Nhóm nghiên cứu Việt Nam thực hiện thí nghiệm tại Dubna
Mùa hè năm 2025 đánh dấu một giai đoạn hợp tác quốc tế mới trong khuôn khổ Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR). Đó là một nhóm nghiên cứu do giáo sư Lê Hồng Khiêm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), điều phối viên chương trình hợp tác Việt Nam - Dubna dẫn dắt, gồm các nhà vật lý và kỹ sư Việt Nam đã đến Phòng thí nghiệm Các vấn đề Hạt nhân V.P. Dzhelepov.

Trong những tháng tới, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ làm việc tại các phòng ban chủ chốt của Phòng thí nghiệm Các vấn đề Hạt nhân V.P. Dzhelepov, tham gia nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm chuyên sâu cần thiết cho việc triển khai các chương trình về công nghệ hạt nhân và bức xạ tại Việt Nam. Giáo sư Lê Hồng Khiêm, điều phối viên hợp tác Việt Nam-JINR và thành viên Hội đồng Khoa học JINR, cho biết “Chính phủ Việt Nam đã khẳng định, con đường khả thi duy nhất để đưa đất nước phát triển thịnh vượng và bền vững là thông qua phát triển KH&CN. Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược này, ngân sách nhà nước dành cho phát triển KH&CN đã không ngừng tăng lên. Một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu là ứng dụng công nghệ bức xạ và năng lượng hạt nhân”.
Sau khi tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đang không ngừng xây dựng năng lực và nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân và bức xạ. Một trong những yếu tố quyết định cho chương trình này thành công là việc thúc đẩy kế hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân quốc gia, bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu công suất 10 megawatt. Trong khi trung tâm nghiên cứu này vẫn mới đang trong giai đoạn đàm phán và xúc tiến, Việt Nam sẽ coi Dubna như một cơ sở nghiên cứu quan trọng để xây dựng đội ngũ chuyên gia KH&CN trình độ cao, nơi mà Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập.

Một trong những sáng kiến quan trọng là đề xuất của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) về việc thành lập một phòng thí nghiệm chung JINR-VAST tại Việt Nam chuyên về các ứng dụng bức xạ. Cơ sở được đề xuất sẽ bao gồm một máy gia tốc cyclotron và một máy gia tốc electron tuyến tính. Dự án hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Phòng thí nghiệm các vấn đề hạt nhân Dzhelepov, nơi có nhiều cơ sở hạ tầng nghiên cứu lớn và tham gia vào một số dự án lớn, có thể đóng góp đáng kể vào việc đào tạo thế hệ chuyên gia khoa học và kỹ thuật tiếp theo của Việt Nam. Do đó, phòng thí nghiệm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Việt Nam. Kể từ năm 2025, số lượng các nhà nghiên cứu Việt Nam được gửi đến phòng thí nghiệm này đã tăng lên đáng kể.
Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đang tham gia nhiều nhóm nghiên cứu chung tại Phòng thí nghiệm Các vấn đề Hạt nhân V.P. Dzhelepov. Các nhóm nghiên cứu này bao gồm nghiên cứu vật liệu sử dụng chùm positron chậm, hóa học phóng xạ, phát triển thiết bị y học hạt nhân, vật lý neutrino, và tham gia các thí nghiệm tại cơ sở NICA.
Dưới sự dẫn dắt của giáo sư Lê Hồng Khiêm, nhóm nghiên cứu Việt Nam cũng đề xuất các thí nghiệm vật lý hạt nhân mới sử dụng máy gia tốc electron tuyến tính của JINR DLNP. Một số thí nghiệm này được triển khai vào năm 2025.
Theo giáo sư Lê Hồng Khiêm, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tiếp cận kênh chuyên dụng của máy gia tốc này để thực hiện các thí nghiệm đáp ứng các ưu tiên nghiên cứu của Việt Nam. Các thí nghiệm này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực vật lý hạt nhân mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khoa học khác như hóa học, sinh học và địa chất. Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam cũng đã bày tỏ sự quan tâm lớn thông qua giáo sư Lê Hồng Khiêm trong việc mở rộng hợp tác với Phòng thí nghiệm Các vấn đề Hạt nhân V.P. Dzhelepov để cùng triển khai các dự án nghiên cứu.
Anh Vũ dịch từ Phòng thí nghiệm Các vấn đề Hạt nhân V.P. Dzhelepov
Nguồn: https://dlnp.jinr.ru/news/3539