Ngoại giao khoa học là một kênh quan trọng để phát triển quan hệ Việt – Nga’
Trong khuôn khổ diễn đàn EEF, Viện Công nghệ Nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ký biên bản hợp tác với Đại học Kỹ thuật Quốc gia Kuzbass. Qua đó, cả hai bên sẽ tham gia đào tạo chung cho các chương trình đại học, thạc sỹ và tiến sĩ về ngành kỹ thuật.
Cán bộ, kỹ thuật viên làm việc bên trong xe labo xét nghiệm di động do Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga cử vào hỗ trợ TPHCM. Nguồn: QĐND
Tại Vladivostosk (Nga), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) 2021 đã diễn ra phiên thảo luận “Một thập kỷ Hội nghị Quốc tế về Giáo dục APEC: Thành tựu và Triển vọng” với sự tham gia của nhiều học giả, nhà giáo dục có uy tín, quan chức giáo dục đại học.
Tại buổi làm việc, Viện Công nghệ Nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã ký Biên bản hợp tác với Đại học Kỹ thuật Quốc gia Kuzbass. Thỏa thuận này sẽ xem xét việc tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học chung, đào tạo cán bộ khoa học và sư phạm có trình độ cao, trao đổi tài liệu giáo dục và phương pháp luận, tài liệu khoa học và sách giáo khoa. Dự kiến thiết lập các liên kết trực tiếp giữa các khoa, bộ môn của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Kuzbass và Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), đồng thời, cả hai bên sẽ tham gia đào tạo chung cho các chương trình đại học, thạc sỹ và tiến sĩ về ngành kỹ thuật. Evgeni Vlasov, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Quan hệ Quốc tế của Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) cho biết: “FEFU là một trong những đại học hàng đầu của Nga đào tạo các nhà Việt Nam học. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh dược và y học nói chung, bảo vệ con người, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ là tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Nga”.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị” cho biết, cuộc gặp diễn ra vào thời điểm quan trọng khi năm nay Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. “Hợp tác Việt – Nga có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, do hai nước có thể chế, cơ chế khác nhau, tình hình quốc tế đang có nhiều biến động phức tạp, mức độ hợp tác song phương chưa hoàn toàn như mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước”, ông nói và cho biết thêm về phương hướng hợp tác giữa các địa phương, khu vực của hai nước. Qua đó, cần tăng cường các kênh hợp tác khác nhau để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác truyền thống, “ngoại giao nhân dân, trong đó có ngoại giao khoa học, là một kênh quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước”.