Nhập cư tốt cho nền kinh tế của các nước tiếp nhận

Những phân tích dữ liệu được thu thập trong vòng 30 năm của 15 quốc gia Tây Âu đã bác bỏ quan điểm: người nhập cư là gánh nặng kinh tế.

Đây là kết luận của một công bố mới được đăng tải trên tạp chí Science Advances ngày 20/6. Được tiến hành trên dữ liệu thu được từ năm 1985 đến 2015 tại các quốc gia Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Iceland, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh, nghiên cứu đã chỉ ra, việc tiếp nhận người nhập cư góp phần gia tăng lợi ích kinh tế của các quốc gia sau 5 năm tiếp nhận. Không chỉ cải thiện độ bền vững của nền kinh tế, quốc gia tiếp nhận người nhập cư còn giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Những kết luận của công trình này đã phản bác lại nhận định những người nhập cư đem đến gánh nặng tài chính vào quốc gia họ đến bằng cách gây thâm hụt nguồn tài nguyên công.

Hippolyte d’Albis, nhà kinh tế học tại trường kinh tế Paris (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS), tác giả chính của nghiên cứu trên, đã nhận định, “Một số người nói rằng họ không có đủ khả năng để tiếp nhận người tị nạn [mặc dù họ rất muốn]. Nhưng [bằng nghiên cứu của mình], chúng tôi đã chỉ ra rằng họ không  chịu thiệt thòi [khi thực hiện điều đó], thậm chí nếu không đón nhận người nhập cư, nền kinh tế nước họ có thể rơi vào tình trạng tồi tệ hơn.”

Dựa vào một mô hình toán học, D’Albis và nhóm nghiên cứu do ông dẫn dắt đã phân tích các chỉ số kinh tế hàng năm để đưa ra những dự báo về tương lai nền kinh tế sau những cú sốc lớn – chẳng hạn như các thiên tai, trong trường hợp này là những dòng chảy người nhập cư. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá riêng rẽ những tác động của người di cư (những người được phép cư trú hợp pháp tại một quốc gia) và những người tị nạn (những người cư trú tạm thời tại một quốc gia khi đơn xin tị nạn của họ đang được xử lý). Những người tị nạn trong nghiên cứu này bao gồm những người chạy trốn khỏi chiến tranh ở Nam Tư cũ trong những năm 1990, và những người đến từ Syria. 

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chỉ số tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người để đo lường “sức khỏe” của nền kinh tế, trong đó GDP phụ thuộc vào biến cán cân ngân sách (được tính toán bằng chênh lệch giữa tiền thuế thu được với tiền chi cho các dự án công cộng, chẳng hạn như phúc lợi xã hội).

Kết quả mô hình cho thấy trong vòng 2 năm kể từ khi đón nhận một dòng người di cư, tỷ lệ thất nghiệp của một quốc gia đã giảm đáng kể và nền kinh tế có chuyển biến tích cực.

Những tác động này có thể được giải thích là do bởi những người nhập cư đã làm tăng lượng cầu thị trường, cung cấp các dịch vụ, tăng việc làm và chi trả thuế. Nghiên cứu cũng chỉ ra, [hiệu quả kinh tế từ] những hoạt động kinh tế này đã vượt xa các chi phí mà chính phủ dành cho những người tị nạn và nhập cư – có thể giải thích một phần điều này là những người nhập cư có xu hướng là những người trẻ và người trung niên ít phụ thuộc vào phúc lợi xã hội hơn là những người lớn tuổi, D’ Albis cho biết.

Những người tị nạn cũng có lợi cho nền kinh tế, nhưng họ cần nhiều thời gian hơn (từ ba đến bảy năm) để đem lại ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng này kém rõ ràng hơn. Không giống như người di cư, những người tị nạn thường phải đối mặt với những hạn chế về việc làm và thậm chí phải chuyển sang một quốc gia khác nếu đơn xin thường trú của họ bị từ chối.

Tác động tổng thể

Michael Clemens, nhà kinh tế học tại Trung tâm phát triển toàn cầu – một thinktank tại Washington DC, cho biết, các phân tích này là một phần của một số công trình trước đây bởi vì nó tập trung vào những tác động lớn chứ không phải là những yếu tố cụ thể của nền kinh tế – chẳng hạn như ảnh hưởng của người nhập cư vào vấn đề tiền lương của người bản địa. Ông nói, “giống như quán cà phê của Peet [một chuỗi cửa hàng Mỹ] có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến Starbucks, nhưng về tổng thể thì sự cạnh tranh này có thể là tốt hơn cho nền kinh tế.”

Bình luận việc sử dụng mô hình toán học trong nghiên cứu của nhóm D’Albis đã làm giảm đáng kể sự tác động đến nền kinh tế của yếu tố khác ngoài người di cư, ông nói, “Phương pháp này đã làm giới hạn đáng kể các yếu tố trùng hợp bằng việc loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng dài hạn [đến nền kinh tế]”. Hơn nữa, số lượng các quốc gia được đánh giá trên 30 năm cũng gây ra các trùng hợp khác. 

Vào thời điểm các chính sách nhập cư đang là vấn đề nóng ở Hoa Kỳ và châu Âu, những nghiên cứu như thế này có thể giúp các chính trị gia đánh giá được hiệu quả từ chính sách của họ. “Nếu cắt giảm lượng nhập cư vì lý do văn hóa hoặc an ninh, họ sẽ phải trả giá về mặt kinh tế”, Clemens nhận định.

Thanh Mai dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05507-0

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)