Người bạn của Việt Nam

James Watson Cronin, người được trao giải Nobel Vật lý năm 1980, đã từ trần ngày 25/8/2016. Vô cùng thông tuệ và nghiêm cẩn nhưng cũng đầy tinh tế; một tâm hồn rộng lượng, nhân ái, và thanh nhã, Jim sẽ luôn được tất cả chúng ta nhớ đến như một minh chứng tuyệt vời về nhân phẩm con người.

James Cronin, nhà khoa học đã giải thích được vì sao vũ trụ còn tồn tại sau vụ nổ Big Bang, qua đời ở tuổi 84 tại nhà riêng ở Saint Paul, Minnesota, Mỹ.

Tôi thân thiết với Jim từ hơn 50 năm nay. Lần đầu tiên tôi gặp ông là ở Đại học Princeton một vài năm sau khi ông và Val Fitch, cùng với René Turlay và James Christenson phát hiện ra vi phạm đối xứng CP ở các phân rã kaon. Thí nghiệm của họ đã đo được độ lớn của biên độ phân rã vi phạm đối xứng CP. Sau đó, một số nhóm thí nghiệm tìm cách đo lường pha của nó. Khi ấy, tôi chỉ vừa mới chuyển hướng nghiên cứu từ vật lý hạt nhân sang vật lý lượng tử và được tham gia vào một trong những thí nghiệm như vậy, dưới sự dẫn dắt của Carlo Rubbia và Jack Steinberger. Sau này, tôi lại may mắn có dịp làm việc trong cùng lĩnh vực với Jim, đó là tạo ra các boson xung lượng ngang lớn trong các va chạm hadron, để thăm dò về cấu trúc quark và gluon của các nucleon. Nhờ đó chúng tôi có vài cơ hội gặp gỡ, ví dụ như trong lần Jim tập hợp một nhóm nghiên cứu về khả năng xây dựng một máy gia tốc proton-antiproton ở Mỹ. Đến cuối thế kỷ 20, Jim cùng Alan Watson thiết kế một đài thiên văn lớn nằm gần dãy núi Andes ở Argentina, Đài thiên văn Pierre Auger, nhằm khám phá các tia vũ trụ năng lượng cao nhất đến được Trái đất. Chính trong bối cảnh đó mà Jim trở nên gần gũi với Việt Nam, đất nước mà ông từ lâu đã yêu mến, đồng thời cũng nhân đó mà ông gần gũi với nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi ở Hà Nội. Đây cũng là giai đoạn mà tôi sẽ chú trọng viết nhiều trong bài viết này – dựa trên những hồi tưởng cá nhân [1] – thay vì nhắc lại về cuộc đời cùng những thành tựu khoa học của Jim mà báo chí quốc tế đã phản ánh khá đầy đủ trong những bài viết gần đây [2].

Từ đầu những năm 1990, Jim và Alan đã tin rằng sự phát triển của ngành vật lý tia vũ trụ đòi hỏi xây dựng một đài thiên văn rất lớn, đủ nhạy để phát hiện các tia vũ trụ năng lượng cao nhất đến từ ngoài dải Ngân hà và có độ phân dải góc đủ để xác định hướng của chúng. Hồi tưởng lại thời gian xây dựng đề xuất cho một dự án như vậy, Jim nói: “Khi ấy tôi tràn đầy lý tưởng và thực sự vô cùng thất vọng về những điều chính phủ nước tôi gây ra trong Chiến tranh Việt Nam; do đó khi đề xuất triển khai một thí nghiệm rất lớn nhằm đo đạc các tia vũ trụ năng lượng siêu cao, tôi quyết tâm bằng cách nào đó sẽ khiến dự án này mang lại ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam và các nước đang phát triển khác. Quy mô [của đài thiên văn] phải lớn do khả năng xảy ra các sự kiện năng lượng cao như vậy chỉ vào khoảng một trên một kilometre vuông trong mỗi thế kỷ, như vậy để đón bắt được chúng phải cần đến một diện tích rất rộng. Vậy là Alan Watson đã cùng tôi thực hiện một chuyến đi đến Việt Nam năm 1994 nhằm tìm những người Việt muốn tham gia làm việc trong thí nghiệm này; chúng tôi đề nghị phía Việt Nam chọn giúp ai đó có khả năng tham gia thiết kế thí nghiệm như đã đề ra trong kế hoạch.”

Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Jim vẫn thường dị ứng với những thí nghiệm lớn đòi hỏi hàng trăm nhà vật lý, thứ mà “khoa học lớn” những năm gần đây ngày càng đòi hỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp này đó là lựa chọn duy nhất: “Khi đã nhiệt tâm theo đuổi điều gì đó, ta phải làm mọi điều cần thiết để đạt mục tiêu mong muốn”, ông nói.

Chuyến đi của ông tới Việt Nam đã dẫn đến việc có một nhà vật lý trẻ của Viện Hạt nhân Đà Lạt, Huỳnh Đông Phương, tham gia cùng nhóm của ông trong sáu tháng để thực hiện các nghiên cứu thiết kế đài quan sát. Nó cũng là bước khởi xướng dẫn đến một thỏa thuận chung về hợp tác với Việt Nam, trong đó phải nói đến vai trò quan trọng của Võ Văn Thuận và sự giúp đỡ của Trần Thanh Vân và Nguyễn Văn Hiếu.

Vào khoảng thời gian đó, Trần Thanh Vân, trong khuôn khổ tổ chức chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam, đã tổ chức một khóa học ở Hà Nội nhằm giới thiệu cho các sinh viên trẻ Việt Nam về ngành vật lý tia vũ trụ. Tuy nhiên, như Jim nói, “mặc dù các sinh viên Việt Nam rất hứng thú với thí nghiệm nhưng họ không có ai có đủ kinh nghiệm cũng như không được dẫn dắt để có thể lôi kéo, tổ chức mọi người tham gia. Vì vậy tôi đã hết sức thất vọng”.

Tôi nhớ rằng khi ấy mình có dịp đi cùng Jim từ Orsay tới Paris, lúc đó tôi đang làm việc trong lĩnh vực siêu dẫn, và chỉ vừa mới kết thúc nhiệm kỳ làm giám đốc nghiên cứu tại CERN. Jim kể với tôi về nỗ lực tìm sự hỗ trợ từ UNESCO nhằm giúp cho sự tiến bộ khoa học ở các nước đang phát triển, trong đó cụ thể là Việt Nam, đất nước mà cả hai chúng tôi đều coi là một biểu tượng đấu tranh chống lại sự tàn nhẫn bất công của lịch sử. Ông cũng nói với tôi về mối liên hệ của ông với con gái của Pierre Auger cũng như sự ngưỡng mộ mà ông dành cho cha cô, người mới qua đời đúng vào Giáng sinh năm 1993. Tôi từng có dịp gặp Pierre Auger vài lần – khi mà ông hầu như đã bị mù – trong chương trình truyền thanh Les Grandes Avenues de la Science Moderne mà ông điều hành và bản thân tôi cũng có đóng góp. Tôi kể với Jim về trải nghiệm này.

Khi nhóm nghiên cứu tôi xây dựng ở Việt Nam ra đời, ở thời điểm bước sang thế kỷ mới, Jim hân hoan và có phần quá lời gọi đó là một “phép lạ”. Nhóm nghiên cứu lúc đó nằm trong Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), tên nhóm được đặt là VATLY, vừa có nghĩa là vật lý trong tiếng Việt, vừa là viết tắt của Vietnam Auger Training LaboratorY (Phòng thí nghiệm Đào tạo Auger Việt Nam). Tôi xin lại trích lời nhận xét của Jim [về các cấu phần trong tên gọi này]: “Việt Nam, nghĩa là mong muốn tham gia đóng góp cho nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam; Auger, nhằm phản ánh định hướng ưu tiên trong đào tạo, đó là phát huy lợi thế là tia vũ trụ có mặt ở mọi nơi – [chúng ta có thể nghiên cứu chúng mà] chẳng cần phải tìm đến một máy gia tốc nào đó – điều ấy là tuyệt nhất; Đào tạo, đây chính là mục đích chủ đạo, đó là vun trồng cho thế hệ trẻ ở một đất nước chịu nhiều đau thương của chiến tranh trong nhiều năm, nơi mà đi đâu ta cũng gặp những thanh niên thông minh đầy nhiệt huyết”. Jim hết sức trân trọng, tôi phải nói là có phần quá mức, về những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu của chúng tôi ở Hà Nội khi ấy, cụ thể như kết quả đo đạc chi tiết thông lượng muon vũ trụ, được các nhà khoa học quan tâm một cách bất ngờ bởi Hà Nội tình cờ nằm trong khu vực có ngưỡng cắt địa từ (rigidity cut-off) lớn nhất trên thế giới.

Ông cũng đánh giá cao cách thức làm việc của chúng tôi, không chỉ phân tích dữ liệu từ Auger, mà còn thực hiện các đo đạc sử dụng thiết bị tự lắp đặt trên nóc phòng thí nghiệm [3], chẳng hạn ông đã nói “đường biểu diễn kết quả thí nghiệm tuyệt đẹp trong luận văn thạc sỹ của Nhung [4] cho thấy sự tỷ lệ thuận cao giữa bức xạ Cherenkov và chiều dài đường đi của hạt.” Qua đó, ông nhận xét: “Những gì họ đang làm là không chỉ ngồi ỳ trước màn hình máy tính – đây chính là điều quan trọng nhất, chúng ta phải kéo người làm nghiên cứu ra khỏi những chiếc máy tính – nhóm đã thành công trong việc áp dụng triết lý, rằng người ta có thể tiến hành đủ các các loại tính toán, chạy đủ các loại phần mềm, nhưng tất cả những thứ ấy là vô dụng nếu người ta không chế tạo một thiết bị tốt để có thể thu thập những dữ liệu cần thiết.”

Những kết quả quan trọng đầu tiên từ Đài thiên văn Pierre Auger được đưa lên trang nhất tạp chí Science, một tạp chí khoa học danh tiếng của Mỹ, và trong cùng ngày, 9/11/2007, tờ báo Tiền Phong cũng đăng trên trang nhất ảnh nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi với những nhận xét về sự tham gia của nhóm trong các nghiên cứu của Đài thiên văn. Jim rất tự hào về điều này, tôi còn được nghe ông nhắc lại chuyện ấy tới vài lần.

Mùa hè 2006, Trần Thanh Vân trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức ở Hà Nội một hội nghị có sự tham gia của các nhà vật lý đến từ nhiều nơi trên thế giới, bàn về những tiến bộ mới nhất trong các lĩnh vực vật lý lượng tử, vật lý thiên văn hạt, và vật lý thiên văn. Tại đó, Điệp [5] báo cáo về kết quả công việc của nhóm nghiên cứu trẻ của chúng tôi. Cũng trong dịp ấy, Jim cùng một nhà khoa học khác từng đoạt giải Nobel, Klaus von Kitzing, đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Họ nói với ngài Chủ tịch nước rằng thời cơ đã đến để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển khoa học và công nghệ của thế giới. Jim có một bài nói chuyện tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó ông nhấn mạnh rằng Việt Nam cần cung cấp một nền giáo dục khoa học sâu sắc hơn và tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thông qua xây dựng các chính sách phù hợp về điều kiện làm việc và chế độ lương nhằm thu hút nhân tài và tránh chảy máu chất xám với tình trạng các nhà khoa học giỏi trong nước phải tìm cách ra nước ngoài làm việc.

Chuyến thăm Việt Nam năm 2006 lần ấy của Jim là cơ hội để chúng tôi đưa ông đi tham quan Hà Nội, Hạ Long, và cùng ông trải qua những kỷ niệm khó quên. Jim vẫn thường nói về niềm hứng khởi của ông khi thấy chúng tôi phát triển và hiện thực hóa điều ông mong ước, đó là góp một phần nhỏ giúp Việt Nam tham gia [cùng thế giới] nghiên cứu khoa học ở mức chất lượng cao. Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến ông với sự trân trọng, chân thành sâu sắc, và ý thức tri ân về những gì ông cũng như chương trình hợp tác Piere Auger đã mang lại, mà nếu không nhờ đó thì nhóm nghiên cứu trẻ của chúng tôi sẽ không thể trưởng thành được tới như ngày hôm nay.

[1] Đa số các trích dẫn là từ lời của Jim phát biểu tại Orsay (Pháp), có thể xem video tại http://webcast.in2p3.fr/videos-lagarrigue_2008_auger_jim
_cronin?cmb_video_liste=5746

[2] Một số báo và tạp chí quốc tế viết Jim:
http://www.nature.com/nature/journal/v537/n7621/full/537489a.html
https://news.uchicago.edu/article/2016/08/27/james-w-cronin-nobel-laureate-and-pioneering-physicist-1931-2016
http://www.nytimes.com/2016/08/31/science/james-cronin-who-explained-why-matter-survived-the-big-bang-dies-at-84.html?
http://physicsworld.com/cws/article/news/2016/aug/26/nobel-laureate-james-cronin-dies-at-84
https://www.nobelprize.org/nobel_prizes/physics/laureates/1980/cronin-bio.html
Bài diễn văn nhận giải Nobel của Jim:
https://www.nobelprize.org/nobel_prizes/physics/laureates/1980/cronin-lecture.html

[3] Khi đó là Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân

[4] TS. Phạm Thị Tuyết Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu VATLY

[5] TS. Phạm Ngọc Điệp, thành viên nhóm nghiên cứu VATLY

Thanh Xuân dịch

Tuyết Nhung hiệu đính

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)