Nhiều trở ngại cho các nhà khoa học nữ khi bắt đầu sự nghiệp

Một cuộc khảo sát ở Anh cho thấy, so với nam giới, phụ nữ đối mặt với nhiều trở ngại hơn khi bắt đầu xây dựng các nhóm nghiên cứu và phòng thí nghiệm như có xu hướng được trả lương thấp hơn, ít nhân viên hơn và không gian phòng thí nghiệm nhỏ hơn.

Được thực hiện trên 365 nhà nghiên cứu độc lập ở giai đoạn đầu sự nghiệp (Principal Investigators – PIs), những người bắt đầu xây dựng các phòng thí nghiệm ở Anh trong giai đoạn 2012-2018, cuộc khảo sát cho thấy nhiều người không được hỗ trợ cần thiết để tiến lên giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Hơn nữa, họ phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn so với các nhà nghiên cứu nam ở vị trí tương tự, khiến họ lâm vào thế bất lợi ở các giai đoạn sau. Báo cáo này đã xuất bản tại BioRxiv vào ngày 10/3/2019.

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu độc lập được khảo sát thường nhận được kinh phí đầu tư phát triển sự nghiệp trong vòng ba đến năm năm hoặc một vị trí giảng dạy tại đại học để có thể nộp hồ sơ đề xuất tài trợ nghiên cứu. Hơn 80% người làm việc trong các ngành khoa học sự sống. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu độc lập nam thường dễ dàng nhận được kinh phí nghiên cứu hơn. Điều đó cho phép họ có điều kiện mở rộng nhân lực cho phòng thí nghiệm của mình, Sophie Acton, một nhà miễn dịch học ung thư tại trường đại học hoàng Hoàng gia London và đồng nghiệp cho biết như vậy trong báo cáo.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu nữ thường có không gian phòng thí nghiệm chật hơn và giám sát ít nghiên cứu sinh, ít postdocs hơn so với nhà nghiên cứu nam. Phụ nữ cũng có xu hướng giành được ít tài trợ hơn khi bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm. Theo các tác giả, những yếu tố này làm cho họ “có nhiều khả năng trì trệ hơn” so với nam giới. Sau 5 năm, phụ nữ nói chung vẫn nhận được ít tiền tài trợ hơn và có ít nhân viên phòng thí nghiệm hơn.

Mức lương hàng năm của nhà nghiên cứu nữ là từ 3.000 bảng Anh (4.000 USD) và thấp hơn 5.000 bảng so với nam giới cùng cấp, trong nhiều trường hợp vì họ bắt đầu sự nghiệp ở mức lương thấp hơn.

Việc thiếu điều kiện trong giai đoạn đầu và mất đà tài trợ sẽ làm cho phòng thí nghiệm càng trì trệ hơn khi cần gọi tài trợ về sau, do không cạnh tranh được với các phòng phí nghiệm đã phát triển mạnh do có điều kiện từ đầu. Acton nói rằng việc có đà trong giành tài trợ là rất quan trọng bởi vì khi các khoản tài trợ ban đầu đã hết, các phòng thí nghiệm phải cạnh tranh với nhau cho vòng tài trợ tiếp theo. “Nếu phòng thí nghiệm của bạn chỉ có 2 người làm việc trong 5 năm, bạn không thể cạnh tranh tài trợ với một phòng thí nghiệm đã có 8 đến 10 người và đã xuất bản ba bài báo trong cùng 5 năm đó. Chỉ có vài phần trăm các phòng thí nghiệm hàng đầu có thể đi được đến cuối”, Acton nói thêm.

Các tác giả đề xuất một số biện pháp để tạo ra sân chơi cân bằng. Chẳng hạn như các khoa chỉ định cố vấn cho tất cả các nhà nghiên cứu độc lập, và các tổ chức và nhà tài trợ có thể áp dụng mức lương khởi đầu như nhau với các nhà nghiên cứu có các khoản tài trợ nghiên cứu bằng nhau.

Các nhà tài trợ cũng có thể đề xuất các nghiên cứu sinh cho các nhà nghiên cứu độc lập dưới dạng học bổng cho nghiên cứu sinh, thay vì tài trợ cho nghiên cứu sinh thông qua các chương trình đào tạo đại học, cách làm có xu hướng mang lại lợi ích cho các nhóm đã có chỗ đứng vững chắc. Và nếu các viện nghiên cứu không thực hiện cam kết ban đầu với nhà nghiên cứu độc lập về cơ sở vật chất và không gian phòng thí nghiệm, các nhà tài trợ có thể hoãn tài trợ.”Các nhà nghiên cứu độc lập mới vào nghề cần thời gian và sự hỗ trợ để họ cũng như các nhân viên và sinh viên của họ có thể phát triển”, Katie Wheat, người đứng đầu bộ phận tổ chức giáo dục đại học tại Vitae, một công ty giúp phát triển sự nghiệp nghiên cứu ở Cambridge, Vương quốc Anh.

Một số cơ quan tài trợ như các tổ chức từ thiện nghiên cứu y sinh Wellcome Trust, Cancer Research UK và cơ quan phụ trách khoa học Anh đã lưu ý các phát hiện từ điều tra này và mời các tác giả đến thảo luận về báo cáo.

Hoàng Nam dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-00933-0

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)