Nhiều người nghiện mạng xã hội, vì sao?

Những mạng xã hội giúp hàng trăm triệu người thiết lập hoặc làm phong phú thêm các mối liên hệ xã hội nhưng liệu có nhốt giữa những mắt lưới của chúng, những cá nhân, những người trở thành tù nhân, thậm chí thành con nghiện?

Internet và mạng xã hội được coi như những cỗ máy ma quỷ nhanh chóng tạo ra sự phụ thuộc. Nỗi sợ kiểu này không có gì mới. Vào thế kỷ 18 từng có một nỗi lo sợ về nghiện sách ám ảnh các bậc cha mẹ giới trung lưu. Điều này được ghi lại trong đoạn trích dưới đây của mục sư Heinrich Zschokke (1821):

Nguồn ảnh: AFP

“Cơn sốt đọc là một sự tò mò không giới hạn, nhằm thỏa mãn tức thời đầu óc nhàn rỗi [của một cá nhân] bằng kết quả của trí tưởng tượng, hoặc bằng cách đọc tác phẩm của những tác giả khác. Người ta không đọc để làm giàu thêm kiến thức, mà đọc không phân biệt đúng sai, không vì hiểu biết, mà thuần túy vì tò mò. (…) Người ta đắm chìm trong sự nhàn rỗi của tâm trí, vừa dễ chịu lại vừa bận rộn, trải qua như một giấc mơ”.

Từ “mạng” hay “mạng lưới” vốn giàu sắc thái (vd: mạng lưới tội phạm, mạng lưới thần kinh [trong cơ thể], v.v.), ngày nay được dùng với nghĩa “một tập hợp các điểm liên kết với nhau”1 (Từ điển lịch sử về tiếng Pháp của Alain Rey, ấn bản Robert). Trong tiếng Pháp, từ “réseau” – “mạng lưới” có gốc từ “rets” (tương tự từ “net” – mạng trong tiếng Anh cũng có nghĩa đen là lưới), chỉ lưới để bắt chim, bắt cá hoặc những mánh lới để bắt giữ hoặc nắm lấy tinh thần của người khác. Lưới gồm nhiều mắt lưới kích cỡ khác nhau. Theo nghĩa hình tượng, nó chỉ sự cầm tù!

Như vậy, từ có vẻ kỹ thuật này sở hữu một sắc thái cảm xúc mạnh. Những mạng xã hội được kết nối nhờ Web2.0 giúp hàng trăm triệu người thiết lập hoặc làm phong phú thêm các mối liên hệ xã hội. Nhưng liệu mạng xã hội có nhốt giữa những mắt lưới của chúng, những cá nhân, những người trở thành tù nhân, thậm chí con nghiện của chúng, như nghĩa từ nguyên của từ “mạng lưới” ám chỉ? Liệu chúng có gây nghiện, hướng một số người bứt khỏi những hoạt động thường ngày của mình, như người ta từng lo ngại với việc đọc quá nhiều?

Tác động tâm lý của mạng xã hội đối với cá nhân: lợi và hại

Cần ghi nhận rằng nhiều cách sử dụng mạng xã hội phản bác lại câu nói “muốn sống hạnh phúc, hãy sống ẩn dật!”2, câu cuối của bài thơ ngụ ngôn Le grillon (Con dế mèn) của Jean-Pierre Claris de Florian.

Những cách sử dụng mạng xã hội phần nào bắt rễ từ chính cuộc sống hằng ngày, nơi người ta ít nhiều nói về bản thân, khi thì ẩn náu, khi thì công khai, tạo điều kiện cho các mối liên hệ và những chuyện ngồi lê đôi mách để mỗi người biết được hoạt động của người khác. Không có gì mới về thứ hoạt động xã hội này, trừ việc nó dễ dàng hơn! 

Cũng có những tài khoản mạng xã hội lâu dài3 với mục đích tham gia đề cao sự hợp tác, sự vui vẻ. Các thành viên tôn trọng nội quy và tổ chức của các nhóm mình tham gia. Họ ưu tiên các tương tác dài, kín đáo, với một tinh thần chung. Họ có cam kết tình cảm mạnh cho những buổi gặp gỡ, và thường tìm cách gặp gỡ ngoài đời thực. Họ luôn tương tác bằng tên tuổi thật và để lại những “vết” nhận dạng không thể xóa được.

Nhưng cũng có những tài khoản mạng xã hội ảo4 với chiến lược giả dạng của người dùng: họ sử dụng nhiều địa chỉ thư điện tử và nhiều biệt danh tùy theo tình huống. Họ cũng không ngại thay đổi tuổi và giới tính trên internet. Tương tác của họ ngắn và không cần biết ngày mai. Ở thanh thiếu niên, thái độ này phản ánh mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ (không hiếm trường hợp cha mẹ cung cấp các thiết bị điện tử với ý tưởng giữ con mình không ra khỏi nhà và với mục đích theo dõi các hoạt động, các mối giao du của chúng).

Các khía cạnh tích cực của mạng xã hội

Mạng xã hội tạo ra những cách thức mới để người sử dụng thể hiện bản thân. Thực tế mong muốn thể hiện mình xuất hiện rất sớm trong quá trình phát triển của trẻ. Từ rất sớm, trẻ em học được cách thể hiện bản thân sao cho dễ “giành” được người nói chuyện với mình nhất và cách duy trì quan hệ thích hợp với người chúng cần. Thứ “tư bản xã hội” được hình thành như vậy thậm chí có thể trở thành một lợi thế trong xã hội chúng ta. Giờ đây thì Web 2.0 phục vụ ham muốn này, và không gì có thể ngăn cản nó ngày càng hiện rõ thông qua ba kênh mà con người sở hữu để trình bày thế giới nội tại của mình và truyền đạt nó đến những người khác: từ ngữ, hình ảnh, và giác quan-vận động5 (cử chỉ, thái độ, điệu bộ, v.v.), tạo nên thành công của một số mạng xã hội (như TikTok, YouTube, v.v.)

Nguồn ảnh: AFP

Một dạng riêng tư mới

Sự riêng tư là thiết yếu đối với con người, nhưng sự biểu đạt của nó luôn bị thay đổi bởi ham muốn phơi bày6. Đó là việc đặt một số yếu tố trong cuộc sống riêng tư ra khu vực công cộng để đổi lại được giá trị nào đó. Nó vừa góp phần xây dựng sự tự tôn, vừa giúp tạo ra một sự riêng tư phong phú hơn và nhiều mối liên kết hơn.7

Khác với sự riêng tư chỉ được chia sẻ với một vài người, sự riêng tư được chia sẻ với nhiều người có thể được coi là “sự riêng tư hời hợt”. Chức năng của nó là để duy trì một mối liên kết xã hội bề nổi. Tình huống mới mẻ này cho phép chúng ta ở gần những người mình chú ý, mặc dù không được tham dự vào cuộc sống của họ nhiều như ta muốn. Đôi khi điều này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi gặp họ ngoài đời thực. Bởi mạng xã hội giúp chúng ta đơn giản quen biết xã giao, và duy trì liên lạc với những người đó ở một mức độ khá gần gũi, mặc dù chưa phải riêng tư nhưng cũng không phải như người xa lạ.

Cải thiện các mối quan hệ xã hội

Việc sử dụng internet không làm người dùng bị cô lập khỏi các mối quan hệ thân thiết đang có, nó chỉ góp phần củng cố các quan hệ xã hội thực, thậm chí cho phép người dùng thiết lập những quan hệ mới. Mạng xã hội cũng trao cho các cư dân mạng sống khép kín có thêm cơ hội kết nối với người khác (những người trẻ sống khép kín – tức là họ khó tiếp xúc với người thực bởi họ dễ cảm thấy bị đe dọa – cảm thấy không thoải mái khi tương tác trong đời sống thực, có vẻ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn rõ rệt. Trái lại, những thiếu niên hướng ngoại dễ dàng tiếp xúc và thoải mái bắt chuyện với người khác lại ít dùng mạng xã hội hơn). Những người hướng nội có nhiều bạn trên internet hơn những người hướng ngoại về lâu dài cũng giảm bớt xu hướng tự thu mình lại và cảm thấy thoải mái hơn trong các mối quan hệ hằng ngày.8

Không thể bỏ qua các khía cạnh tiêu cực

Tuy vậy, mạng xã hội với khả năng kết nối phong phú hơn, nhanh chóng hơn, mang lại một dạng thức riêng tư mới cũng mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng. 

Phơi bày bản thân quá mức. Nhiều người trẻ tham gia mạng xã hội mà không ý thức được rằng có rất nhiều người xem được dữ liệu cá nhân của mình, và thường có xu hướng tin vào rất cả mọi thứ mình đọc. Những người thiếu tự tin có thể bị dụ dỗ phơi bày nhiều thông tin riêng tư để giành được sự chú ý của nhiều người hơn. Việc sử dụng mạng xã hội trên internet có thể khơi dậy cảm giác cô đơn hoặc tự ti, có thể dẫn đến sử dụng mạng một cách nguy hiểm.9

Những tác động độc hại đến sức khỏe. Việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ (thiếu ngủ hoặc mất ngủ), dễ cáu gắt, buồn bã lo âu, thể hiện ở sự suy giảm kết quả học tập hoặc công việc. Thiếu niên nam hay lướt internet thường thừa cân (do thiếu hoạt động thể chất), trong khi thiếu niên nữ bị thiếu ngủ nhiều hơn.

Nạn quấy rối trên mạng. Trên môi trường internet, nạn quấy rối thuận lợi hơn nhờ tính ẩn danh. 

Nguy cơ rối loạn tâm thần. Những thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng mạng xã hội dễ có những triệu chứng trầm cảm và lo âu hơn. Những triệu chứng này là hệ quả của sự lệch lạc (bị quấy rối, bạo lực trên môi trường mạng xã hội) hoặc do sử dụng mạng xã hội quá mức. Nhưng những triệu chứng này có thể có từ trước (nhiều bệnh tâm lý đồng thời, đặc biệt các rối loạn lo âu và trầm cảm, rối loạn nhân cách, thiếu tự tin, tìm kiếm cảm giác, tính bốc đồng, mất khả năng diễn đạt cảm xúc, v.v.) và trở nên trầm trọng hơn ở những đối tượng dễ bị tổn thương này, họ bị “hút” vào một “vòng xoáy nghiện” giống với hành vi của người nghiện ma túy.10

Internet có gây nghiện không?

Với đối tượng nào cũng thế, nghiện được định nghĩa như sự mất kiểm soát đối với một đối tượng mà ban đầu là một nguồn thỏa mãn cho người dùng. Nó là một bệnh mãn tính gây căng thẳng, được đặc trưng bởi tổn thương tích lũy đối với người bệnh, và tái phát khi định ngừng sử dụng. Nhân tố chính của sự tái phát là cơn nghiện, tức là ý muốn sử dụng dai dẳng, vô thức. Cơn nghiện được kích hoạt bởi các kích thích và là một cảm giác đặc biệt bất ổn thúc đẩy việc sử dụng ngay cả khi người đó không muốn nữa, và bất chấp các hệ quả tiêu cực nó gây ra. Việc sử dụng do nghiện khác với việc sử dụng thông thường và việc sử dụng có vấn đề (tức là gây tổn thương kiểu khác, nhưng không mất kiểm soát lâu dài).

Trong danh pháp y học DSM-511, chứng nghiện được chẩn đoán cho mọi đối tượng gây nghiện bằng cách áp dụng một bộ tiêu chuẩn lõi chung, với một số điều chỉnh cho các chứng nghiện thuộc về hành vi (cờ bạc, trò chơi video). Chứng nghiện màn hình và nghiện internet chưa được công nhận trong phân loại của y học mặc dù đã có thể xác định rõ “những người gặp khó khăn với màn hình”. Internet, vốn được xây dựng như một công cụ của cuộc sống hằng ngày, nhưng cũng gây ra các rối loạn ở một số người, khiến họ mất cảm giác thời gian khi lướt internet, mắt dán vào điện thoại, và cảm thấy khó ở khi quên hoặc mất điện thoại (hội chứng bất an khi thiếu điện thoại – chứng nomophobia). Có nghiên cứu đã xác định các tiêu chuẩn phù hợp với chứng nghiện mạng xã hội: không quan tâm đến các hoạt động khác ngoài màn hình, lo lắng (thường xuyên bị hút vào màn hình, ngay cả khi không sử dụng), nói dối về việc sử dụng màn hình hoặc che giấu nó, và mạo hiểm/mất các mối quan hệ hoặc cơ hội lớn do sử dụng màn hình. Với những tiêu chuẩn này, chứng nghiện màn hình không phổ biến như người ta thường nói (1,7% số người tham gia) nhưng một bộ phận lớn dân số (gần 45%) sẽ đối mặt với những vấn đề liên quan đến màn hình.12 Công nghệ số ngày càng hoàn hảo nhờ các thuật toán tìm kiếm của các mạng xã hội. Bước tiến hóa này về thiết kế của mạng xã hội có thể nuôi dưỡng sự lười tư duy và khả năng chống tin giả kém hơn. Các thuật toán đưa một số thông tin lên đầu dựa theo một logic cá nhân hóa nội dung mà mục đích không gì ngoài thu hút sự chú ý của người dùng để kiếm tiền. Logic thuần túy thương mại này không thèm quan tâm đến chất lượng hay tính phù hợp của thông tin được đưa ra cho người dùng. Khả năng thu hút chú ý, bấm vào hoặc chia sẻ, và thường cả khả năng gây phẫn nộ, là những yếu tố chính quyết định xem thông tin có được nổi bật và gây “bão mạng” không. Thỏa mãn khẩu vị của chúng ta về những tin khơi gợi cảm xúc và gây tranh cãi.13

Chứng nghiện trò chơi video được công nhận trong DSM-5. Một trong những nguyên nhân nổi bật để giải thích nó là một sự thay đổi vật lý của bộ não ở tầm cấu trúc. Thực vậy, việc sử dụng internet ảnh hưởng đến một số thùy trán (prefrontal brain) gắn với việc ghi nhớ chi tiết, lên kế hoạch và sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên, do đó khiến chúng ta mất khả năng thiết lập những ưu tiên trong cuộc sống. Hệ quả là dành thời gian trên mạng mới là việc được ưu tiên, còn những công việc của cuộc sống hằng ngày phải xếp sau. Có thể chứng nghiện màn hình và nghiện internet cũng sẽ sớm được công nhận.

Kết luận

Các nhà khoa học, thông qua truyền thông, cảnh báo chúng ta về nguy cơ và những hiểm họa của chứng nghiện internet đối với sức khỏe và chất lượng công việc. Người ta hiện nói về nhu cầu “giải độc số” và công nghệ chậm. Điều đó sẽ khuyến khích chúng ta tìm kiếm điểm cân bằng trong sử dụng internet. Nó không có nghĩa là phủ nhận những đóng góp và lợi ích của công nghệ mới. Cũng không có nghĩa làm ngơ trước những nguy cơ sử dụng sai cách và những dấu vết để lại trên mạng không bao giờ xóa được. Chỉ có giáo dục trên các phương tiện truyền thông bằng cách tăng cường cái thường được gọi là “tư duy phản biện” mới có thể cho phép làm giảm các nguy cơ của việc sử dụng chúng mà không miễn trừ trách nhiệm của cả xã hội, bởi chính xã hội phải đặt ra những quy định và khuôn khổ đào tạo giúp các thành viên của nó phát triển một “hệ miễn dịch nhận thức bền vững”, mượn lời bản báo cáo Les lumières à l’ère du numérique, đã trình Tổng thống Pháp, tháng Giêng, 2022.□

Nguyễn Hoàng Thạch dịch 

——

*Bác sỹ tâm thần, chuyên gia về nghiện, Bệnh viện Paul Guiraud (Pháp)

1“ensemble de points communiquant entre eux”.

2“pour vivre heureux, vivons cachés”

3“profils de la permanence”.

4“profils de l’ombre”.

5“sensori-motricité”.

6Tạm dịch từ “extimité”, phản nghĩa với “intimité” – riêng tư.

7Tisseron S. (2001), L’Intimité surexposée, Paris, Ramsay.

8Hampton K.N. (2007), Neighborhoods in the network society: the e-neighbors study, Information, Communication & Society, vol. 10, n°5, « e-Relationships », p. 714-748. 

9Bélanger R. et al. (2011), A U-shaped association between intensity of Internet use and adolescent health, Pediatrics 127 ; e 330. 

10INSERM, Conduites addictives chez les adolescents. Usage, prévention et accompagnement, Collection Expertise collective, Inserm, Paris, 2014.
(https://www.inserm.fr/expertise-collective/conduites-addictives-chez-adolescents/)

11Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition.

12Jean-Marc Alexandre, Marc Auriacombe, Mathieu Boudard. L’addiction aux écrans, un diagnostic valide ? Qui est touché ? 2022. ffhal-04071802

13Pennycook G, Rand DG, Lazy, not biased : Susceptibility to partisan fake news is better explained by lack of reasoning than by motivated reasoning, Cognition, 2018, doi :10.1016/j.cognition.2018.06.011.

Tác giả

(Visited 182 times, 1 visits today)