Người nói hai ngôn ngữ hồi phục tốt hơn khi bị đột quỵ

Theo công bố của nhóm nghiên cứu ở Viện Khoa học Y khoa Nizam, Ấn Độ, do Tiến sĩ thần kinh học  Suvarna Alladi đứng đầu, sau khi bị đột quỵ, những người nói hai thứ tiếng có khả năng hồi phục chức năng nhận thức cao gấp đôi so với những người chỉ nói một thứ tiếng.

 Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, việc sử dụng đa ngữ là một thách thức đối với não bộ, bởi việc tìm ra những từ ngữ tương đương giữa các ngôn ngữ cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Thách thức này thúc đẩy cơ chế thần kinh mềm dẻo (neuroplasticity) hay “dự trữ về nhận thức”, từ đó giúp não bộ có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới, chẳng hạn như bệnh tật.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu hồ sơ y học của 608 bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Viện Khoa học Y khoa Nizam từ năm 2006 đến năm 2013. Hơn một nửa trong số các bệnh nhân trên biết nói ít nhất hai thứ tiếng. Sau khi tính đến các yếu tố khác về lối sống như thói quen hút thuốc, huyết áp, tiểu đường, tuổi tác, giáo dục,… nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sau cơn đột quỵ, khoảng 40% những người nói hai thứ tiếng phục hồi chức năng nhận thức bình thường, trong khi tỉ lệ này ở những người chỉ nói một thứ tiếng là 20%.

TS Alladi cho hay, việc sử dụng ngoại ngữ hoặc biết phát âm trôi chảy một ngoại ngữ dù không sử dụng nó thường xuyên cũng giúp ích cho não bộ. “Yếu tố quan trọng nhất ở đây là việc sử dụng ngoại ngữ lâu dài. Nếu bạn học ngoại ngữ ở trường nhưng sau đó lại không sử dụng đến thì cũng không có tác dụng gì. Thông điệp mà chúng tôi muốn đưa ra là: để tự bảo vệ mình, chúng ta có thể thực hành các hoạt động kích thích nhận thức như sử dụng tiếng nước ngoài, chơi một nhạc cụ nào đó, hoặc các hoạt động khác,” bà nói.

Trang Bùi dịch

Nguồn:
http://www.reuters.com/article/2015/11/25/us-health-stroke-language-cognitive-idUSKBN0TE2NL20151125

 

Tác giả