Người ôm giấc mơ điện tử Việt
Ông từng là Phó tổng Giám đốc một liên doanh sản xuất hàng điện tử mà thương hiệu của nó nổi tiếng khắp toàn cầu. Năm 2000, ông từ chức để về làm Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất hàng điện tử, với ước mong gây dựng những viên gạch cho hàng điện tử Việt Nam. 5 năm sau, khi thương hiệu Vitek đã được người tiêu dùng biết đến, với tivi phẳng của người Việt Favi, đến đầu karaoke Hát hay, hay hát mà phần mềm tự chọn hình ảnh phù hợp với lời bài hát do nhóm kỹ sư Việt Nam tự thiết kế chíp, thì ông lại quyết định làm lại từ đầu, ở một công ty mới
Khi ông rời liên doanh, hầu hết bạn bè quen biết đều không tán thành, duy chỉ có hai người bạn thân là ủng hộ quyết định. Khi ông sang làm Soncamedia, có tới 75% số người quen được hỏi đều cho rằng ông sẽ thất bại, bởi họ đánh giá rằng lối ra cho hàng điện tử Việt Nam đã khép lại.
Trên thực tế, từ 1.1.2006, hàng rào bảo hộ hàng điện tử trong nước đã được dỡ bỏ, với thuế suất áp dụng cho hàng có xuất xứ trong khối ASEAN ở mức 0-5%. Đó là lúc hạ màn của một kịch bản được báo trước, rằng sau thời gian dài được ưu đãi để phát triển, giấc mơ về ngành điện tử Việt Nam đã không thành sự thật. Tại sân nhà, cái gọi là hàng điện tử của Việt Nam chỉ là các nhà máy sản xuất, nặng về lắp ráp dây chuyền, với hàm lượng giá trị gia tăng thấp thì làm sao cạnh tranh lại với hàng của hãng Nhật Bản, Hàn Quốc vốn đã biết tận dụng AFTA để chuyển nhà máy sang các nước khu vực này. Cơ hội để có một ngành điện tử thực thụ đi từ sản xuất bán dẫn, chíp, rồi đến các nhà máy lắp ráp theo công nghệ dán bề mặt (SMT) đã trôi tuột… vì không ai chịu đầu tư. Các công ty có tên chứa âm tronics… đã sống no đủ bằng lắp ráp được ưu ái về thuế suất. “Bây giờ đầu tư một nhà máy sản xuất chíp phải mất vài tỷ USD, mà làm đủ ba ca, mới mong hoàn vốn trong 3 năm” – một nhà doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử nhận định.
Bao nhiêu lần trò chuyện với ông, giấc mơ về ngành điện tử Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Có lúc giọng ông chùng xuống khi nhắc về các toan tính đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp cùng ngành, chợt sôi nổi hẳn khi nói về sự trưởng thành của những kỹ sư trẻ sau những chuyến du học nước ngoài. Với ông, vẫn còn lối đi hẹp cho ngành điện tử, cho các công ty nhỏ như Soncamedia. Ông là…
Lối đi hẹp
Chen chân qua khe hẹp thiết kế, tuy khó đi, nhưng theo ông Lê Văn Chính (Công ty Sơn Ca), là khả dĩ nhất. Bởi đầu tư bằng chất xám thiết kế mạch, thiết kế chíp thích hợp với tư chất người Việt. Giá trị hàm lượng chất xám trong các sản phẩm số hóa ngày càng chiếm tỉ trọng cao. Ông cho rằng, việc số hóa các sản phẩm điện tử dân dụng là cơ hội cho các thương hiệu nhỏ, cho các nước đến sau. Ông nói: “Với kỹ thuật số, hàm lượng tri thức trong sản phẩm trở nên giá trị, kỹ thuật số là con đường để các công ty nhỏ có thể rút ngắn khoảng cách, đua kịp các công ty lớn”.
Khi ngành điện tử dừng ở mức công nghệ tương tự, thì khó có thể so sánh được sản phẩm của các thương hiệu. Chẳng hạn, so sánh hai tivi, người ta phải đặt cạnh nhau, xem màu sắc, độ tương phản, hãng điện tử nào cũng cho rằng mình có “hình ảnh sống động, âm thanh tuyệt hảo”. Với sản phẩm kỹ thuật số thì khác, độ phân giải từ 720 dòng trở lên là được xếp vào dòng HDTV. Tivi nào hiện nay có độ nét 1080i hay 1080p là có thể bán được giá cao. Ở Mỹ, tivi đạt độ nét như vậy có giá bán tối thiểu ở mức từ 2.200-2.500USD.
Cuối tháng 12, Soncamedia cho ra đời đầu DVD hai lớp hiệu ACNOS, có dung lượng 8,5GB. Đầu DVD này có khả năng đọc đĩa và phát hình phù hợp với TV có độ phân giải cao. Ông Lê Văn Chính (Công ty Soncamedia) cho biết, sau đầu DVD, công ty sẽ tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm kỹ thuật số do Việt Nam thiết kế một số công đoạn như chip, phần mềm. Trong các sản phẩm sắp tới, công ty tích hợp phần mềm Windows Media Player có bản quyền vào sản phẩm.
Tôi yêu tiếng nước tôi
Tôi yêu tiếng nước tôi…, một câu nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy đã được chọn là nhạc hiệu khi mở sản phẩm của Sơn Ca. 100 triệu cho câu nhạc này để Sơn Ca dùng trong 20 năm. Dù câu nhạc này được giới trẻ ít biết đến, nhưng những người ở độ tuổi 40 trở lên khá thân thuộc. Đó cũng là cách thể hiện không lời suy nghĩ của ông về kinh tế thị trường kiểu Việt Nam.
Trước khi rời công ty cũ, ông dành một quãng thời gian để nhìn lại, suy ngẫm và xây dựng lại phương châm sống của mình. Từ: “Dù trong quằn quại đau đớn tôi cũng yêu tha thiết trần gian điên dại này” của Hermann Hess được ông sửa thành: “Nhờ vào sự hiểu biết và sự thực tập, tôi bắt đầu thương yêu tha thiết trần gian mầu nhiệm này. 2005”. Ông cho biết: “Phương châm sống của Hess lý tưởng quá, lý tưởng đến mức tôi học theo đến 20 năm trời mà không học được. Muốn yêu thương cuộc đời này, phải hiểu thật nhiều và phải thực tập nữa, phải thực tập yêu thương và tôi lại bắt đầu”.
Sự bắt đầu của ông bằng suy nghĩ khác về thương hiệu. Thẳng thắn nhận định đã sai lầm khi quá khuyếch trương thương hiệu Việt mà chưa chú trọng đào tạo nhân lực để phát triển kinh tế tri thức, ông suy nghĩ rằng: “Có một sản phẩm của Việt Nam thật sự, có một nền công nghiệp điện tử thật sự, vươn cao hơn nữa là một nền công nghiệp dựa trên tri thức”.
Bên cạnh đó, chìa khóa để mở cửa thị trường là sử dụng nguồn năng lượng yêu nước, dựa trên lập luận về nền kinh tế thị trường tương trợ hoàn toàn khác với nền kinh tế thị trường duy lợi, mà theo ông “không phù hợp với các nước chậm phát triển như Việt Nam”. Thay vì chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, mỗi doanh nghiệp nên chịu khó hy sinh một chút, thay vì mua nguyên vật liệu và dịch vụ nước ngoài với giá rẻ, có thể chấp nhận lãi ít đi để dùng nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước. Bên cạnh lợi ích doanh nghiệp, còn xét đến tương quan lợi ích cộng đồng, cùng nhau phát triển. Lợi nhuận cá nhân không phải là tiêu chí số một mà lợi ích cộng đồng sẽ được cân nhắc. Song hành với doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng bớt thực dụng đi, khi quyết định mua hàng cũng sẽ cân nhắc yếu tố hàng nội hóa. Ông nói: “Nếu mỗi người Việt chịu khó chi tiêu thêm mỗi tháng 1.000 đồng cho hàng nội hóa thôi thì chúng ta đã có thêm 80 tỉ doanh số hàng nội hóa. Sức mạnh của lòng hy sinh này của người tiêu dùng Việt lớn hơn sức mạnh của hàng rào thuế quan rất nhiều”.
Để công bằng cho sự hi sinh đó, theo ông, thay vì cổ động hàng hóa thương hiệu Việt, nên xây dựng một chỉ số hàm lượng Việt Nam trong sản phẩm. Chỉ số này, như ông tạm gọi là Vxx, trong đó xx sẽ là số chỉ phần trăm Việt Nam tính trên giá bán. Doanh nghiệp nếu muốn phô trương thanh thế là sản phẩm có hàm lượng Việt Nam để sử dụng năng lượng hy sinh của người tiêu dùng Việt sẽ phải nộp đơn xin xác nhận chỉ số Vxx.
Tôi thuộc thiểu số nghĩ rằng ông sẽ làm được cái gì đó cho sự phát triển của ngành điện tử. Còn thành công hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, trên quãng đường AB, khi bạn nghĩ sẽ đạt được tới đích thì công nghệ thay đổi, cái đích đó có thể không bao giờ đạt được. Nhưng tôi tin dù là đích nào đi nữa, ông cũng sẽ vượt qua các thách thức. Mơ ước và dám sống với mơ ước đã đáng trân trọng. Con người ngày nào cũng soi mình trong câu nói ăm ắp tình yêu cuộc sống của Hess như ông, thì chắc hẳn có đủ nghị lực và niềm tin để biến ước mơ thành sự thật.