Ngô Kiện Hùng, ‘quý bà số một’ ngành vật lý

Trong số tất cả những bất công trong lịch sử giải Nobel, vụ hắt hủi bà Ngô Kiện Hùng (Chien-Shiung Wu) trong việc xét giải Nobel Vật lý vào năm 1957 là nghiêm trọng nhất.

Hình 1: Bà Ngô Kiện Hùng (Chien-Shiung Wu) trên con tem mới do bưu điện Mỹ phát hành trong tháng 2/2021

Một trong những cuộc cách mạng khoa học lớn nhất của thế kỷ 20 là sự phát minh ra vật lý lượng tử. Ở quy mô nhỏ nhất của vật chất, các hiện tượng vật lý xảy ra trong tự nhiên không tuân theo các định luật cổ điển về trọng lực và lý thuyết điện từ, mà bắt đầu thể hiển các hiệu ứng kỳ lạ, tuân theo một bộ quy tắc mới. Đi sâu hơn vào cấu trúc của vật chất, chúng ta phát hiện ra rằng hạt nhân nguyên tử được tạo thành từ proton và neutron. Proton, neutron và rất nhiều hạt khác nữa – ngày nay được gọi là các baryon và meson – đều được cấu thành từ cùng một loại hạt hạ nguyên tử, đó là các hạt quark và gluon.

Nhưng đó không chỉ là về cấu trúc của vật chất và các quy tắc khác nhau giữa thế giới lượng tử và thế giới cổ điển, mà còn là về bản chất của các đối xứng. Về mặt cổ điển, chúng ta thấy rằng vật chất và ánh sáng tuân theo các định luật vật lý như nhau cho dù bạn lật hướng không gian giống như khi soi gương, hoặc bạn thay thế các hạt bằng các phản hạt (và ngược lại), hoặc bạn chạy theo hay ngược chiều kim đồng hồ (ý nói thời gian trôi xuôi hay ngược). Nhưng trong thế giới lượng tử, trong những điều kiện thích hợp, tất cả những điều vừa nói đều có thể bị vi phạm. Vào ngày 11 tháng 2 năm 2021 vừa qua, Bưu chính Mỹ đã vinh danh nhà vật lý đầu tiên đã làm thực nghiệm và chứng minh được rằng một trong những đối xứng kể trên bị vi phạm, đó là bà Ngô Kiện Hùng, bằng việc phát hành một con tem mới mang hình ảnh của bà. Tuy nhiên, có thể nói rằng giải Nobel Vật lý năm 1957 là trớ trêu nhất trong lịch sử các giải Nobel, đối với trường hợp của bà Chien-Shiung Wu. Sau đây là câu chuyện khoa học về những gì bà Wu đã làm và tại sao những điều ấy lại quan trọng đến vậy.

Hình 2: Xem hình ảnh nảy lên nẩy xuống của một quả bóng như trên hình này, bạn không thể biết chắc chắn quả bóng đang di chuyển về phía bên phải và mất năng lượng với mỗi lần nẩy trở lại hay liệu nó đang di chuyển về phía bên trái và tăng năng lượng với mỗi lần nẩy trở lại. Các định luật vật lý là đối xứng theo sự biến đổi ngược thời gian, và phương trình chuyển động sẽ cho bạn hai nghiệm (dương và âm) cho bất kỳ quỹ đạo nào bạn có thể suy ra. Chỉ bằng cách áp đặt các ràng buộc vật lý, chúng ta mới có thể biết nghiệm nào trong hai nghiệm là đúng.

Trong thế giới cổ điển – thế giới vĩ mô nơi mà chúng ta đang trải nghiệm hàng ngày – các quy luật của tự nhiên dường như không bị ảnh hưởng bởi nhiều loại thuộc tính. Các định luật vật lý ở một nơi nào đó cũng giống như các định luật vật lý ở bất kỳ một nơi nào khác; có nghĩa là chúng bất biến (không thay đổi) theo dịch chuyển không gian. Các định luật vật lý xảy ra vào một thời điểm nào đó cũng giống như các định luật vật lý xẩy ra ở bất kỳ một thời điểm nào khác; có nghĩa là chúng bất biến theo dịch chuyển thời gian. Các định luật vật lý cũng không thay đổi khi bạn di chuyển với bất kỳ tốc độ nào bạn muốn, đó là một thành phần then chốt của thuyết tương đối.

Nhưng ba phép đối xứng vừa được nói đến ở trên đều có tên của chúng, và ngày nay mọi người đều biết là cả ba phép đối xứng đó đều bị vi phạm bởi một và chỉ một lực trong tự nhiên, lực tương tác yếu. Cụ thể, ba phép đối xứng này là:

  • Đối xứng chẵn lẻ (P): bạn chiếu hệ thống của bạn vào một chiếc gương và xem xem nó có tuân theo đúng các quy tắc như hệ thống ngoài gương của bạn hay không.
  • Đối xứng liên hợp điện tích (C): bạn thay thế mọi hạt thuộc hệ thống của bạn bằng các phản hạt của chúng và mọi phản hạt thuộc hệ thống của bạn bằng các hạt tương ứng của nó.
  • Đối xứng nghịch đảo thời gian (T): thay vì cho đồng hồ chạy bình thường, bạn cho nó chạy theo chiều ngược lại và kiểm tra xem các quy tắc có giống nhau không.

Xem Hình 2, bạn không thể biết được quả bóng đang di chuyển từ trái sang phải và mất năng lượng sau mỗi lần nẩy hay nó đang bị “hất” lên mức năng lượng cao hơn sau mỗi lần nẩy từ phải sang trái. Các định luật vật lý là như nhau dù thời gian tiến hay lùi.

Hình 3: Trong bảng chữ cái có nhiều chữ cái thể hiện các đối xứng cụ thể khác nhau. Lưu ý rằng các chữ cái in hoa trên hình này đều có một và chỉ một trục đối xứng, theo hướng dọc với các chữ cái A, M, T, U, V, W và Y hoặc theo hướng nằm ngang với các chữ cái B, C, D, E và K; trong khi đó các chữ cái khác như “I” hoặc “O” có nhiều hơn một trục đối xứng. Đối xứng ‘gương’ như này, được gọi là đối xứng chẵn lẻ hay đối xứng P (ngụ ý chữ Parity), đã được xác minh là tồn tại trong mọi thử nghiệm đối với ba loại tương tác là tương tác mạnh, tương tác điện từ và tương tác hấp dẫn. Tuy nhiên, đối xứng P lại có thể bị vi phạm trong tương tác yếu. Khám phá khẳng định sự vi phạm đối xứng này xứng đáng giải Nobel Vật lý năm 1957.

Nhưng, cũng giống như một số chữ cái trong số 26 chữ cái in hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh (xem Hình 3) thể hiện đối xứng P còn một số chữ cái khác như G, J, R, F, v.v. thì không, nên một số định luật vật lý cũng có thể không tuân theo đối xứng này. Tuy nhiên, từ những năm 20 của thế kỷ trước, mọi thí nghiệm vật lý từng được thực hiện đều cho thấy sự bảo toàn của tính chẵn lẻ. Khi bất kỳ vật thể nào rơi vào trường hấp dẫn, trên mặt đất hoặc trên các thiên thể, tính chẵn lẻ đều được bảo toàn. Khi một điện tử hấp thụ hoặc phát ra một photon, tính chẵn lẻ cũng được bảo toàn. Và khi các hạt, bất luận là loại hạt nào, va chạm với nhau, tán xạ lên nhau, kết hợp với nhau hoặc phân chia hay phát nổ, thì tính chẵn lẻ vẫn được bảo toàn.

Tuy nhiên, đôi khi, một hạt không bền sẽ trải qua một quá trình phân rã phóng xạ. Quá trình rã hạt này không phải do lực hấp dẫn hay tương tác điện từ, mà là do một loại lực hoàn toàn mới: lực hạt nhân. Thực tế là có hai loại lực hạt nhân:

  • Lực hạt nhân mạnh “cầm tù” các hạt quark trong các nucleon (tức proton và neutron). Nó cũng liên kết các proton và các neutron với nhau để tạo thành hạt nhân nguyên tử. (Lực hạt nhân mạnh ở đây được hiểu là lực tương tác giữa các hạt quark bên trong các nucleon, là lực tương tác mạnh thực sự, và lực tương tác giữa các nucleon, là lực tương tác hiệu dụng chỉ là tàn dư của lực tương tác mạnh thực sự.)
  • Lực hạt nhân yếu cho phép một loại hạt quark này biến đổi thành một loại hạt quark khác, là cơ sở cho một số dạng phóng xạ, chi phối sự phân rã của các hạt hạ nguyên tử không bền.

Nếu hiểu được cơ chế tác dụng của các lực này thì chúng ta có thể hình dung ra được những gì sẽ có thể xẩy ra.

Hình 4: Phân rã alpha là một quá trình mà một hạt nhân nguyên tử nặng phát ra một hạt alpha (hạt nhân heli), dẫn đến một cấu hình bền vững hơn và giải phóng một lượng năng lượng. Hiện tượng này là kết quả của tác dụng đồng thời của lực hạt nhân mạnh và lực điện từ nhưng không làm thay đổi thành phần quark của các nucleon. Phân rã alpha là phân rã phóng xạ phổ biến nhất trong tự nhiên.

Phân rã phóng xạ có ba loại cơ bản (về mặt kỹ thuật thì có hơn ba loại, nhưng trong bài này chỉ cần xét ba loại là đủ để phản ánh nội dung cần thiết), và chúng dựa vào sự tác động lẫn nhau của các lực khác nhau để thúc đẩy các quá  trình phân rã. Ba loại phân rã phóng xạ cơ bản mà chúng ta quan tâm ở đây là:

1. Phân rã alpha: là loại phân rã phóng xạ phổ biến nhất, xảy ra khi một hạt nhân nặng, không bền tách ra một hạt alpha (thực chất là hạt nhân heli-4 gồm hai proton và hai neutron). Sự phân rã này là do lực hạt nhân mạnh (làm cho proton và neutron hút nhau ở những khoảng cách rất ngắn) kết hợp với lực điện từ (như khi các hạt có điện tích cùng dấu đẩy nhau và khác dấu hút nhau) và tạo ra hạt nhân bền vững hơn về năng lượng so với hạt nhân ban đầu (Hình 4).

2. Phân rã beta: là loại phân rã phóng xạ phổ biến thứ hai sau phân ra alpha. Phân rã beta thường xảy ra khi một quark dưới (down quark) – quark nhẹ thứ hai trong Mô hình Chuẩn (Standard Model) – rã thành một quark trên (up quark) nhẹ hơn, kèm theo một điện tử (electron) và một phản neutrino điện tử (anti-electron neutrino). Loại phân rã này xẩy ra hoàn toàn do tương tác yếu, và trước khi các quark được phát hiện, được hiểu là một neutron biến đổi thành một proton kèm theo một electron với một sự “thiếu hụt năng lượng” cho tới khi neutrino được tìm thấy vào năm 1956.

3. Phân rã gamma: là một phân rã thuần túy điện từ, xảy ra khi một hạt nhân nặng, không bền, sắp xếp lại các hạt bên trong, phát ra một photon năng lượng cao và chuyển xuống một trạng thái kích thích thấp hơn với mức năng lượng thấp hơn.

Phân rã alpha và phân rã gamma luôn bảo toàn tính chẵn lẻ, nhưng phân rã beta thì không.

Hình 5: Sơ đồ minh họa sự phân rã beta xẩy ra thông qua tương tác yếu: một neutron chuyển thành một proton, một electron và một phản neutrino electron (anti-electron neutrino). Trước khi neutrino được biết đến hoặc phát hiện, dường như cả năng lượng và moment động lượng đều không bảo toàn trong phân rã beta.

Phân rã beta trong vật lý hạt nhân là lĩnh vực chuyên môn của Ngô Kiện Hùng. Dự định ban đầu của bà là di cư từ Trung Quốc sang Mỹ để học tại Đại học Michigan, nơi bà đã được nhận nhập học, nhưng năm 1936 trên đường đi bà đã ghé thăm Đại học Berkeley ở San Francisco nơi con tàu của bà cập bến. Sau khi tham quan phòng thí nghiệm bức xạ ở đó – và sau khi nghe tin rằng phụ nữ không được đi vào Đại học Michigan bằng cổng chính – Ngô Kiện Hùngđã quyết định học tại Đại học Berkeley thay cho Đại học Michigan. Làm việc với Ernest Lawrence và Emilio Segrè, bà đã tốt nghiệp đại học năm 1940 và nghiên cứu về nhiều khía cạnh khác nhau của lĩnh vực vật lý hạt nhân và của lĩnh vực mà ngày nay chúng ta gọi là vật lý hạt cơ bản.

Chán nản do không thể tìm được vị trí giảng viên tại một trường đại học,  bà vẫn ở lại Berkeley với tư cách là nghiên cứu viên sau tiến sĩ trong vài năm. Cuối cùng bà cũng đã nhận được một vị trí giảng viên tại Đại học Smith chỉ dành cho nữ. Nhưng ở đó, lại một lần nữa thất vọng vì không có cơ hội nghiên cứu, bà đã tham gia Dự án Manhattan tại Đại học Columbia vào năm 1944. Mặc dù nhiệm vụ của bà là phát triển các thiết bị phát hiện bức xạ, nhưng bà đã được liên hệ để nghiên cứu sự cố một lò phản ứng hạt nhân thường xuyên bị ngừng hoạt động ngoài mong muốn. Những nghiên cứu của bà dưới sự hướng dẫn của Segrè liên quan đến tính chất phóng xạ của xenon-135 thông qua quá trình phân rã beta. Những nghiên cứu này là chìa khóa để hiểu tại sao lò phản ứng hạt nhân lại ngừng hoạt động: đồng vị được tạo ra bởi sự phân hạch hạt nhân là một chất hấp thụ neutron tuyệt vời, điều làm cho lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động.

Bản thảo bài báo của Ngô Kiện Hùng ngay khi còn chưa được công bố đã mở ra giải pháp cho vấn đề và giúp bà giành được một vị trí cơ hữu với tư cách là giáo sư nghiên cứu tại Columbia sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Hình 6: Ảnh TS. Chien-Shiung Wu được treo trong phòng thí nghiệm của bà tại Đại học Columbia ở New York cùng với các thiết bị đã được sử dụng để chứng minh ý tưởng lý thuyết về dòng véctơ bảo toàn. Công trình đột phá đó góp phần vào việc hình thành Mô hình Chuẩn và được cho là kết quả có ảnh hưởng lớn thứ ba trong sự nghiệp của Wu.

Vào những năm 1950, hai nhà vật lý lý thuyết, Lý Chính Đạo (Tsung-Dao Lee, bạn của Wu) và Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang), đang nghiên cứu hai loại hạt, hạt Theta (Θ) và hạt Tau (τ), và thấy khó hiểu về chúng. Đây là hai loại hạt (mới đầu được cho là khác nhau) nhưng dường như giống hệt nhau về mọi mặt trừ một mặt. Chúng có cùng khối lượng, cùng điện tích, cùng spin và cùng thời gian sống. Chúng còn có chung một thuộc tính, hồi đó gọi là “tính lạ” (“strangeness”), mà ngày nay được hiểu là mỗi hạt này chứa một quark lạ (strange quark). Nhưng, điều quan trọng nằm ở sự khác biệt như sau:

  • Hạt Θ luôn rã thành hai pion, một tích điện dương và một trung hòa.
  • Hạt τ lại luôn rã thành ba pion, hai tích điện dương và một tích điện âm.

Điều này dẫn tới một câu hỏi lớn: liệu chúng có phải là cùng một hạt hay không?

Vấn đề là ở chỗ tính chẵn lẻ được đặc trưng bởi một số lượng tử nhân tính (multiplicative quantum number), gọi là số lượng tử chẵn lẻ, có thể nhận các giá trị +1 hoặc -1. Số lượng tử chẵn lẻ của một pion là -1. Nếu “bạn” bị rã ra thành hai pion thì số lượng tử chẵn lẻ của bạn phải là (-1) ×(-1) = +1. Nhưng nếu “bạn” bị rã ra thành ba pion thì số lượng tử chẵn lẻ của bạn phải là (-1)×(-1)×(-1) = -1. Điều này khiến Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh nảy ra ý tưởng rằng có thể tính chẵn lẻ không được bảo toàn đối với các tương tác yếu. Song để chứng minh điều đó cần phải tiến hành một thí nghiệm chuyên dụng tinh vi, dù nói cho cùng, khi đó không ai biết liệu hạt Θ và hạt τ có phải là cùng một hạt hay không. Và đó là lúc Ngô Kiện Hùng “bước vào cuộc chơi”.

Hình 7: Bà Ngô Kiện Hùng là một nhà vật lý thực nghiệm có một sự nghiệp nổi bật. Bà đã có nhiều khám phá thực nghiệm quan trọng xác nhận (hoặc bác bỏ) một loạt các tiên đoán lý thuyết quan trọng. Vậy mà bà vẫn chưa (Bây giờ, khi bà đã qua đời, thì “chưa” đã thành “không”) bao giờ được trao giải Nobel, trong khi đó có những người làm ít hơn nhưng lại được đề cử và nhận giải Nobel.

Ngô Kiện Hùng quyết định chuẩn bị một mẫu coban-60, một đồng vị phóng xạ của coban có thể phân rã beta thành niken. Ý tưởng này của Ngô Kiện Hùng thật tuyệt vời bởi vì bà nhận ra rằng các hạt nhân coban có spin và bằng cách tận dụng hai kỹ thuật riêng biệt với nhau có thể làm cho tất cả các spin thẳng hàng (cùng hướng về một phương). Đầu tiên, bà làm lạnh coban xuống nhiệt độ rất thấp, nhiệt độ đông lạnh. Ở nhiệt độ thấp như thế các dao động nhiệt của coban trở nên không đáng kể. Sau đó, khi vẫn ở nhiệt độ cực thấp đó, bà tác dụng lên chúng một từ trường mạnh, đều và không đổi.

Thông thường, các va chạm, dao động và các hiệu ứng nhiệt khác làm cho các spin của các hạt nhân nguyên tử hướng theo các phương khác nhau một cách ngẫu nhiên. Vì vậy, nhiệt độ thấp có tác dụng ngăn điều đó xảy ra, trong khi từ trường lớn khiến các spin của tất cả các hạt nhân đều hướng theo một phương.

Tại sao điều đó lại quan trọng?

Bạn có thể minh họa điều này bằng bàn tay trái. Hướng ngón tay cái lên và cuộn bốn ngón còn lại. Nếu nhìn từ trên xuống ngón tay cái, bạn sẽ thấy bốn ngón tay dường như cuộn theo chiều kim đồng hồ. Nếu sau đó hạt bị phân hủy, thì “trục quay” (ngón tay cái của bàn tay trái của bạn) vẫn hướng lên, và điều đó sẽ được in dấu trên các hạt mới xuất hiện từ sự phân rã. Điều này về cơ bản khác với việc bạn sử dụng bàn tay phải, là hình ảnh phản chiếu qua gương của bàn tay trái.

 

Hình 8: Tính chẵn lẻ (P), hay đối xứng gương, là một trong ba đối xứng cơ bản trong vũ trụ, cùng với đối xứng liên hợp điện tích (C) và đối xứng nghịch đảo thời gian (T). Nếu các hạt quay theo một hướng và rã dọc theo một trục cụ thể thì đối xứng gương có nghĩa là chúng có thể quay theo hướng ngược lại và vẫn rã dọc theo trục cũ. Các thí nghiệm đã xác nhận đối xứng gương như thế không xẩy ra trong các phân rã yếu, dấu hiệu đầu tiên cho thấy các hạt có thể có “tính thuận tay” nội tại (intrinsic ‘handedness’) và điều này được phát hiện bởi Ngô Kiện Hùng.

Nếu tính chẵn lẻ được bảo toàn, thì các hạt sẽ cư xử theo cách “thuận tay trái” và “thuận tay phải” như nhau, không ưu tiên cách này hay cách kia. Xét cho cùng, đối xứng chẵn lẻ có nghĩa là đối xứng gương, và bất cứ điều gì mà một hạt “thuận tay trái” có thể làm thì phiên bản “thuận tay phải” cũng sẽ làm như thế trong gương.

Điều mà Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh dự đoán, nếu tính chẵn lẻ bị vi phạm, là sự phân rã sẽ bất đối xứng: các sản phẩm phân rã của coban-60 sẽ ưu tiên xảy ra theo một hướng phụ thuộc vào hướng của các spin của chúng, và điều đó thể hiện một sự bất đối xứng cơ bản. Mặt khác, nếu dự đoán sai và tính chẵn lẻ được bảo toàn thì các phân rã sẽ là đối xứng và sẽ xẩy ra giống hệt nhau khi các spin hướng theo hai phương ngược nhau. 

Cần nhấn mạnh rằng trong vật lý cách duy nhất có thể biết tự nhiên thực sự hoạt động như thế nào là thực hiện một thí nghiệm quyết định hoặc một loạt các quan sát mang tính quyết định. Chúng ta chỉ mở được những bí mật của tự nhiên bằng cách đặt câu hỏi cho vũ trụ về chính nó. Bất kể những dự đoán từ những tính toán lý thuyết của bạn cụ thể và chính xác đến đâu, bạn phải đối chiếu những ý tưởng và giả thuyết của bạn với dữ liệu thu được từ thế giới thực.

Thí nghiệm của Ngô Kiện Hùng đã thành công. Từ các kết quả thí nghiệm của bà có thể khẳng định là các hạt được phát ra một cách không đối xứng (tức tính chẵn lẻ bị vi phạm) hay một cách đối xứng (tức tính chẵn lẻ được bảo toàn). Điều ngạc nhiên đối với nhiều người là Ngô Kiện Hùng không chỉ đã xác định rằng tính chẵn lẻ bị vi phạm mà sự vi phạm còn ở mức tối đa: gần như 100% các hạt đều được phát ra dọc theo hướng của spin của các hạt nhân coban-60 ban đầu. Quay trở lại câu hỏi về hạt Θ và hạt τ:  trên thực tế chúng được xác định là cùng một hạt, ngày nay được gọi là hạt kaon (khi kaon rã theo 2 kênh, kênh rã thành 2 pion và kênh rã thành 3 pion, có tính chẵn lẻ khác nhau là khi đối xứng P bị vi phạm).

Theo nhiều góc độ khác nhau, khám phá này đánh dấu sự khởi đầu cho cái mà sau đó đã phát triển thành Mô hình chuẩn của vật lý hạt cơ bản hiện đại. Thí nghiệm của Ngô Kiện Hùng quan trọng đến mức giải Nobel Vật lý năm 1957 đã được trao cho công trinh nghiên cứu về các định luật chẵn lẻ dẫn đến những khám phá quan trọng về các hạt cơ bản. Giải thưởng Nobel (có thể trao cùng một lúc cho ba người) đã được trao chung cho hai người là Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo, nhưng Ngô Kiện Hùng thì hoàn toàn không được nhắc tới. Trên thực tế, Ngô Kiện Hùng thực sự là người đã thực hiện thí nghiệm xác định sự vi phạm đối xứng chẵn lẻ nhưng vai trò của Ngô Kiện Hùng trong việc này không được bất kỳ tổ chức chuyên nghiệp lớn nào công khai tôn vinh cho đến năm 1978 khi bà được nhận Giải thưởng Wolf là giải được lập ra cùng năm dành riêng cho những nhà khoa học và nghệ sỹ còn sống xứng đáng được nhận giải Nobel nhưng đã không được nhận.

Hình 9: TS. Ngô Kiện Hùng (ở hàng phía trước) cùng với 5 người khác nhận bằng danh dự từ Harvard năm 1974. Bà là một trong những nhà vật lý thực nghiệm vĩ đại nhất trong lịch sử, có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực vật lý. Việc bà bị bỏ sót không được nhận giải Nobel Vật lý 1957 vẫn là một trong những bất công lớn nhất trong lịch sử của giải thưởng này.

Sau công trình lịch sử về vi phạm đối xứng chẵn lẻ, Ngô Kiện Hùng tiếp tục sự nghiệp của mình một cách rất ấn tượng. Bà đã xác nhận bằng thực nghiệm giả thuyết bảo toàn dòng véctơ (Conserved Vector Current hypothesis) và đã chứng minh rằng phép đối xứng liên hợp điện tích cũng bị vi phạm trong tương tác yếu. Bà cũng là người đầu tiên thu được các kết quả thực nghiệm từ các thí nghiệm liên quan đến các photon rối (entangled photons) trong nghịch lý Einstein-Podolsky-Rosen. 

Ngô Kiện Hùng còn là một nhà hoạt động chống phân biệt giới tính trong vật lý. Bản thân bà chỉ được trả lương ngang bằng với các đồng nghiệp nam vào năm 1975 và thường bị gọi sai thành “Giáo sư Yuan”, tên của chồng bà, mà bà luôn sửa lại bằng cách thông báo với những người/tổ chưc đã gọi sai tên bà rằng bà là Giáo sư Ngô Kiện Hùng, không phải Giáo sư Yuan. Trong một hội nghị chuyên đề tại MIT bà đã đặt ra cho khán giả một câu hỏi như sau: “Liệu các nguyên tử và hạt nhân bé xíu, hoặc các ký hiệu toán học, hoặc các phân tử DNA, có bất kỳ sự ưu tiên nào đối với cách đối xử nam tính hay nữ tính không?” 

Nếu Ngô Kiện Hùng được nhận giải Nobel Vật lý năm 1957 cùng với Lee và Yang, thì bà sẽ là người phụ nữ thứ hai vào thời điểm đó giành được giải thưởng này, sau Marie Curie. Mặc dù đã quá muộn để sửa sai nhưng giờ đây chúng ta có thể kỷ niệm cuộc đời, công việc và di sản của bà mỗi khi gửi thư qua bưu điện Mỹ vì vào ngày 11 tháng 2 năm 2021 đã ra đời một con tem mới vĩnh viễn mang hình ảnh của bà. Tất cả chúng ta hãy cùng gửi lời chúc mừng muộn màng đến TS. Ngô Kiện Hùng: Đệ nhất Quý bà của ngành vật lý.

Nguyễn Bá Ân dịch.

Nguyễn Anh Kỳ hiệu đính.

Nguồn: New USPS Stamp Celebrates Physicist Chien-Shiung Wu, The ‘First Lady’ Of Physics | by Ethan Siegel | Starts With A Bang! | Feb, 2021 | Medium

 

 

 

Tác giả

(Visited 53 times, 1 visits today)