Nhiều câu hỏi về Sáng kiến AI của Mỹ
Ngày 11/2, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh điều hành khởi động Sáng kiến AI của Mỹ và chỉ đạo các cơ quan liên bang tập trung vào lĩnh vực công nghệ.
Tuy chưa đưa ra nhiều chi tiết về Sáng kiến, nhưng chính quyền Mỹ cho rằng sẽ chỉ định những mốc thời gian cụ thể để buộc các cơ quan liên bang phải tạo ra các “sản phẩm” có thể chuyển giao được và các chuyên gia sẽ tiết lộ thêm thông tin trong vòng 6 tháng tới.
Tính đến nay đã có ít nhất 18 quốc gia công bố chiến lược AI quốc gia. Theo lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng qua điện đàm với các phóng viên, sáng kiến của Mỹ sẽ có năm “trụ cột” quan trọng, bao gồm:
1) R&D. Chính quyền sẽ yêu cầu các cơ quan “ưu tiên đầu tư vào AI” trong việc chi tiêu ngân sách, nhưng chưa đưa ra chi tiết số tiền Nhà Trắng yêu cầu cho sáng kiến này (sau cuối Quốc hội sẽ xác định mức chi tiêu.) Sáng kiến cũng kêu gọi các cơ quan báo cáo về cách thức sử dụng tiền cho R&D về AI để có được một cái nhìn tổng quan về đầu tư của chính phủ vào AI.
2) Cơ sở hạ tầng. Các cơ quan được kỳ vọng sẽ giúp các nhà nghiên cứu truy cập các dữ liệu liên bang, các thuật toán và quá trình xử lý máy tính.
3) Quản trị. Văn phòng chính sách KH&CN của Nhà Trắng và một số nhóm khác sẽ cùng nhau soạn thảo các hướng dẫn chung về quản lý AI để đảm bảo việc sử dụng AI an toàn và có đạo đức.
Tuy không cho biết những vấn đề cụ thể nào sẽ được nhắc đến trong dự thảo, nhưng vị quan chức cấp cao của Nhà Trắng lưu ý, chúng sẽ liên quan đến các chuyên gia từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan khác. Và một trong những mối quan tâm là bảo vệ sự riêng tư dữ liệu.
4) Nguồn nhân lực. Ủy ban cố vấn về AI của Nhà Trắng và hội đồng về đào tạo việc làm sẽ tìm cách để duy trì các chương trình giáo dục cho người lao động. Ngoài ra, chính phủ yêu cầu các cơ quan thiết lập những chương trình học bổng, lương bổng và đào tạo về khoa học máy tính.
5) Tham gia hợp tác quốc tế. Chính quyền hy vọng sẽ thể hiện được sự cân bằng trong hợp tác với các quốc gia khác về AI nhưng không ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ hoặc nhượng lại bất kỳ lợi thế công nghệ tiên tiến nào. Vị phát ngôn viên này lảng tránh những câu hỏi về việc liệu những nỗ lực tham gia quốc tế có giải quyết những thách thức của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ, và cũng không đề cập đến việc liệu sáng kiến AI của Mỹ có đề cập đến vấn đề nhập cư và thị thực cho các nhà khoa học, kỹ sư và sinh viên hay không.
Sáng kiến này tiếp nối một số bước đi chính quyền Trump đã thực hiện đối với AI. Trong tháng 5/2018, Mỹ đã tổ chức một hội nghị cấp cao về vai trò của AI trong công nghiệp. Tháng 9/2018, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) tuyên bố cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho nghiên cứu về AI (con số này đã bao gồm cả kinh phí đầu tư cho một số dự án đang tiến hành). Cũng trong tháng đó, Nhà Trắng kêu gọi công chúng đóng góp ý kiến để hoàn thiện kế hoạch chiến lược quốc gia về R&D trong ngành AI đã có.
Các phản ứng bước đầu về sáng kiến này của mọi người khá đa chiều. Kate Crawford, đồng giám đốc của Viện nghiên cứu AI Now thuộc Đại học New York cho biết: “Sắc lệnh mới nhất này của Mỹ là một bước đi đúng hướng nhấn mạnh AI sẽ là ưu tiên chính cho hoạch định chính sách của quốc gia”. Tuy nhiên, Crawford lo ngại về việc nó tập trung vào ngành công nghiệp và rõ ràng thiếu ý kiến đầu vào từ các đại diện dân sự và giới học thuật.
Bà cũng nói rằng việc lảnh tránh khi đề cập đến quyền riêng tư và tự do dân sự lần này không làm xua tan nỗi lo về động thái rắc rối trước đây của chính truyền Trump về vấn đề này.
Ngô Hà dịch