“Nguyên khí” cho ngành hạt nhân

Đào tạo nhân lực của ngành hạt nhân là nhiệm vụ rất lớn trước mắt. Nếu trong tay chúng ta có chừng 300-400 chuyên gia giỏi với trình độ cao thì sự thành công của chương trình hạt nhân sẽ được bảo đảm trong giai đoạn đầu. Vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân phải là một vấn đề ở mức Chính phủ (government level) cũng có thể ở mức liên Bộ. Đây cũng là một khuyến cáo quan trọng của IAEA. Không ý thức được điều này khó lòng có được một đội ngũ cán bộ tối cần thiết cho ngành điện hạt nhân. Trong bài này chúng tôi xin chỉ bàn về đào tạo nhân lực nằm dưới Ban chỉ đạo quốc gia (hay Liên Bộ Chương trình hạt nhân).

Ba công đoạn đào tạo
Ngày 3/1/2006, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định số 01/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt  “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”. Để thực hiện chiến lược đó vấn đề đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ hạt nhân là vấn đề quan trọng số một. Nhân lực này sẽ quyết định thành công của chương trình hạt nhân, quyết định mặt an toàn và tính kinh tế của các dự án.
Đào tạo nhân lực phải đi trước một bước bằng 10-15 năm. Với nhân lực non yếu chưa đủ sức nghiên cứu khoa học (NCKH) như hiện nay trong chương trình điện hạt nhân thì vấn đề đào tạo phải đặt trước vấn đề nghiên cứu khoa học. Thất bại trong công việc đào tạo có thể dẫn đến nguy cơ thất bại của điện hạt nhân!
Việc đào tạo nhân lực cho chương trình hạt nhân phải gồm ba công đoạn lớn:
-Công đoạn củng cố, đào tạo lại, nâng cấp đối với nhân lực hiện có (existing manpower).
-Công đoạn hướng dự án (project-oriented) nhằm đào tạo trước mắt nhân lực cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên (và trong tương lai cho những nhà máy điện nguyên tử tiếp theo).
-Công đoạn hướng chương trình (programme-oriented) nhằm đào tạo nhân lực lâu dài cho cả chương trình hạt nhân.
Có thể biểu diễn ba công đoạn trên bằng đồ thị dưới đây.

I: Nhân lực hiện có
IIa,b,c: Nhân lực hướng dự án
IIIa,b,c: Nhân lực hướng chương trình (đầu đàn +R&D+pháp quy)
(Lộ trình IIIb có thể xem là lộ trình kéo dài bổ sung cán bộ R&D của lộ trình I)

 
Trong trường hợp dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có chậm lại một vài năm thì các lộ trình đào tạo hướng nhân lực dự án (IIa, IIb và IIc) cũng sẽ được lùi lại tương ứng theo số năm như vậy. Tuy nhiên các lộ trình đào tạo nhân lực hiện có (I) và đào tạo nhân lực hướng chương trình (IIIa, IIIb và IIIc) vẫn phải giữ nguyên như cũ vì các lộ trình này liên quan đến chương trình điện hạt nhân nên cần tranh thủ thời gian – vốn còn rất ít – cho chương trình. Có nhiều quan điểm cho rằng trước tiên hãy tập trung vào đào tạo nhân lực cho dự án. Song điều này không đúng vì trong giai đoạn đầu của chương trình hạt nhân các công đoạn đào tạo nhân lực theo 2 công đoạn trên “gối đầu” nhau. Ngay từ đầu chúng, ta đã phải có những cán bộ chuyên gia công nghệ giỏi để am hiểu “thẩm kế”, có trình độ làm việc với tư vấn ngoại quốc trong mọi ký kết, chúng ta cần phải có cán bộ pháp quy để giải quyết những vấn đề về an toàn, luật pháp. Cho nên nhiều cán bộ thuộc phạm trù hướng chương trình cũng thuộc phạm trù hướng dự án .
 

Phòng chuẩn cấp II – X-ray 2 của Viện Năng lượng Nguyên tử

Nguồn nhân lực hiện có (existing man power) là một lực lượng quan trọng. Chính nguồn nhân lực này đang giúp Chính phủ vạch kế hoạch cho chương trình hạt nhân. Trong số họ, nhiều chuyên gia giỏi về kỹ thuật, công nghệ hạt nhân, tính toán lò phản ứng, nhiều người đã học tập, thực tập trên các lò phản ứng  ở nước ngoài, nhiều người là chuyên gia của IAEA. Bộ phận nhân lực này đã có nhiều công trình khoa học công nghệ quan trọng đăng trong nước và nước ngoài, nhiều công trình rất có giá trị. Nhân lực hiện có này đã được đào tạo trong nhiều chục năm trong thời gian trước đây, và trong những kế hoạch ngắn hạn sau này. Biết củng cố, đào tạo thêm, nâng cấp thì đây là một vốn nhân lực rất mạnh, rất hữu ích cho công đoạn hướng dự án và cả cho công đoạn hướng chương trình trong giai đoạn đầu. Trong vòng 10 năm nữa lực lượng này đang và sẽ đóng vai trò quan trọng.
Song phải nói rằng số nhân lực này không đủ và không thể đáp ứng được các nhiệm vụ nặng nề trước mắt.
Với việc đào tạo những cán bộ đầu đàn, nhiều nước đã lo nghĩ đến cán bộ đầu đàn từ rất sớm, họ gửi ra nước ngoài hàng trăm cán bộ học tập trong 5 năm trong 10 năm. Nếu ngay bây giờ (2007) chúng ta gửi đi khoảng 10-30 người xuất sắc thì đến năm 2011-2012 chúng ta sẽ có khoảng 10-20 cán bộ thật giỏi, xứng đáng ở cương vị đầu đàn.Ngay trong thời bao cấp, Việt Nam đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong đào tạo cán bộ đầu đàn, có thể đơn cử những nhà khoa học được Đảng và Chính phủ gửi đến Viện nghiên cứu hạt nhân Đúp-na, hiện nay họ vẫn tiếp tục là những cán bộ đầu đàn trong lĩnh vực được đào tạo. GS Tạ Quang Bửu, lúc sinh thời có một cách nhìn rất sáng suốt trong việc đào tạo những cán bộ đầu đàn. Ông chọn người, mời đến nhà riêng giao nhiệm vụ và tìm mọi cách gửi họ ra nước ngoài trong vòng 5 đến 10 năm theo những thủ tục đặc biệt thoát khỏi thông lệ thời bao cấp. Nhờ phương thức này mà Việt Nam có được một số cán bộ đầu đàn hiện nay đang phát huy tác dụng, mặc dầu nhiều người đã lớn tuổi.

Mô hình đào tạo trong nước
 

Nguồn nhân lực hiện có (existing man power) là một lực lượng quan trọng

Ngay ở trong nước, chúng ta cũng có thể đào tạo các cấp sau, từ trình độ đại học, (BS – Bachelor of Sciences), sau đại học, (MS – Master of Sciences) đến trên đại học (PhD – Doctor of Philosophy). Chúng ta có thể có 4 lộ trình đào tạo chuyên gia như sau :
lộ trình xuất phát từ các trường Đại học Bách khoa; từ các trường Đại học KHTN (cũng dành cho cán bộ pháp quy); từ các trường đại học, sau đó tiếp tục tại các cơ sở đào tạo của các Viện nghiên cứu; từ Đại học điện lực (Bộ Công nghiệp).
Cần chú ý, các lộ trình trên đào tạo từ cơ sở đến cấp học PhD, song ở một cấp nào (BS, MS hay PhD) ta đều có thể lấy tắt ngang các cán bộ hoặc từ các nhà máy, công ty hoặc từ các Viện đã có một trình độ tương đương (trong một chuyên môn có thể khác hạt nhân) với cấp đang xét để học tiếp những giáo trình nâng cao và chuyên sâu hơn về hạt nhân.
Các cơ sở đào tạo của các Viện nghiên cứu sẽ cấu tạo thành một TRUNG TÂM đào tạo. Có thể nói đây là tiền thân của Trung tâm đào tạo quốc gia cho ngành hạt nhân. Trung tâm này được mô phỏng theo mô hình INSTN của Pháp và sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của 3 Bộ gồm: Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Công Thương.
Ngoài các hình thức trên còn có những lớp ngắn hạn, tổ chức cùng với các cơ quan bên các nước khác: ví dụ những lớp học cho EVN và các cơ quan khác (phối hợp với Nhật/Toshiba năm 2005, 2006) hay lớp học về an toàn (phối hợp với IAEA/Argonne laboratory năm 2005).

Đào tạo ở nước ngoài

Chú ý trong hoàn cảnh giáo dục ở nước ta gặp nhiều khó khăn, cơ sở thiết bị hạn chế nên phải xác định rằng công đoạn đào tạo ở nước ngoài và ưu đãi, mời về nước làm việc các chuyên gia lớn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều nước đi trước chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc đã gửi đào tạo trong nhiều năm (10– 15 năm) nhiều cán bộ đến các nước như Mỹ, Anh, Pháp… và sẵn sàng mời những chuyên gia lớn về nước làm việc với những chế độ đặc biệt .Nhiều người trong số đó đã đóng vai trò cán bộ đầu đàn, vai trò chỉ đạo. Chú ý, chỉ nên gửi đi nước ngoài những cán bộ có trình độ BS (tốt nghiệp Đại học).
Ngoài ra, cần lưu ý những quan điểm cần tránh như tách rời đào tạo nhân lực hướng dự án và nhân lực hướng chương trình;  Phương thức vừa học vừa làm chỉ có thể áp dụng cho một số công việc còn đối với chương trình hạt nhân cần đào tạo trước một bước (10 đến 15 năm) vì những kiến thức hạt nhân không thể học được ngay một sớm một chiều; Đào tạo tự phát trong từng cơ sở không theo một quy hoạch tổng thể ở mức quốc gia.

Kết luận

Đào tạo nhân lực cho hạt nhân  là một vấn đề phức hợp và có tầm quan trọng vào bậc nhất đối với chương trình hạt nhân. Muốn có một nhân lực hạt nhân hùng hậu, và gìn giữ được nhân lực này cần có một chính sách thích hợp. Nhiều nước như Trung Quốc có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với nhân lực hạt nhân. Đào tạo nhân lực hạt nhân phải đặt ở tầm quốc gia, với một mức độ cấp thiết cao và phải được tiến hành ngay từ bây giờ (2007) để đi được trước một bước so với các tiến độ khác của chương trình hạt nhân.Sự thành công của chương trình hạt nhân do yếu tố nhân lực quyết định một phần lớn.                                                                                         

———————–
Tài liệu tham khảo:
1.Đề án đào tạo nhân lực (VNLNT VN-Bộ Khoa học & Công nghệ)
2.Đề án đào tạo nhân lực cho NMĐHN đầu tiên (VNL- Bộ Công Thương)
3.Hợp tác đào tạo nhân lực Hàn-Việt. Hàn Quốc đã góp ý kiến cho Việt Nam bằng cách đưa ra  một khẩu hiệu quan trọng trong việc đào tạo nhân lực hạt nhân: (Giáo dục – Bách niên chi đại kế =  Giáo dục– kế lớn 100 năm)
4.Technical Reports Series No 200, IAEA
———————

Một số khả năng chính trong vấn đề đào tạo nhân lực Việt Nam ở nước ngoài
1. IAEA
2. Pháp .Địa chỉ gửi đến có thể là INSTN và CNRS. Thời hạn đào tạo : 1-2 năm .
3. Nga. Những địa chỉ quan trọng và đáng tin cậy là:MIFI, MPEI & Joint Institute for Nuclear Research (Viện nghiên cứu hạt nhân Đúp Na, đã từng đào tạo nhiều chuyên gia đầu ngành cho Việt Nam). Với Nga, chúng ta đã có hiệp định ở cấp Chính phủ.
4. Nhật Bản. Địa chỉ gửi đến: IOT (Institute of technologies), văn bản khung đã ký kết năm 2003. RIKEN, chương trình hợp tác đã ký kết và thực hiện từ năm 2001.JAERI.
5. Hàn Quốc. Địa chỉ gửi đến :KAERI, KAIST (Korea Advanced Institute of Science & Technology)
Đã có hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử .
6. Ấn Độ. Đã có Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử . Có thể gửi cán bộ đi đào tạo trên một năm theo các chuyên môn: Công nghệ, Chu trình nhiên liệu, …Các địa chỉ: BARC, Bhabha Atomic Research Centre, Bombay ,HYDROBAT (tổ hợp chu trình nhiên liệu)
7. Canada.Đã có thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân.Địa chỉ: AECL
8. Mỹ. Đã có hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ.
———————-
ảnh trên cùng: Tác giả tại Hội nghị khoa học thanh niên, Viện Năng lượng Nguyên tử

Cao Chi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)