, còn theo nghĩa rộng, huyền thoại là những gì mà chúng ta tưởng là “hiện thực” ngay trong xã hội đương đại như “niềm tin về mạng xã hội” hay “niềm tin/ hình ảnh về Việt Nam” trong mắt người nước ngoài. Và việc phân tích các huyền thoại có tính đương đại góp phần hiểu được về thực tế, cách xã hội đang vận hành. 
Cách tiếp cận theo nghĩa rộng đó là trọng tâm xuyên suốt được đặt ra trong cuốn sách “Việt Nam: Huyền thoại và thực tế” do một nhóm các nhà nghiên cứu Đức và Việt Nam xuất bản năm 2018 tại Đức (Jörg Wischermann và Gerhard Will chủ biên do Cơ quan giáo dục công dân liên bang Đức xuất bản). Nội dung cuốn sách cũng được giới thiệu và thảo luận tại trường ĐH KHXH&NV Hà Nội vào ngày 21/3, với sự tài trợ của Viện Konrad Adenauer, Đức.
Theo GS. Jörg Wischermann, Viện Nghiên cứu Toàn cầu và khu vực tại Đức, tiếp cận ‘huyền thoại’ (myths/mythos) theo nghĩa rộng sẽ nghiên cứu cả những “niềm tin phổ biến” được lưu truyền mà trong đó có thể có cả sự thật và tưởng tượng, hư cấu về một xã hội, cả ở quá khứ và đương đại. Từ góc nhìn xã hội học, huyền thoại tạo ra một ý thức tập thể và ký ức trong những nhóm xã hội lớn, trong đó có các quốc gia, qua đó họ tạo ra sự đoàn kết nội bộ vượt ra ngoài những ranh giới lãnh thổ và không gian. Chúng truyền tải những giá trị, cảm xúc, và thúc đẩy sự hòa nhập của công dân. Chúng có thể góp phần làm suy yếu hay hóa giải những hình thức cai trị chuyên chế, nhưng ngược lại cũng có thể hỗ trợ và thậm chí củng cố quyền lực của những chế độ cai trị đó. Do vậy, việc phân tích, giải mã, có cái nhìn đa chiều về những huyền thoại sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách những biểu tượng, những câu chuyện, những hiện tượng xã hội đã ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội, đến mỗi cá nhân như thế nào. 
Mục đích của cuốn sách này nhằm mô tả sự vận hành của các huyền thoại chính trị thông qua ví dụ ở Việt Nam. Các tác giả định hình một số huyền thoại và giải thích cách thức chúng tham gia vào đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam như huyền thoại về “Tiểu Trung Hoa” hay “Đại Việt”, về Đổi Mới năm 1986, về hình ảnh của Việt Nam đối với người Đức, tinh thần đoàn kết và phản chiến của nhân dân Tây Đức chống chiến tranh Việt Nam, huyền thoại về không gian mạng và mạng xã hội… Các tác giả cũng giới thiệu và thảo luận về khái niệm huyền thoại chính trị và vai trò của những huyền thoại này ở Việt Nam trong khung cảnh chung của khu vực và thế giới.  

Khó phân biệt được “thực” “ảo”

Dưới khung phân tích đó, TS Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) và nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm, Đại học Sư phạm Hà Nội, đại diện các tác giả trong cuốn sách, đã phân tích về huyền thoại, ngộ nhận và sự thật xung quanh vấn đề mạng xã hội ở Việt Nam và quá trình kiến tạo huyền thoại Vua Hùng. 
Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống hiện đại ở Việt Nam, với khoảng 50 triệu người dùng facebook, chưa kể các mạng xã hội khác, đem tới sự bùng nổ thông tin, có lượt đọc mà hầu như không một tờ báo chính thống nào đạt được, thậm chí tác động dẫn dắt cả báo chí truyền thống. Với sức mạnh đó, ở thời kỳ đầu được đưa vào sử dụng, mạng xã hội từng được coi là “không gian bình đẳng cho các cá nhân biểu đạt tư tưởng, chính kiến của mình”, theo TS. Bùi Hải Thiêm.
“Nhưng trên thực tế, nó có thể là một mảnh đất có nguy cơ thù địch, mang lại những điều xấu, tin giả, tin thất thiệt; mạng xã hội cũng có chức năng tạo sự đồng thuận xã hội, có chức năng giám sát, theo dõi và có thể bị lợi dụng bởi các phe nhóm chính trị, các thế lực kinh tế khác nhau”…, TS. Bùi Hải Thiêm nói. 
Những kỳ vọng, ảo tưởng về sức mạnh, sự bình đẳng của mạng xã hội thuở ban đầu đó chỉ là một “huyền thoại mang tính đương đại”. Nhưng tính huyền thoại và tính thực tế của mạng xã hội lại đan xen nhau, khiến người dùng khó phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì vậy, TS Bùi Hải Thiêm đúc rút lại một số kết luận mang tính “giải mã”: mạng xã hội tạo thông tin và vốn chính trị xã hội hoặc phá bỏ vốn chính trị xã hội của một số người đã từng có; nó cũng giúp bộc lộ và xác định, đưa ra các kẽ hở, vết nứt của những vấn đề từ lịch sử cho tới kinh tế, xã hội; nó là chiến trường cho những cuộc chiến kinh tế, chính trị, sự nổi lên của các nhóm lợi ích khác nhau. Việc hiểu được các chiều hướng thông tin, tính ảo và tính thật của mạng xã hội sẽ giúp người dùng mạng xã hội, có công cụ để hiểu được tính “ảo” và tính “thật” của mạng xã hội, từ đó tỉnh táo hơn trước các luồng thông tin khác nhau.

Kiến tạo huyền thoại để cố kết tinh thần dân tộc

Các biểu tượng văn hóa lâu bền, quen thuộc, phổ biến cũng có thể được tạo dựng, bồi đắp với các kỳ vọng, mục đích khác nhau nhằm phục vụ các diễn ngôn chính trị qua các thời kỳ lịch sử, mà biểu tượng vua Hùng là một trong những ví dụ điển hình, theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm. 
Những năm gần đây, lễ hội đền Hùng – một trong những sự kiện lễ hội lớn nhất đất nước, đón hàng triệu lượt người hành hương (năm 2017 đón tới 8 triệu lượt, trong đó chỉ riêng trong ngày lễ hội 10-3 là 1 triệu người, theo báo Nhân dân1) và là một cuộc hành hương lớn nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Người dân đổ về đền Hùng trong những ngày chính hội thường xuyên được các báo lớn trong nước mô tả ở tình trạng “chen lấn kinh hoàng”, “hỗn loạn” hay “đền Hùng thất thủ”.

Sự thờ cúng, niềm tin đó của đông đảo hàng triệu người dân Việt Nam là thật, nhưng hình tượng vua Hùng không phải là một sự thật lịch sử, mà là một thành quả của quá trình kiến tạo. Từ khoảng thế kỷ 14 – 15, Lĩnh Nam chích quái – văn bản đầu tiên, sớm nhất hiện còn của người Việt về thời đại Hùng Vương với lời tựa nói rằng nó được ghi chép, nhặt nhạnh lại từ các sách vở và chuyện dân gian ã xác lập một phả hệ 18 đời vua Hùng, bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên. Văn bản này đã trở thành “nguyên liệu” đầu tiên mang tính lịch sử (cho Đại Việt sử ký toàn thư và các văn bản sau đó), để sau này huyền thoại này tiếp tục được thêu dệt và tưởng tượng. 
Đến thời kỳ hiện đại, trong những năm 1960-1970, các nhà sử học Việt Nam đã liên tục sản xuất nhiều tri thức mới, có tính hệ thống về thời kỳ Vua Hùng. Trong bối cảnh mới hiện nay, với sự thay đổi về chính sách tôn giáo ở Việt Nam, trong khuynh hướng các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt được đẩy mạnh, ảnh hưởng của huyền thoại Vua Hùng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Từ một huyền thoại được xây dựng trong lịch sử, niềm tin về Vua Hùng ngày càng được củng cố và đi sâu vào đời sống văn hóa xã hội. Với việc Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, với hàng loạt nỗ lực của chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương, lễ hội Vua Hùng đã được hành chính hóa, quốc gia hóa và có phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở một dân tộc duy nhất (người Kinh) mà còn ảnh hưởng đến các tộc người khác nhau. Từ một địa điểm thờ cúng tại Phú Thọ, hiện nay trong khắp cả nước đã có tới 1500 địa điểm thờ cúng Vua Hùng. Các khu vực miền núi vùng sâu vùng xa, những tộc người thiểu số trước đây không có cùng chung huyền thoại lập quốc với người Kinh cũng thờ cúng vua Hùng. Hình ảnh những kiến trúc đền thờ Vua Hùng vừa có nét cong của mái đền người Việt ở vùng đồng bằng vừa có nét giống với nhà rông đang ngày càng phổ biến ở Tây Nguyên.


Ghi chép về vua Hùng trong Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Thư viện Quốc gia, bản R.6.

Có thể nói, việc củng cố biểu tượng Vua Hùng là một biểu hiện của việc “tái xác lập bản sắc (identity) mới cho văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm nói. 
Thảo luận vai trò, ý nghĩa của các huyền thoại, TS. Nguyễn Văn Thủy, Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, hình tượng Vua Hùng được gắn với một bối cảnh rộng lớn hơn, đó là việc xây dựng và củng cố tính thống nhất của một quốc gia dân tộc. Không chỉ vua Hùng mà gần đây các huyền thoại khác như Trần Hưng đạo, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu… đều được nói lên rất nhiều. Mặt khác, từ sau Đổi mới tới nay, việc nở rộ quảng bá về vua Hùng hay các huyền thoại khác còn liên quan đến sự phát triển bùng nổ về kinh tế và sự nở rộ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. 
TS. Phạm Lê Huy, khoa Đông Phương học, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội lại lo ngại về tính khả thi việc giải mã, phủ định các huyền thoại: “Nếu trong truyền thuyết có yếu tố hư cấu như vậy, chúng ta có thể phủ định tất cả các chi tiết của truyền thuyết đó hay không?”. Anh lấy ví dụ từ các nền văn minh khác ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á cho đến các nước phương Tây cũng có các huyền thoại. Chẳng hạn trong cuốn Cổ sự ký của Nhật Bản, có nhắc tới nhiều vị thần hư cấu, nhưng vậy chúng ta có thể phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của cuốn sách đó hay không. Hay liệu có thể phủ định hết nhiều vị anh hùng, vị thần, có yếu tố hư cấu truyền thuyết về thành Troy?
Khẳng định việc xây dựng huyền thoại như huyền thoại lập quốc, huyền thoại về loài người là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử trên thế giới, nhưng GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội nhận định, các thảo luận được đặt ra trong cuốn sách là rất mới mẻ và cần thiết – để từ đó hiểu thêm về lịch sử cũng như nhiều hiện tượng trong xã hội hiện đại mà chúng ta chưa giải thích được. Ông lưu ý, các thảo luận này mang tính “công cụ” – đem lại cách thức diễn giải khác nhau về lịch sử nhiều hơn là khẳng định và đi tìm một chân lý, một lịch sử đúng đắn duy nhất. 
Các tác giả cuốn sách cho biết, các nghiên cứu này không phải để nhằm phá hủy, phủ định hay hạ thấp các giá trị trong xã hội, chỉ đơn giản là đưa ra các góc nhìn mới về các ‘niềm tin phổ biến’. Từ đó phân tích tri thức về các huyền thoại, các giá trị đó từ đâu ra, được kiến tạo như thế nào, vận hành ra sao và ai là người đứng đằng sau thúc đẩy và các động lực của nó là gì. Việc nghiên cứu khoa học thẩm định các diễn ngôn lịch sử sẽ giúp đem lại cái nhìn tỉnh táo về truyền thống, bản sắc và quá trình nó được kiến tạo. □
——–
Chú thích: 
1 http://nhandan.com.vn/hangthang/item/32743402-gio-to-hung-vuong-nam-2017-don-gan-tam-trieu-luot-du-khach.html

 

Tác giả

(Visited 47 times, 1 visits today)