Những bức ảnh ấn tượng về khoa học năm 2019
Một thoáng ẩn hiện dưới nước của cá hồi trong mùa sinh sản. Một mặt trăng đang bay qua vành đai Sao Thổ. Một lá phổi nhân tạo được in 3D trong phòng thí nghiệm. Hãy cùng nhìn lại năm 2019 bằng những bức ảnh ấn tượng nhất do nhóm tin tức của tạp chí Science lựa chọn từ hàng ngàn bức ảnh khoa học đăng tải trên website và tạp chí trong năm nay, ẩn trong mỗi bức ảnh là câu chuyện về hành trình bền bỉ tìm kiếm lời giải đáp về thế giới của các nhà khoa học.
Thời tiết trên không
(SANTIAGO BORJA)
Nhiếp ảnh gia kiêm phi công Santiago Borja đã chụp cơn bão này trên Thái Bình Dương, đây là một ví dụ tiêu biểu cho những cơn giông khổng lồ có thể xâm nhập vào tầng bình lưu với khoảng cách hơn 18 km. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem những cơn bão “dữ dội” như vậy có phải đang phun chất hóa học tổng hợp vào tầng bình lưu nhằm gây hại cho tầng ozone bảo vệ Trái đất hay không.
Không khí loãng
(TOM BOUYER)
Một người thợ mỏ đi dọc theo vách đá với một bao tải đá trên lưng, những tảng đá này sau đó sẽ được họ nghiền nát ra để tìm vàng. Nằm ở độ cao 5.000 mét so với mực nước biển, ngôi làng chuyên khai thác mỏ vàng La Rinconada ở Peru là khu định cư ở vị trí cao nhất trên thế giới. Các nhà khoa học cư dân ở đó để hiểu tác động lâu dài của nồng độ oxy trong không khí quá thấp lên cơ thể con người.
Hồ xanh
(CAVAN IMAGES)
Một chiếc thuyền đang băng qua hồ Erie, nơi diễn ra hiện tượng tảo nở hoa. Tại đây, nồng độ nitơ quá mức từ các hoạt động của con người làm mất cân bằng môi trường sống dưới nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính loài người. Có những thay đổi quy mô lớn đang xảy ra trong chu trình nitơ và các nhà khoa học hiện đang xem xét cách quản lý lượng nitơ vượt quá mức quy định đối với từng cộng đồng người khác nhau.
Băng trôi
(ADAM LEWINTER)
Greg Hanlon, thuộc Quân đoàn Kỹ sư Quân đội Hoa Kỳ, ngước lên nhìn mái vòm ở khu vực sông băng Helheim Glacier ở Greenland. Nhóm nghiên cứu của ông đã quay trở lại sông băng trong năm khác để nghiên cứu thực địa và thu thập dữ liệu nhằm theo dõi sự hòa lẫn giữa nước sông băng và nước biển có thể gia tăng tốc độ nước biển dâng như thế nào.
Trận chiến của cá hồi
(JASON CHING)
Gần một trạm nghiên cứu của Đại học Washington ở hồ Iliamna thuộc Alaska, cá hồi đỏ (Sockeye salmon) đã sẵn sàng cho mùa sinh sản của mình. Hồ Iliamna là nơi sản xuất 20% cá hồi ở Vịnh Bristol. Các nhà nghiên cứu theo dõi đời sống và mô hình di cư của chúng trong khu vực đang tranh chấp với mỏ vàng lớn nhất thế giới, Pebble Mine, dự định sẽ được đặt ở thượng nguồn của hồ.
Trồng trọt bằng công nghệ CRISPR
(STEFEN CHOW)
Gao Caixia, nhà khoa học hàng đầu về công nghệ CRISPR, đứng giữa những cây lúa mì được sửa đổi gene bằng công nghệ CRISPR của bà trong một phòng trồng trọt ở Bắc Kinh. Gao hy vọng các nhà máy của bà sẽ có thể cung cấp thêm lương thực trong bối cảnh dân số đang tăng lên ở Trung Quốc.
Giữa những vành đai
(NASA)
Mặt trăng Daphni tạo sóng giữa vành đai Sao Thổ. Hình ảnh cận cảnh này chỉ là một trong những bức ảnh được chụp trong ‘phi vụ lớn cuối cùng’ của tàu vũ trụ Cassini trước khi lao vào Sao Thổ để ‘tự hủy’. Trong số những quỹ đạo bay quanh Sao Thổ này, các nhà khoa học đã xem xét kỹ hơn về cấu trúc vành đai và năm mặt trăng quay xung quanh Sao Thổ.
Năm của nguyên tố
(MIKE WALKER)
Năm 2019, chúng ta đã kỷ niệm 150 năm bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Theodore Grey, nhà đồng sáng lập Wolfram Research ở Champaign, Illinois, đã thu thập để tạo nên một bộ sưu tập các nguyên tố có sẵn đứng đầu bảng tuần hoàn của riêng mình. Trong bộ sưu tập đầy sáng tạo của ông, chúng ta có thể thấy các ống phát sáng của khí trong cột ngoài cùng bên phải, những mẫu vật này được đặt trong các ngăn bên dưới để có thể lưu trữ một cách an toàn.
Các vụ đụng độ ở trường Đại học
(KYODO)
Người biểu tình đòi dân chủ ném bom xăng bên ngoài Đại học Bách khoa Hong Kong trong bối cảnh người dân nước này đang căng thẳng chính trị với Trung Quốc. Những người đứng đầu tại một số trường đại học lo ngại các cuộc đụng độ sẽ khiến việc chiêu mộ sinh viên và giảng viên trở nên khó khăn hơn.
Gã khổng lồ trong lòng đại dương
(KARIM ILIYA)
Một con cá voi lưng gù đực khổng lồ đang chiến đấu giành bạn đời ở ngoài khơi Tonga, Thái Bình Dương. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tại sao những con vật này có kích cỡ rất lớn, nhưng lại không thể lớn hơn.
Triển khai Vaccine
(JOHN BAZEMORE)
Y tá K. J. Moore phát biểu trong phần bình luận công khai của hội đồng vaccine thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ở Atlanta. Moore không tán thành với yêu cầu rằng nhân viên y tế phải được tiêm vaccibe cúm.
Cánh đồng cọ
(ARROWHEAD FILMS)
Một ngọn đồi chưa được khai khẩn nằm giữa đồn điền dầu cọ ở Tây Kalimantan ở Indonesia. Các nhà bảo tồn đã bắt đầu làm việc với các công ty dầu cọ để bảo vệ động vật hoang dã sống ở đó.
Móng vuốt trên cánh
(AMAZON-IMAGES)
Một chú gà móng (hoatzin) một ngày tuổi có móng vuốt trên cánh, móng vuốt này sẽ biến mất khi nó trưởng thành. Năm nay, các nhà khoa học đã mô tả chi tiết cách gà móng con sử dụng móng vuốt của chúng để leo trèo và di chuyển xung quanh, từ đó đặt ra câu hỏi về việc tại sao móng vuốt lại mất đi khi chúng trưởng thành.
Dồi dào khoai tây
(GUSTAVO RAMIREZ)
Những củ khoai tây đầy màu sắc này đã được ‘thuần hóa’ để có thể trồng trên các cánh đồng của miền trung Andes ở Peru. Những củ khoai này xuất hiện từ thời các nền văn hóa tiền Inca, tồn tại ở độ cao 3000 đến 4500 mét so với mực nước biển. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc đa dạng hóa khoai tây hiện đại có thể tăng khả năng chống chịu bệnh tật và biến đổi khí hậu của chúng.
Bảo vệ tê tê
(JEN GUYTON)
Một con tê tê đất nhút nhát sống trong vườn quốc gia ở Mozambique. Loài động vật có vú này là động vật bị săn trộm nhiều nhất thế giới. Chúng trử thành con mồi hấp dẫn của các tay săn trộm bởi vảy và thịt của mình. Từng bước, chúng đang tiến dần đến tình cảnh bị tuyệt chủng.
Điều trị chăm sóc sức khỏe
(RIJASOLO)
Một cô bé ngồi trong phòng chăm sóc trẻ em của Bệnh viện Ifanadiana ở Madagascar, để điều trị suy dinh dưỡng nặng. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một hệ thống chăm sóc sức khỏe mới có thể được áp dụng trên toàn quốc.
Bản đồ não
(MATTHEW BENDER)
Nhà vật lý học Danielle Bassett của Đại học Pennsylvania đứng bên phần trình bày về các kết nối cấu trúc não, được tạo ra từ dữ liệu MRI, do phòng thí nghiệm của bà nghiên cứu. Bassett là người tiên phong trong việc đưa vật lý và toán học vào việc nghiên cứu về các mạng lưới trong não người.
Thiết kế luồng hơi thở
(DAN SAZER)
Hình ảnh xếp chồng lên nhau, bản 3D của một phế nang nhỏ, hoặc có thể gọi là phổi nhân tạo. Các nhà khoa học đã thiết kế bộ máy hô hấp này để nâng cao khả năng nghiên cứu các mô tế bào sinh học.
Xung vô tuyến phát sáng
(CSIRO)
Dải Ngân hà đang tỏa sáng phía trên Australian Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP). Ở đó, các nhà khoa học đã sử dụng 36 kính viễn vọng để theo dõi một xung vô tuyến – có thể hiểu là theo dõi sóng vô tuyến nhanh đến nguồn phát của nó trong một thiên hà xa xôi.
Anh Thư dịch