Nghiên cứu mở ra hy vọng lớn trong điều trị rắn cắn

Một loại huyết thanh kháng nọc rắn mới đã được tạo ra từ kháng thể trong máu của một người đàn ông từng bị rắn độc cắn hàng trăm lần. Huyết thanh này có thể bảo vệ chuột khỏi nọc độc của 19 loài rắn nguy hiểm, trong đó có cả rắn hổ mang chúa.

Thuốc giải độc được kết hợp từ hai thành phần: thuốc varespladib (đã có từ trước) và các kháng thể là bản sao của các kháng thể lấy từ máu của ông Tim Friede – một người sưu tầm rắn ở Mỹ. Ông đã tự tiêm hơn 600 liều nọc độc vào cơ thể để tự tăng sức đề kháng và đã bị rắn cắn khoảng 200 lần.

Nghiên cứu này mở ra hy vọng lớn trong điều trị rắn cắn, nhưng việc nó dựa vào vật liệu từ một người đã thực hiện những thí nghiệm nguy hiểm trên chính mình khiến cho nó mơ hồ về mặt đạo đức. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ không khuyến khích ai làm như vậy: “Chúng tôi không khuyên Friede làm điều này và không ai cần làm điều này nữa – chúng tôi đã có tất cả các phân tử cần thiết”,” Jacob Glanville – Giám đốc công ty sinh học Centivax, California, một trong hai đồng tác giả của nghiên cứ, nói.

Hiện nay, phần lớn các loại thuốc giải độc được sản xuất bằng cách tiêm nọc rắn vào ngựa và các động vật khác, rồi thu kháng thể từ máu của chúng. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc chỉ giải được nọc độc của vài loài rắn nhất định.

Theo nhà sinh học Kartik Sunagar (Viện Khoa học Ấn Độ), trong thời đại công nghệ y học tiên tiến, việc còn sử dụng cách làm lỗi thời như vậy để điều trị rắn cắn là “không thể chấp nhận được”.

Nhóm nghiên cứu muốn tạo ra một loại thuốc có thể chống lại nhiều trong số 600 loài rắn độc trên thế giới. Trước hết, họ tập trung vào họ rắn hổ (Elapidae), chiếm khoảng một nửa số loài rắn độc. Nọc rắn hổ chứa hai loại độc tố thần kinh mạnh gọi là SNX và LNX – gây liệt cơ và suy hô hấp.

Sau khi được ủy ban đạo đức cho phép và có sự đồng ý của Tim Friede, nhóm nghiên cứu lấy hai ống máu của ông, phân lập các kháng thể từ máu đó rồi đem thử nghiệm với một nhóm độc tố của rắn hổ. Họ tìm ra hai kháng thể đặc biệt: một kháng thể nhận diện độc tố nhóm LNX, một kháng thể nhận diện độc tố nhóm SNX

Để tăng cường khả năng chống lại nhiều loại nọc độc hơn nữa, họ kết hợp hai kháng thể này với thuốc varespladib – chất có thể ngăn enzyme phá hủy mô cơ và mô thần kinh – tạo thành một “cocktail” trị rắn cắn. Họ phát hiện, hỗn hợp này đã cứu sống những chú chuột bị tiêm liều mạnh nọc độc từ bất kỳ loài nào trong số 19 loài rắn hổ nguy hiểm.

Glanville cho biết việc tạo ra thuốc trị rắn cắn dựa trên các bản sao chính xác của kháng thể người – hay kháng thể đơn dòng, được sản xuất trong ống nghiệm – có thể gây ra ít nguy cơ phản ứng bất lợi hơn so với các bản sao dựa trên kháng thể động vật và kháng thể tổng hợp.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu có thể sản xuất những kháng thể đơn dòng này ở quy mô công nghiệp với giá cả phải chăng hay không.

Một vấn đề nữa, việc xử lý vết rắn cắn không chỉ phụ thuộc vào hiệu quả của các phương pháp điều trị mà còn ở chỗ chúng có được xử lý kịp thời không.

Jean-Philippe Chippaux – chuyên gia về rắn độc ở Pháp, nhận định: “Chúng ta cần nghĩ về việc đưa thuốc giải độc đến gần hơn nơi xảy ra rắn cắn, và khuyến khích người dân đến bệnh viện sớm.”

Glanville cho biết đang tìm cách làm cho thuốc dễ vận chuyển và có giá thành hợp lý hơn, đồng thời kiểm chứng hiệu quả thực tế của nó trước khi thử nghiệm trên người.

Công ty Centivax cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm “cocktail” trị rắn căn trên chó tại Úc. Nếu sau vài phút điều trị thử không hiệu quả, chó sẽ được dùng thuốc giải độc thông thường.

Nguyễn Long

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)