Nghiên cứu y sinh học– thực trạng và giải pháp

Y sinh học là một trong những lĩnh vực khoa học “nóng” trên thế giới hiện nay, vì sự tiến triển cực nhanh của các bộ môn như di truyền học và công nghệ sinh học. Có thể nói không ngoa rằng đa số các hoạt động khoa học về đời sống (life science) ngày nay đều có định hướng phục vụ cho y khoa. Nhưng trong phân tích của giáo sư Phạm Duy Hiển, trong thời gian từ 1995 đến 2004, Việt Nam chỉ công bố được 36 bài báo y học và 10 bài báo sinh học từ nguồn nội lực trên các tập san khoa học quốc tế. Như vậy, sự hiện diện của ngành y học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn, và có thể nói chỉ “đếm đầu ngón tay”. Đó là tình trạng trong thời gian qua. Còn trong thời gian gần đây, với sự phát triển kinh tế và gia tăng đầu tư cho nghiên cứu y học, tình hình có cải tiến thêm hay không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tiến hành một phân tích ấn phẩm trong ngành y sinh học trên các tập san khoa học quốc tế và so sánh với các nước trong vùng. Chúng tôi giới hạn phân tích trong thời gian tính từ 2002 đến 2006 (5 năm). Số liệu được thu thập từ các tập san trong danh sách của Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information, hay ISI) theo phương pháp được mô tả trong phần Chú thích [1]. Viện này được thành lập từ năm 1961 và có nhiệm vụ hệ thống hóa tất cả các bài báo trên các tập san có hệ thống bình duyệt và được giới khoa học chuyên ngành chấp nhận; do đó việc thống kê các bài báo tương đối chính xác.

Tình hình ấn phẩm y sinh học Việt Nam
 


TS Nguyễn Đình Nguyên
 
GS Nguyễn Văn Tuấn

Trong thời gian từ 2002 đến 2006, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 2.469 bài báo khoa học trong hệ thống tập san ISI, hay tính trung bình là 494 bài/năm. Như vậy so với thời gian trước đó 2004, năng suất khoa học Việt Nam có phần tăng đáng kể (ước tính khoảng 45%) trong vài năm sau này. Đó là một con số đáng mừng.
Tuy nhiên, khi so sánh tổng số bài báo khoa học với các nước trong vùng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, và Philippines, thì số lượng ấn phẩm của ta chỉ cao hơn Philippines, nhưng thấp hơn so với các nước khác (Xem chi tiết Bảng 1). Chẳng hạn như trong cùng thời gian, Singapore công bố được 27.956 bài (cao hơn Việt Nam 11 lần) và Thái Lan 11.429 bài (cao hơn Việt Nam 4,6 lần). Ấn phẩm khoa học của Malaysia cũng cao hơn Việt Nam gấp 2,8 lần (6.909 so với 2.469 bài).
Khoảng 1/3 (n = 830 bài) trong tổng số 2.469 bài báo khoa học của các tác giả từ Việt Nam liên quan đến ngành y sinh học. Tỉ lệ bài báo y sinh học của Việt Nam cao hơn Singapore (23%), Malaysia (22%), Philippines (29%) và Indonesia (31%), nhưng thấp hơn Thái Lan (44%). Qua con số này, có thể nói rằng Việt Nam và Thái Lan khá “mạnh” về lĩnh vực y sinh học so với tất cả các nước trong vùng.
Phân tích chi tiết về thực lực cho thấy trong tổng số 830 bài báo y sinh học của Việt Nam đăng tải trong thời gian 2002-2006, có phân nửa (395 bài) do tác giả người Việt Nam đứng tên tác giả đầu (first author) và các tác giả khác hoặc là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài.

Trong tổng số 830 bài, chỉ có 19 bài (tức 2%) là hoàn toàn các tác giả Việt Nam đứng tên. Nói cách khác, chỉ có 2% các ấn phẩm y sinh học trên trường quốc tế từ Việt Nam là do “nội lực”; phần 98% còn lại là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, hoặc thực hiện ở nước ngoài.
Nước nào có nhiều hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y sinh học?  Phân tích địa chỉ của tác giả cho thấy hai nước có tỉ lệ cộng tác lớn nhất là Mĩ (22%) và Nhật (19%).  Các nước khác cũng có mức độ hợp tác đáng kể là Anh, Úc, Pháp và Thuỵ Điển, với mỗi nước chiểm một tỉ lệ xấp xỉ 10%.  Tình trạng này gần như giống nhau ở tất cả các nước khác trong khu vực, trong đó Mĩ và Nhật vẫn là hai đối tác khoa học hàng đầu ở các nước như Thái Lan và Malaysia.
Về chất lượng tập san khoa học, phân tích chi tiết thêm cho thấy các bài báo y sinh học Việt Nam thường xuất hiện trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng (impact factor hay IF) tương đối thấp. Năm 5 tập san công bố các bài báo nghiên cứu thuộc lĩnh vực y sinh học của Việt Nam nhiều nhất là American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (IF= 2,5) đăng 29 bài (3.5%); Journal of Clinical Microbiology (IF=3,5), 25 bài (3%); Tropical Medicine & International Health (IF=2,6), 24 bài (3%); International Journal of Tubeculosis and Lung Disease (IF=2), 19 bài (2.3%); và Chemical and Pharmaceutical Bulletin (IF=1.3), 17 bài (2%). Đây cũng chính là những tập san hàng đầu mà Thái Lan công bố các công trình nghiên cứu y sinh học của họ. Tuy nhiên, các bài báo của Singapore thường được công bố trên tập san địa phương của Singapore (nhưng có trong hệ thống ISI): đó là tập san Annals Academy of Medicine Singapore (IF=0.7), 496 bài (7.8%).

Nhận xét

Hai chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá năng suất khoa học của một nước là số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt (peer reviewed journals), và số tác giả thuộc nước đó đứng tên đầu (hay tác giả chính) của bài báo. Dựa vào hai chỉ tiêu này, có thể nói ngành y sinh học ở nước ta còn quá kém so với các nước trong vùng. Chẳng những số lượng còn quá ít và chất lượng còn thấp, mà chỉ có 2% là do nội lực và phần còn lại là do giúp đỡ hay hợp tác hay học tập ở nước ngoài.
Tại sao sự có mặt của ngành y sinh học nước ta trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn như thế, trong khi nước ta có rất nhiều vấn đề y tế xứng đáng với những công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế? Qua kinh nghiệm thực tế và tiếp xúc với đồng nghiệp, trong nước, chúng tôi thấy các nguyên nhân chính là vấn đề kinh phí cho nghiên cứu còn hạn hẹp, thiếu thiết bị nghiên cứu, vấn đề phương pháp nghiên cứu, thiếu chuyên gia lành nghề, và vấn đề tiếng Anh.
Kinh phí nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam phần lớn xuất phát từ Bộ Y tế và Bộ khoa học & Công nghệ, nhưng kinh phí còn quá thấp, nên chưa thể thực hiện những nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Có công trình nghiên cứu dịch tễ học qui mô trên hàng ngàn đối tượng mà kinh phí cũng chỉ 50 ngàn USD! Với một kinh phí như thế, không ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp trong nước phải hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài để tìm thêm nguồn kinh phí.
Ngoài ra, cách phân phối kinh phí là một vấn đề cần được xem xét lại. Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như là một cuộc đấu thầu xây dựng. Cơ quan chủ quản (Bộ Y tế và Bộ Khoa học & Công nghệ) ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ đơn, và các cơ quan chủ quản xét duyệt. Nhưng nhu cầu nghiên cứu y sinh học phải xuất phát từ thực tế lâm sàng và cộng đồng, chứ không thể xuất phát từ cơ quan quản lí hành chính, và do đó nhiều đề tài nghiên cứu mà các bộ đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu y tế thực tế trong nước. Thật vậy, nhìn qua các đề tài nghiên cứu mà Bộ Y tế ra thông báo trong năm nay, chúng tôi thấy có hơn ba phần tư đề tài hoặc là không đem lại lợi ích lâm sàng cho người bệnh, hoặc là không thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay.
Nghiên cứu y sinh học ở tầm quốc tế đòi hỏi các phương tiện khoa học tương đối đắt tiền. Vì hoàn cảnh kinh tế, nước ta còn thiếu những phương tiện như thế, và có lẽ đó cũng chính là lời giải thích tại sao các nhà khoa học trong nước phải hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Thật ra, hợp tác trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của Việt Nam vẫn là của người Việt Nam thì mới là vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra gần đây [2].
Nhưng thiếu kinh phí và thiếu phương tiện hiện đại chỉ là vấn đề mang tính “ngoại tại”, còn một nguyên nhân “nội tại” đáng quan tâm hơn là vấn đề nhân lực. Nước ta vẫn còn thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, thiếu các nhà khoa học có kinh nghiệm làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Cho nên dù có phương tiện hiện đại và kinh phí, chưa chắc Việt Nam đã có chuyên gia sử dụng thiết bị và có khả năng thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu. Vấn đề này dẫn đến một hệ quả khác là các nghiên cứu y học từ Việt Nam thiếu “cái mới” (phần lớn chỉ lặp lại những nghiên cứu từ nửa thế kỉ trước) và thiếu phương pháp khoa học (do thiết kế không thích hợp, hay thậm chí sai).  Đây chính là lí do tại sao các nghiên cứu y học từ Việt Nam ít có khả năng xuất hiện trên các tập san y học quốc tế.
Ngày nay, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ khoa học quốc tế. Vào thập niên 1980, trên 60% các tập san khoa học trên thế giới sử dụng tiếng Anh; 20 năm sau, con số này là trên 80%. Trong lĩnh vực y sinh học, hiện nay hơn 90% các tập san sử dụng tiếng Anh.  Trong khi đó, tiếng Anh lại là một điểm yếu của các nhà khoa học nước ta, do một phần lớn được đào tạo từ các nước Đông Âu trong thời gian trước 1975. Vì khả năng tiếng Anh còn quá nhiều hạn chế, cho nên dù một công trình nghiên cứu có ý nghĩa cũng khó mà xuất hiện trên các tập san y sinh học quốc tế. Chúng tôi biết khá nhiều nghiên cứu từ Việt Nam rất thú vị, nhưng vì tác giả viết tiếng Anh quá nhiều sai sót nên ban biên tập đành phải “đau lòng” từ chối! Vấn đề tiếng Anh, mới đầu thoạt nghe qua tưởng như rất nhỏ, nhưng trong thực tế lại là một hàng rào cản trở rất lớn cho các đồng nghiệp trong nước.

Giải pháp khắc phục

Để có mặt trên trường quốc tế, chúng ta cần phải tự mình khắc phục những vấn đề mà tôi vừa nêu bằng một số giải pháp thực tế sau đây:
Huấn luyện về nghiên cứu khoa học. Phần lớn những vấn đề tôi nêu trong phần trên là do các sinh viên y khoa sau đại học chưa được huấn luyện về nghiên cứu khoa học, cho nên khi bắt tay vào nghiên cứu, họ không ý thức được những sai lầm, những cạm bẫy trong nghiên cứu khoa học, và dẫn đến những nghiên cứu làm hao tổn ngân sách Nhà nước. Do đó, đối với các nghiên cứu sinh, trước khi tiến hành nghiên cứu cần phải trải qua một khóa huấn luyện để nắm vững các nguyên lí, triết lí và phương pháp khoa học. Ngoài ra, cần phải tổ chức các khóa học bồi dưỡng (continuing education) về phương pháp khoa học cho các chuyên gia lâm sàng tham gia vào nghiên cứu khoa học.
Huấn luyện về thống kê sinh học. Người viết bài này biết rất nhiều trường hợp nhiều nghiên cứu từ Việt Nam chỉ vì không được thiết kế đúng phương pháp, hay việc phân tích dữ liệu chưa đúng tiêu chuẩn khoa học nên bị các tập san khoa học từ chối công bố. Trong khi bất cứ đại học nào ở các nước tiên tiến đều có một bộ môn thống kê học, một bộ môn chuyên cung cấp tư vấn về thống kê học cho các nhà khoa học thực nghiệm, thì ở nước ta, các bộ môn khoa học vẫn còn giới hạn ở khoa toán, và chỉ xoay quanh một vài vấn đề căn bản thống kê. Do đó, một chiến lược quan trọng cần đặt ra là phát triển khoa học thống kê trong các trường đại học, nhất là thống kê sinh học.
Tiếng Anh – huy động Việt kiều và đồng nghiệp ở nước ngoài. Cần phải xem tiếng Anh là một ngoại ngữ chính cho các hoạt động khoa học ở nước ta. Vì thế, các nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu cần phải được huấn luyện về tiếng Anh, cách soạn thảo một bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Ngoài ra, hiện nay có một đội ngũ nhà khoa học gốc Việt Nam khá hùng hậu đang làm việc tại các nước nói tiếng Anh hay sử dụng tiếng Anh trong khoa học như Mĩ, Anh, Úc, Canada… Có thể huy động các đồng nghiệp này trong việc giúp đỡ vấn đề tiếng Anh cho các bài báo khoa học ở trong nước.
Mở rộng và đầu tư vào công nghệ thông tin và Internet. Đa số các tập san y học quốc tế hiện đang nhanh chóng chuyển sang xuất bản trực tuyến, và trong vòng 10 năm tới, tất cả các tập san y học ở các nước phát triển sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến. Vì thế, một trong những nhu cầu cơ sở vật chất cho nghiên cứu y học là phải tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu truy nhập Internet để có thể truy cập các tài liệu nghiên cứu y học mới nhất, giúp cho việc phát triển ý tưởng và học hỏi phương pháp trong nghiên cứu.
Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu y sinh học, một yếu tố có tính quyết định là chúng ta cần phải cải cách hệ thống hoạt động khoa học, kể cả hệ thống cung cấp kinh phí nghiên cứu và đánh giá thành quả khoa học.
——-
(*) Viện nghiên cứu y khoa Garvan -Sydney, Australia

Chú thích:
 [1] Chúng tôi sử dụng công cụ tìm kiếm dữ liệu Web of Science thuộc hệ thống ISI Web of Knowledge v3.0, với từ khóa mã nước là Vietnam OR Viet Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand. Sau khi thu thập được tổng số các bài báo thuộc các ngành, chúng tôi tuyển chọn vào ngành y sinh học (biomedical sciences) bằng các sử dụng công cụ “refining” để chọn lọc các bài báo theo chủ đề có liên quan đến ngành y sinh học (loại trừ ngành độc tố học). Toàn bộ các số liệu thu thập được truy xuất ra tập dữ liệu gốc để tính toán.
[2] Xem bài “Làm khoa học kiểu nhảy dù” của Nguyễn Văn Tuấn, đăng trên Tia Sáng, số 12 tháng 6 năm 2007.

Nguyễn Văn Tuấn – Nguyễn Đình Nguyên (*)

Tác giả

(Visited 88 times, 1 visits today)