Nhu cầu Uran của thế giới sẽ ngày càng tăng

Theo Dennis Higgs, Chủ tịch Công ty Uran Bắc Mỹ (Uranerz Energy Corporation) thì thế giới không thể không sử dụng năng lượng nguyên tử.

Thưa ông Higgs, Uran là nhiên liệu quan trọng nhất đối với các nhà máy điện nguyên tử. Kể từ thảm họa Fukushima năng lượng nguyên tử bị nguyền rủa. Nước Đức muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với điện hạt nhân. Ngay cả nước Pháp, vốn được coi là quốc gia của điện hạt nhân cũng đang có biểu hiện “suy nghĩ lại”. Vậy về lâu dài nguyên liệu Uran sẽ bị dư thừa?

Hoàn toàn không phải như vậy. Lượng Uran mà nước Đức tiêu thụ chỉ tương đương 5% nhu cầu về Uran của cả thế giới. Thế giới hiện có 435 nhà máy điện hạt nhân đang hòa mạng, trong đó riêng Mỹ có 104 nhà máy. Những nhà máy này không dễ gì ngừng hoạt động. Mỹ là thị trường Uran lớn nhất thế giới. Khi mỏ đầu tiên của chúng tôi ở Wyoming đi vào hoạt động chúng tôi sẽ cung cấp cho thị trường này. Nhu cầu hàng năm về Uran của Mỹ khoảng 50 triệu pound Uranoxid U3O8. Nhưng bản thân Mỹ mỗi năm chỉ khai thác được khoảng 5 triệu pound.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa năng lượng nguyên tử. Liệu giới công ngiệp có thể tin tưởng vào cam kết đó không?
Tôi tin là như vậy. Tổng thống đã nói khá rõ về việc mở rộng điện hạt nhân và coi đây là một dạng năng lượng sạch.

Liệu một vị thuộc đảng Cộng hòa trong Nhà Trắng có làm như vậy không?

Những người thuộc đảng Cộng hòa còn tán dương năng lượng nguyên tử mạnh mẽ hơn các vị thuộc đảng Dân chủ.

Hiện tại ở Nhật Bản không có nhà máy điện nguyên tử nào còn hòa mạng. Thế nhưng không hề bị mất ánh sáng điện. Phải chăng thay thế điện nguyên tử dễ dàng hơn người ta tưởng?

Các lò phản ứng của Nhật đang trải qua thời kỳ thử thách căng thẳng. Vào mùa hè này, khi tiêu dùng điện tăng lên, thí dụ các máy điều hòa nhiệt độ hoạt động mạnh hơn, khi đó mới thấy rõ Nhật giải quyết vấn đề điện hạt nhân như thế nào. Tôi cho rằng sẽ có vấn đề. Nước Nhật mỗi ngày phải chi 100 triệu đôla cho việc thay thế điện hạt nhân bằng việc nhập năng lượng bổ sung. Các nhà kinh tế cho rằng không có điện hạt nhân năm 2012 tăng trưởng kinh tế của Nhật chỉ đạt 1%, nếu dùng điện hạt nhân thì mức tăng trưởng kinh tế 2% là có thể.

Điều đó có nghĩa lý gì so với những thảm cảnh mà con người đã trải qua?

Rất lấy làm tiếc, nhưng đó là sự thật. Ngược lại, xin hỏi: Nước Đức được gì khi ngừng không cho các nhà máy điện hạt nhân của mình hòa vào mạng lưới điện quốc gia, nhưng lại nhập khẩu điện hạt nhân của nước ngoài để bù vào sự thiếu hụt năng lượng ? Về lâu dài nước Đức sẽ cho ngừng hoạt động 17 nhà máy điện hạt nhân của mình trong khi Trung Quốc lại đang cho xây dựng mới 26 nhà máy điện nguyên tử. Hiện tại trên thế giới có 60 lò phản ứng mới đang trong quá trình xây dựng, 163 đang trong thời kỳ lập kế hoạch. Các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những thành phần quan trọng nhất thúc đẩy thị trường Uran thế giới.

Ngay cả ở đó, ngay sau vụ Fukushima cũng nghe nói, người ta muốn xem xét lại kế hoạch điện hạt nhân của mình. Hay đó chỉ là những lời nói thoảng qua?

Nếu xét từ tấn thảm kịch ở Nhật Bản thì ở đây ít nhiều có sự nghiêm túc về mặt chính trị. Nhưng cốt lõi của vấn đề là ở chỗ, cần phải coi trọng hơn nữa vấn đề an toàn khi xây dựng kế hoạch. Mà quan niệm đó là đúng đắn.

Phải chăng vì thế việc triển khai xây dựng sẽ bị trì hoãn và chi phí xây dựng sẽ tăng lên?

Có thể như vậy, nhưng không phải vì thế mà người ta hủy bỏ chương trình năng lượng hạt nhân. Hơn nữa Trung Quốc còn cam kết giảm rõ rệt chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Không có sự đóng góp của năng lượng nguyên tử thì điều này không khả thi. Một điều nhãn tiền là, nhu cầu đối với Uran của thế giới sẽ tăng lên. Các nhà phân tích cho rằng đến năm 2020 so với 2011 nhu cầu sẽ tăng trên 50%, tức mỗi năm cần có 280 triệu pound Uranoxid. Sẽ bị thiếu hụt Uran và giá Uran sẽ tăng lên. Điều đó chắc chắn.

Theo Wiwo 14.5.2012

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)