Người nghèo thành thị phải chịu nóng nhiều hơn người giàu
Có nhiều căn cứ cho thấy những khu vực nghèo hơn trong thành phố thường sẽ phải chịu mức nhiệt độ cao hơn những khu vực giàu có. Các khu vực như vậy được gọi là “đảo nhiệt đô thị”, tại đó có nhiều tòa nhà hơn, ít cây xanh, và có mật độ dân cư cao hơn, dẫn đến hiệu ứng gia nhiệt.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology Letters, một nhóm kỹ sư môi trường tại Đại học Duke đã chỉ ra rằng các công cụ khoa học công dân được dùng để đo nhiệt tại những khu vực đô thị này có thể đã đánh giá thấp vấn đề đảo nhiệt. Họ đề xuất một phương pháp thống kê giúp cải thiện ước tính về nhiệt đô thị.
Zach Calhoun, nghiên cứu sinh tiến sĩ về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học Duke, cho biết: “Những khu vực nghèo nhất trong thành phố cũng thường có ít trạm thời tiết để lấy dữ liệu nhất, vì thế nếu chúng ta dựa vào dữ liệu của chúng thì sẽ cần lắp đặt thêm cảm biến mặt đất hoặc cố gắng điều chỉnh dữ liệu còn thiếu. Việc có được dữ liệu nhiệt độ chính xác không chỉ cần thiết với người dân, mà nó còn đặc biệt quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định sáng suốt”.
“Do nắng nóng gay gắt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng ta cần giám sát tác động của nó đối với sức khỏe hô hấp và tim mạch vì lợi ích của tất cả mọi người. Điều này đặc biệt đúng với những người dễ bị tổn thương tại khu vực đô thị như trẻ em và những người khó khăn về kinh tế” – Marily Black, nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Underwriter (UL), đồng tác giả, nói thêm.
Dữ liệu này tới từ trang web thời tiết nổi tiếng Weather Underground thành lập vào năm 1995, một nhánh của cơ sở dữ liệu thời tiết trên internet của Đại học Michigan. Nó lấy dữ liệu từ các trạm thời tiết chính phủ chính thức vốn tương đối thưa thớt, lẫn các trạm thời tiết do các nhà khoa học công dân thiết lập trong vườn nhà.
Tuy không quá tốn kém, nhưng việc lắp đặt các trạm thời tiết tư nhân cũng tốn vài trăm đô la. Dĩ nhiên, nơi người giàu ở sẽ mua và lắp đặt trạm phổ biến hơn những nơi dân nghèo sống. Việc dựa vào các trạm như vậy để lấy dữ liệu thời tiết có thể dẫn đến nhiều vấn đề.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những khu vực nghèo nhất và nóng nhất của thành phố gần như không có nhiều trạm thời tiết cá nhân. Họ đưa ra hai giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề: lắp thêm trạm thời tiết hoặc tìm cách khắc phục việc thiếu dữ liệu.
Thông qua việc hợp tác với David Carlson, phó giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại ĐH Duke, nhóm lấy được dữ liệu trong bốn năm ở toàn bộ bang Bắc Carolina từ máy chủ của Weather Underground. Sau đó, họ vạch ra nơi đặt trạm và so sánh số lượng của chúng với thu nhập trung bình của từng khu vực.
Kết quả không ngoài dự đoán khi thu nhập và dữ liệu có mối tương quan chặt chẽ với nhau, khu vực có thu nhập cao hơn lắp nhiều trạm hơn. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã làm thống kê và áp dụng mối tương quan này vào kho dữ liệu nhiệt độ của họ.
Để chứng thực phương pháp, các nhà nghiên cứu chuyển sang lấy dữ liệu từ Hệ thống Thông tin Sức khỏe nhiệt tích hợp Quốc gia (NIHHIS). Năm 2021, tổ chức liên bang đã chọn 15 địa điểm cho Chiến dịch Theo dõi nhiệt NIHHIS-CAPA. Tại đây, các nhà khoa học và tình nguyên viên cộng đồng thu thập số liệu nhiệt độ và độ ẩm trong ngày trên toàn bộ thành phố.
Nhóm lấy số liệu của Weather Underground đo ở Durham vào cùng ngày năm 2021, và áp dụng cách hiệu chỉnh thống kê trên khắp thành phố. Họ phát hiện kết quả thu được trên toàn thành phố, đặc biệt là ở những khu vực có ít hoặc không có dữ liệu trạm thời tiết cá nhân – gần giống với dữ liệu của chiến dịch Theo dõi nhiệt. Đây cũng là những khu vực nóng nhất của thành phố, có mức nhiệt vượt qua báo cáo của Weather Underground và The Weather Channel.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các phương pháp này giúp nhà khoa học điều chỉnh và đánh giá đúng hơn về hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc lắp nhiều trạm thời tiết hơn để biết được mùa hè nóng tới mức nào với những thành viên nghèo nhất trong cộng đồng.□
Phương Anh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2024-06-urban-residents-hotter-weather-app.html
Bài đăng Tia Sáng số 13/2024