Nhịn ăn: Lợi hay hại?

Chế độ ăn ít calo và nhịn ăn gián đoạn được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe: chúng có thể làm chậm sự tiến triển của một số bệnh liên quan đến tuổi tác, giúp kéo dài tuổi thọ, không chỉ ở người mà còn ở những sinh vật sống khác. Tuy nhiên, hiện tượng này ẩn chứa nhiều cơ chế phức tạp.

Tế bào gốc hoạt động tăng cường tốt cho quá trình tái tạo, nhưng nếu quá mức sẽ làm giảm tác dụng.

Trong một nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học MIT xác định được con đường cho phép tái tạo tăng cường, được kích hoạt khi chuột bắt đầu ăn lại sau thời gian nhịn đói. Họ cũng tìm ra tác hại của quá trình tái tạo: Khi đột biến ung thư xuất hiện trong thời gian tái sản sinh, nhiều khả năng khối u đường ruột giai đoạn đầu sẽ phát triển ở chuột.

Omer Yilmaz, phó giáo sư Sinh học, thành viên của Viện Nghiên cứu Ung thư Koch của MIT, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết cần có thêm nghiên cứu sâu hơn trước khi kết luận nhịn ăn có ảnh hưởng tương tự lên con người hay không. “Vẫn còn đó nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu. Tuy nhiên, thú vị là ở chỗ trạng thái nhịn ăn hoặc ăn lại khi tiếp xúc với các chất gây đột biến có thể có tác động đáng kể lên khả năng phát triển ung thư ở các mẫu chuột”, ông nói.

Kết quả được đăng tải trên tạp chí Nature.

Trong nhiều năm, phòng thí nghiệm của Yilmaz đã tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của nhịn ăn và chế độ tiêu thụ ít calo với sức khỏe. Trong nghiên cứu năm 2018, nhóm của ông cho biết trong suốt quá trình nhịn đói, các tế bào gốc ruột bắt đầu sử dụng lipid như nguồn năng lượng thay vì carbohydrate. Việc nhịn ăn thúc đẩy đáng kể khả năng tái tạo của các tế bào gốc song vẫn còn những thắc mắc bỏ ngỏ: nhịn ăn có thể kích thích hoạt động tái tạo bằng cách nào và khi nào quá trình này bắt đầu?

Trong nghiên cứu mới, hoạt động tái tạo tế bào gốc bị ức chế trong thời gian nhịn ăn nhưng lại tăng vọt trong giai đoạn ăn lại. Nhóm nghiên cứu theo dõi ba nhóm chuột: nhóm nhịn ăn trong 24 giờ, nhóm nhịn trong 24 giờ sau đó được ăn thứ chúng muốn trong suốt 24 giờ ăn lại, và nhóm ăn thứ chúng thích trong suốt thí nghiệm.

Họ phân tích khả năng sinh trưởng của các tế bào gốc ruột vào các thời điểm khác nhau và nhận ra tế bào gốc phát triển mạnh nhất vào cuối giai đoạn 24 tiếng ăn lại. Những tế bào này cũng sinh sôi nhanh hơn so với tế bào gốc ruột ở chuột không nhịn ăn.

Các tế bào này kích hoạt một đường đi tín hiệu của tế bào là mToR, liên quan đến sự phát triển và trao đổi chất của tế bào, đồng thời điều chỉnh quá trình dịch mã RNA thành protein. Bởi vậy, khi được kích hoạt, các tế bào sẽ sản sinh nhiều protein hơn và sự tổng hợp protein này rất cần thiết cho hoạt động nhân lên của tế bào gốc.

Việc kích hoạt mToR trong các tế bào này cũng dẫn tới sản xuất một lượng lớn polyamine – các phân tử nhỏ giúp tế bào lớn lên và phân chia. Khi các tế bào gốc ở trạng thái tái tạo cao độ, chúng dễ bị ung thư hơn. Các tế bào gốc ruột là một trong những tế bào phân chia tích cực nhất trong cơ thể, vì chúng thay đổi hoàn toàn niêm mạc ruột sau mỗi 5 – 10 ngày. Bởi tần suất phân chia quá thường xuyên, những tế bào gốc này là nguồn tế bào tiền ung thư phổ biến nhất trong ruột.

Nếu kích thích gene gây ung thư ở chuột trong giai đoạn ăn lại, chúng sẽ có nguy cơ phát triển các polyp tiền ung thư nhiều hơn so với gene kích hoạt ở giai đoạn nhịn ăn. Đột biến liên quan đến ung thư xảy ra trong trạng thái ăn lại cũng có thể sẽ sản sinh nhiều polyp hơn là đột biến ở lũ chuột chưa từng trải qua chu trình nhịn ăn và ăn lại.

Yilmaz chia sẻ: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả mới chỉ thực hiện trên chuột, sử dụng các đột biến ung thư đã được xác định từ trước. Với con người, mọi thứ có thể sẽ phức tạp hơn nhiều”.

Yilmaz cũng lưu ý, lợi ích tái tạo của nhịn ăn có thể hiệu quả với những người đang xạ trị, vốn có thể làm tổn thương niêm mạc ruột hoặc các loại tổn thương đường ruột khác. Phòng thí nghiệm của ông hiện đang nghiên cứu liệu các chất bổ sung polyamine có thể thúc đẩy tái tạo mà không cần phải nhịn ăn.□

Trà Giang lược dịch.

Nguồn: https://news.mit.edu/2024/study-reveals-fasting-benefits-and-downside-0821

Bài Đăng Tia Sáng số 17/2024

Tác giả

(Visited 543 times, 1 visits today)