Nhật đẩy mạnh công nghệ phẫu thuật viên-robot

Thời gian qua, 14 công ty điện tử lớn như Hitachi, Panasonic và Toshiba đã kết hợp với năm trường đại học và Chính phủ Nhật thực thi dự án “Phòng mổ có robot hỗ trợ” (Robot-assisted operating theater). 

Ngay từ giữa những năm 1980, các thiết bị phẫu thuật có sử dụng robot (robotic surgical system) đã được vận hành tại một số bệnh viện ở Mỹ. Năm 1990, Computer Motion’s AESOP system là robot đầu tiên được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) duyệt cho phép dùng trong các phẫu thuật nội soi.

Thiết bị phẫu thuật Da Vinci (Da Vinci Surgical System) do Intuitive Surgical nghiên cứu chế tạo là hệ thiết bị phẫu thuật có sử dụng robot đầu tiên được FDA duyệt cho phép dùng trong các phẫu thuật ổ bụng, năm 2004 được trang bị và sử dụng lần đầu tại Bệnh viện đa khoa Rochester ở New York và từ đó trở đi thiết bị này thống trị thế giới phẫu thuật viên robot. Tính đến tháng 1/2013, hơn 3.000 thiết bị phẫu thuật Da Vinci đã được bán và xuất khẩu, trong đó Nhật Bản nhập khoảng 180 bộ. Năm 2012, thiết bị này đã được dùng để thực hiện khoảng 200.000 ca mổ trên toàn thế giới.

Tuy công nghệ robot Nhật Bản phát triển ở trình độ cao nhưng việc nghiên cứu triển khai phẫu thuật viên robot lại tụt hậu so với Mỹ, vì các đơn vị nghiên cứu không phối hợp với nhau.

Thời gian qua, 14 công ty điện tử lớn như Hitachi, Panasonic và Toshiba đã kết hợp với năm trường đại học và Chính phủ Nhật thực thi dự án “Phòng mổ có robot hỗ trợ” (Robot-assisted operating theater). 

Loại phòng mổ này không những thực hiện được các phẫu thuật cực kỳ tinh vi mà còn có thể dùng thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI) để vừa xác nhận tình trạng tức thời cơ thể bệnh nhân vừa tiến hành phẫu thuật. Khi dự án hoàn thành, dự kiến trong vòng 10 năm sẽ đưa loại phòng mổ hiện đại này vào sử dụng trong lâm sàng. Như vậy Nhật Bản sẽ có thể tiến vào hàng ngũ các quốc gia dẫn đầu cuộc cạnh tranh toàn cầu về phát triển thiết bị y tế với Mỹ – nước đã bắt đầu phổ cập công nghệ robot dùng trong phẫu thuật.

Loại phòng mổ sử dụng phẫu thuật viên robot của Nhật Bản thực hiện liên kết cánh tay máy “cầm” dao mổ với máy cộng hưởng từ, nhờ đó cánh tay máy có khả năng vừa thao tác vừa liên tục tham khảo các số liệu khảo sát tình trạng tức thời cơ thể bệnh nhân (do máy cộng hưởng từ cung cấp), kết quả là cánh tay máy thao tác ổn định và chính xác hơn tay người. Phòng mổ này còn đặt thiết bị để xác nhận vị trí khối u đã được cắt bỏ đầy đủ chưa hoặc xác nhận bộ phận cơ thể nào đã bị tế bào ung thư xâm nhập. Toàn bộ các dữ liệu đó đều được thiết bị tổng hợp trong thời gian cực ngắn ngay tại chỗ.

Trong năm tài chính này, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành 3,5 tỷ yen (khoảng 34,27 triệu USD) cho dự án “Phòng mổ có robot hỗ trợ”.
       
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)