Nhân lực cho điện hạt nhân ở nước ngoài

Kinh nghiệm buổi đầu xây dựng ngành hạt nhân của những nước có điều kiện gần giống Việt Nam và cả những nước tiên tiến đều cho thấy, không thể thành công nếu bỏ qua khâu đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

Tây Ban Nha: Nước này đã bắt đầu chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân của mình 15 năm trước lúc lò phản ứng đầu tiên hoạt động. Nhân tố chính thành công là hành động quyết tâm của Chính phủ kết hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp, bảo đảm việc cung cấp thiết bị và các dịch vụ quan trọng, trong đó có đào tạo nhân lực. Tây Ban Nha có một chương trình hạt nhân dài hạn với quy mô lớn và một quá trình nội địa hóa nhất quán. Những kinh nghiệm trên làm cho Tây Ban Nha trở thành một nước có ngành hạt nhân mạnh mẽ.
Hàn Quốc: Một chiến lược đào tạo nhân lực lâu dài, có hệ thống, một chủ trương R&D các công nghệ tiên tiến và một nghệ thuật quản lý tài tình đã giúp Hàn Quốc trở thành một trong những nước hùng cường về hạt nhân.
 

 

Nhà máy điện hạt nhân nằm cạnh bãi biển đẹp ở Tây Ban Nha

Pháp: Một mô hình đào tạo rất nên được chú ý ở Pháp là Viện INSTN (Institut National des Sciences et Techniques Nucléaires). Viện INSTN đóng một vai trò chủ đạo trong việc đào tạo nhân lực của Pháp. INSTN được thành lập vào năm 1956 nằm dưới quyền của các Bộ Giáo dục quốc gia và Bộ Công nghiệp. Viện này có khả năng đào tạo kỹ sư và cấp học 3 ème – cycle.  Đây là một đặc thù rất đáng nghiên cứu của INSTN: vừa chịu sự điều khiển của Bộ Giáo dục vừa chịu sự điều khiển của Bộ Công nghiệp, như vậy INSTN vừa mang tính đào tạo cơ bản vừa mang tính đào tạo công nghiệp. Chương trình đào tạo gồm:
– Kỹ sư công nghệ nguyên tử (Ingénieur en Génie Atomique). Phần chuẩn bị: Kỹ thuật, Công nghệ kỹ sư, địa điểm TOULOUSE; phần chuyên sâu: Công nghệ nguyên tử (génie atomique), địa điểm SACLAY, CADARACHE, CHERBOURG.
-3ème cycle. Các phần đào tạo 3ème cycle được kết hợp với các trường đại học:DEA (diplôme d’études approfondies). Sau DEA sinh viên thực hiện một luận án doctorat; DESS (diplôme d’études supérieures spécialisées). Ngoài ra có thể có phần DES (diplôme d’études spécialisées: ví dụ y học hạt nhân) và DESC (diplôme d’études spécialisées complémentaires, ví dụ radiopharmacie, radiobiologie).
Mỹ: Một phương thức mạnh của Mỹ là phối hợp trong công tác đào tạo giữa các cơ sở với các tập đoàn đại học, các phòng thí nghiệm lớn quốc gia, với những tổ chức, công ty sở hữu nhiều thiết bị hiện đại với công nghệ cao. Có thể nói đây là quan điểm tổng lực trong đào tạo.
Kinh nghiệm của các nước khác: Nhiều cán bộ được chuyển từ nhiệt điện truyền thống để sang làm việc trong lĩnh vực hạt nhân. Ngoài ra có thể lấy cán bộ từ các ngành khác như cơ, điện, xây dựng,… và đào tạo bổ túc kiến thức hạt nhân, biến họ thành những chuyên gia phục vụ cho chương trình hạt nhân. Việc huy động được nhân lực (ngoại kiều) đang công tác học tập ở nước ngoài (không được Nhà nước chính thức cử đi đào tạo), cũng là yếu tố quan trọng trong vấn đề tạo nguồn nhân lực. Nhiều người quan tâm đến cán bộ vận hành trực tiếp lò phản ứng. Kinh nghiệm của nhiều nước cho biết rằng những càn bộ này có thể đào tạo từ những cán bộ đại học trong vòng 2 năm. Song những cán bộ đứng sau các cán bộ vận hành đó (supervisors) mới là những cán bộ cần đào tạo lâu năm.
Những “ông tổ” ngành hạt nhân của một số nước
-Ông Homi Jehangir Bhabha (1909-1966) sinh tại Bombay, học tại Elphinstone College vàViện Khoa học Hoàng gia (Royal Institute of Science). Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1934. Cùng với J.R.D. Tata ông thành lập Viện nghiên cứu cơ bản Tata (Tata Institute of Fundamental Research) tại Mumbai. Được Nehru giao nhiệm vụ, ông đứng ra lãnh đạo ngành hạt nhân và thành lập ủy ban năng lượng nguyên tử Ấn Độ năm 1948. Hiện nay Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bhabha được mang tên ông.
-J. Robert Oppenheimer (1904-1967) là một nhà vật lý lý thuyết, giám đốc khoa học Dự án Manhattan, cố vấn chính của ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ.
-Igor Vasilyevich Kurchatov (1908-1960) là nhà vật lý được Stalin giao nhiệm vụ xây dựng ngành công nghệ hạt nhân Xô viết cũ.
 

TS. Hess và GS. Zhou Guangzhao (phải) trong lễ kỷ niệm 25 năm hợp tác PRC/U.S về vật lý năng lượng cao.

-Jean Frederic Joliot-Curie (1900-1958). Sau thế chiến thứ II ông phụ trách Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia (Centre National de la Recherche Scientifique)  và trở thành Cao ủy Năng lượng nguyên tử Pháp (High Commissioner for Atomic Energy). Năm 1948 ông chỉ đạo xây dựng Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Pháp. Miệng núi Joliot trên mặt trăng mang tên ông
-Zhou Guangzhao (Chu Quang Triệu): sinh năm 1929. Năm 1957 ông được cử đến Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na. Năm 1960 ông trở về Trung Quốc làm việc trong ngành hạt nhân Năm 1979 ông sang Mỹ làm việc tại Viện Bách khoa Virginia rồi sang Thụy Sĩ làm việc tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu. Ông được bầu làm Phó chủ tịch (1984-1987) rồi Chủ tịch (1987-1997) Viện Hàn lâm TQ (Sinica) và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ năm 1987.

Ảnh trên cùng: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Quốc gia Cộng hòa Pháp

C.C

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)