Nguy cơ sa mạc hóa biển

Một trong những loại hình thiên tai khốc liệt trong xu hướng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường toàn cầu đáng lo ngại hiện nay là sa mạc hóa biển, một vấn đề tương đối ít được đề cập nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam


Phân bố không gian các vùng sa mạc biển (Nguồn: Diaz, Rosenberg, 2008).

Theo định nghĩa của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thì “sa mạc hóa là quá trình tự nhiên và xã hội phá vỡ cân bằng sinh thái của đất, thảm thực vật, không khí và nước. Quá trình này xảy ra liên tục, qua nhiều giai đoạn, dẫn đến giảm sút hoặc hủy hoại hoàn toàn khả năng dinh dưỡng của một khu vực, giảm thiểu các điều kiện sinh sống và làm gia tăng cảnh hoang tàn”.

Nguyên nhân của “sa mạc hóa biển”?

“Sa mạc hóa biển” xảy ra bởi các yếu tố bao gồm cả tự nhiên và xã hội.

Đầu tiên là các yếu tố nhiệt độ không khí và nước biển, các chất dinh dưỡng nitơ và phốtpho, nồng độ oxy hoà tan, cửa sông ven biển, dòng hải lưu, thủy triều tác động qua lại và không thể tách rời, tạo nên những vùng có ô xy hoà tan rất thấp trên tầng mặt biển, trong các khối nước và đáy biển, tạo nên tiền đề cho sự hình thành khu vực biển chết hay là sa mạc hóa biển. 

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng nồng độ a xít trong đại dương và trong biển, làm ngắt đi nguồn bổ sung dinh dưỡng, làm giảm đa dạng sinh học và làm gián đoạn chu kỳ của oxy, nitơ và phốtpho. Kết quả của hiện tượng a xít hoá đại dương gây hiện tượng san hô bị tẩy trắng và khiến môi trường cư ngụ và sinh trưởng của các sinh vật biển bị biến đổi, chất lượng nước suy giảm, dễ bị tổn thương, cùng với lượng chất dinh dưỡng thấp đi đã gây ra hiện tượng sa mạc hóa tại một số nơi.

Các khu sa mạc biển được hình thành ở độ sâu nằm ngay dưới lớp phân cách khối nước sâu và bên dưới của các dòng hải lưu có hình xoáy nước thuận và xoáy nghịch trên mặt biển. Cả hai loại xoáy nước được tìm thấy có lượng oxy hoà tan cao hơn 3-5 lần so với các vùng nước xung quanh, tuy nhiên lượng oxy hoà tan thấp nhất ở tại khu nước sâu trung tâm của xoáy nước nơi mà xoáy nước chuyển tiếp giữa dòng xoáy và môi trường xung quanh. Điều này được hỗ trợ bởi một cấu trúc thủy văn ổn định đáng kể của lõi xoáy nước trong thời gian tới vài tháng. Sự trao đổi chậm chạp ranh giới xoáy với môi trường nước bên ngoài tạo ra các “sa mạc biển” vùng khơi chết. Sa mạc biển khơi gây tác động trực tiếp tới hệ sinh thái biển đó là động vật phù du bị ức chế bên trong xoáy nước cùng với sự di chuyển dọc theo ngày đêm.

Bên cạnh đó, sự huỷ diệt của con người đối với các hệ sinh biển thái quan trọng như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển bằng các biện pháp thuốc nổ, hóa chất độc hại,.. dẫn đến mất nơi cư trú và sinh trưởng của các loài thuỷ hải sản. Đặc biệt gây hại là những hoạt động lấn biển gây mất rừng ngập mặn, bồi lấp huỷ diệt rạn san hô để xây dựng đảo và các công trình. Để phục hồi được hệ sinh thái san hô thuộc loại dễ bị tổn thương nhất của biển phải mất hàng chục năm tái tạo, với công sức và kinh phí rất tốn kém.

Sự phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển gây ra lượng chất thải rắn, nước thải và khí thải rất lớn, phá vỡ chất lượng không khí, nước mặt và nước biển, đặc biệt là sự gia tăng các chất dinh dưỡng, thường hay dẫn tới hiện tượng phù dưỡng hay tảo nở hoa gây hại (thuỷ triều đỏ), cũng thường xuyên dẫn đến các hiện tượng cá chết hàng loạt. Hoạt động vận tải biển bằng tàu thuyền tập trung quá nhiều tại một khu vực nhỏ, như khu vực gần cảng biển, cửa sông, hay gần khu bảo tồn biển, hay rạn san hô gây bùn hoá, đục hoá, hoặc phá vỡ san hô.

Ngoài ra, không thể không kể đến hoạt động đánh bắt, khai thác biển trực tiếp của con người, như việc thợ lặn đánh bắt cá sống trong và xung quanh các rạn san hô bằng chất nổ, hoặc chất độc, gây phá hủy hoàn toàn các rạn san hô, huỷ diệt nơi cư trú và sinh nở của nhiều loài sinh vật.

Sa mạc hoá biển là khiến cá, động vật biển và thực vật biển hoặc chết hoặc phải di rời sang vùng cư trú khác và trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi con người và các động vật săn mồi. Đặc biệt đối với các rạn san hô, sa mạc hóa biển khiến mười phần trăm của rạn san hô trên thế giới đã hoàn toàn bị phá hủy, gây suy giảm mạnh môi trường sống của rất nhiều hải sản quý giá. Tại khu vực Đông Nam Á, nơi có sự đa dạng san hô nhất trên thế giới, sự phá hủy rạn san hô là hơn 70% và chỉ có 5% có thể được cho là trong tình trạng tốt. 

Nguy cơ sa mạc hóa tại vùng biển Việt Nam

Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều chịu sự tác động của các hoạt động như biến đổi khí hậu toàn cầu, chất thải nhiều dinh dưỡng khu vực đô thị và công nghiệp, hiện tượng huỷ diệt san hô, hiện tượng hải dương nước trồi, nước chìm và nguy cơ có nhiều vùng sa mạc biển. 

Các khu vực có nguy cơ bị sa mạc hóa biển tại vùng ven biển Việt Nam do nước thải từ hoạt động dân sinh và công nghiệp có thể kể đến như các vùng ven biển cửa sông lớn (hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình, hệ thống sông Mekong) tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, và từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang. Bên cạnh đó là các vùng ven biển liền kề với 18 khu công nghiệp ven biển, kéo dài từ Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ (Hải Phòng) cho tới Năm Căn (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, nguy cơ càng cao ở những khu vực gần cảng quốc tế nơi tập trung nhiều tàu biển lớn qua lại như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vũng Tàu.

Cũng cần cảnh giác với nguy cơ các khu sa mạc ngoài khơi do hiện tượng nước trồi xảy ra vào các tháng gió mùa Tây Nam, như các vùng biển cách bờ 100 km khu vực Nam Trung Bộ thuộc các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trên thế giới, các nhà khoa học đang tích cực triển khai ứng dụng vệ tinh để giám sát tình trạng sa mạc hóa biển bằng cách quan sát màu nước (ocean floor) biển, đặc biệt chất diệp lục thông qua các vệ tinh chuyên dụng để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ sa mạc biển để có những giải pháp cảnh báo và ứng phó. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã công bố kết quả cho thấy mức độ diệp lục trong thời gian từ 1998 đến 2012 ở một số biển, đại dương thuộc Bắc bán cầu đã giảm xuống do nhiệt độ biển ngày càng cao hơn, trong lúc lại tăng lên tại một số lòng chảo đại dương Nam bán cầu.

Hoạt động đánh bắt bằng thuốc nổ và hóa chất cũng gây nguy cơ hủy diệt đối với các khu vực có hệ sinh thái rạn san hô tại 16 khu bảo tồn, từ Đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh) tới Phú Quốc (Kiên Giang), và các khu vực khác có san hô như Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, ven biển Trung Bộ từ Quảng Bình đến Vũng Tàu và vùng biển Trường Sa-Hoàng Sa.
Để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn sinh thái, an ninh môi trường và an ninh chủ quyền biển đảo, Việt Nam rất cần hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phòng ngừa, cảnh báo và thích ứng với hiện tượng sa mạc biển. Về phía Nhà nước cần sớm ban hành văn bản, cơ chế, chính sách, pháp luật quản lý và giải pháp thích ứng-giảm nhẹ với các khu vực có nguy cơ sa mạc biển. Cần tài trợ cho các nghiên cứu xác định danh mục, bản đồ phân bố sa mạc biển tại vùng biển ven bờ và ngoài khơi Việt Nam, và tăng cường phổ biến thông tin sa mạc biển và tác động kinh tế – xã hội – môi trường của chúng tới các cộng đồng dân cư ven biển, hải đảo và các tổ chức cá nhân liên quan.

Chính quyền các cấp cần chủ động có các giải pháp phòng ngừa sớm như thiết lập khoanh vùng các khu bảo vệ môi trường chuẩn mực quốc tế như khu biển đặc biệt nhạy cảm, khu vực biển đặc biệt, khu ramsar, khu di sản biển, khu dự trữ sinh quyển biển, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn san hô, v.v. Đặc biệt, cần đẩy mạnh kiểm soát, quan trắc tự động chất lượng nước thải, đa dạng sinh học và có sự tham gia của cộng đồng ngư dân. 

——–
Tài liệu tham khảo
1. Altieri, A.H. and K.B. Gedan (2015) Climate change and dead zones. Global Change Biology 21: 1395-1406.
2.  J. Karstensen , B. Fiedler , F. Schütte , P. Brandt , A. Körtzinger , G. Fischer , R. Zantopp , J. Hahn , M. Visbeck1, and D. Wallace, 2015.  Open ocean dead zones in the tropical North Atlantic Ocean.  Biogeosciences, EU. 12, 2597–2605.
3. Diaz R, Rosenberg R. 2008. Spreading Dead Zones and Consequences for Marine Ecosystems. Science. 321(5891): 926-929.
4. Dybas, 2005. Ocean Dead Zones Spreading in World Oceans. BioScience, Vol. 55, No. 7 (July 2005), pp. 552-557.
5. Dư Văn Toán, 2013.  Hệ thống vùng biển nhạy cảm thế giới và Việt Nam. Tạp chí Môi trường, 9/2013.
6. Nic Fleming, 2016. Nước xanh, thuỷ triều đỏ và sa mạc biển. http://www.bbc.com/earth/world

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)