Những chuyến đi của “Gandhi công nghệ”

Mỗi năm GS kinh tế người Ấn Độ Anil Gupta lại có một chuyến hành hương về những vùng nông thôn nghèo khổ nhất để truyền bá tri thức của người nghèo và phát hiện những phát minh sáng chế của họ. Người dân Ấn Độ tôn vinh ông là một "Gandhi công nghệ". Những chuyến đi khám phá hằng năm của ông đang có xu hướng trở thành một phong trào trên toàn thế giới.

 Shod Yatra – Những chuyến đi khám phá

Chiếc máy tuốt lúa của anh nông dân Dharnidhar Mahato hoàn toàn không có vẻ gì là một đột phá về công nghệ: nó là sự chắp vá từ khung một chiếc xe đạp gỉ chỉ còn một bàn đạp và cái trống làm bằng những mẩu gỗ và mảnh sắt tây lấy từ vỏ đồ hộp.

Tuy vậy GS Anil Gupta tỏ ra rất phấn khởi. Ông nói to để những người nông dân và các em học sinh ở làng Balakdih tụ tập xung quanh ông đều nghe rõ:” Quả thật, đây là một phát minh tuyệt vời”.

Làng Balakdih cách thành phố Kalkutta khoảng 7 giờ ô tô. Ở đây không có điện lưới, đường xá đầy ổ gà. đi lại hết sức khó khăn. Những mảnh ruộng trồng lúa manh mún, thửa to, thửa nhỏ đan xen nhau. Đồng đất ở đây xấu đến mức sau vụ gặt, nếu không bị đói là người nông dân đã vui mừng lắm rồi. Có lẽ không một ai nghĩ đến chuyện đưa tiến bộ kỹ thuật tới vùng “chó ăn đá gà ăn sỏi” này. Thế mà vị GS của một cơ quan nghiên cứu danh tiếng Indian Institute of Management lại cất công đến đây để tìm ý tưởng và những sáng chế phát minh.

Ông tìm những sáng chế tương tự chiếc máy tuốt lúa của anh nông dân Dharnidhar Mahato. Người nông dân này nói “Ở các cửa hàng người ta có bày bán máy tuốt lúa đạp bằng chân. Nhưng giá một cái máy lên tới 3000 rupie.” Trong khi đó chi phí làm ra chiếc máy của anh chỉ hết có 500 Rupi (khoảng 230.000 đồng VN) nhưng năng suất tuốt lúa lại cao gấp đôi so với cái máy đắt tiền bán trên thị trường. Giáo sư Gupta nói “Rõ ràng cái máy này là một sự đột phá, vì còn có nhiều người nông dân vẫn đập lúa bằng tay như tổ tiên họ từng làm từ trên 3.000 năm nay.” Những người nông dân vỗ tay rào rào trong khi “nhà sáng chế” Mahato ngượng ngùng, đỏ mặt khi được khen ngợi và nhận bằng khen từ vị GS danh tiếng.

Anil Gupta (giữa) giới thiệu chiếc xe đạp lội nước với ông Deepak Shourie (trái), giám đốc Discovery Networks và Raghunath Anant Mashelkar (phải), Ủy viên Hội đồng Khoa học và Nghiên cứu.

Làm sao có thể tiếp cận với sự hiểu biết, kinh nghiệm của những người không biết đọc báo, không có điện thoại và chẳng bao giờ rời khỏi làng quê mình ? Câu trả lời của Gupta là: “Shod Yatra” – những chuyến đi khám phá. Từ mười năm nay, ông và các cộng sự mỗi năm có hai chuyến đi từ 200 đến 300 km, mỗi đợt kéo dài mười ngày qua các làng quê ở Ấn Độ để phát hiện sáng chế phát minh của người nghèo và ghi chép về những kinh nghiệm vô cùng phong phú của họ. Thí dụ họ gieo loại hạt gì? Cách thức chữa bệnh của họ cho người cũng như gia súc như thế nào? Gupta lưu những thông tin này vào on-line database (dữ liệu trực tuyến) của Honey Bee Network (Mạng Ong mật) – dự án phi lợi nhuận thu thập và quảng bá kinh nghiệm của nông dân do ông sáng lập.

Vì ở nông thôn hầu như rất ít người có máy tính và nối mạng Internet nên Gupta luôn mang theo máy tính xách tay chứa ngân hàng dữ liệu. Khi thấy người dân ở địa phương nào đó đang vật lộn với những khó khăn mà nơi khác đã tìm được phương án giải quyết, ông mời mọi người xem trong máy tính của mình. Bằng cách này ông đã giới thiệu cho người nông dân cách lắp đặt máy bơm nước hoặc cách dùng phân trâu bò để sản xuất ra điện vv…

Chuyện về cái máy bơm nước hoặc cái máy tuốt lúa mà Gupta vừa phát hiện gần đây là điển hình về sáng chế được phát hiện qua những chuyến đi khám phá. Người ta thường làm ra cái họ cần. Một cô gái ở miền nam Ấn Độ đã lắp một cái máy giặt đạp chân. Một người đàn ông ở vùng núi Assam đã dùng lò so, bánh răng và các thanh truyền lực để truyền lực từ yên xe, mỗi khi xe bị xóc, tạo thêm lực đẩy cho xe đạp – Gupta coi đây là một sáng tạo vì người ta biết biến trở lực thành lợi thế cho mình.

Hiểu thấu nông dân

Ngày nay, khi nền kinh tế Ấn Độ đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, liệu Shod Yatra có còn cần thiết nữa hay không?

Trước câu hỏi đó, GS Gupta cười buồn bã: “Các bạn hãy xem người dân ở làng Balakdih có những gì? – Họ chẳng có gì cả. Chúng tôi đã đi ba ngày qua biết bao làng quê. Các bạn có biết chúng tôi thấy bao nhiêu trạm y tế trong những ngày qua? Không có một trạm xá nào, bất chấp ở nông thôn có biết bao thứ dịch bệnh, từ bệnh sốt rét cho đến bệnh phong, bệnh lao và bao bệnh khác”

Vị GS 55 tuổi, sau khi đi một chặng đường 8 tiếng đồng hồ, có ba cuộc tiếp xúc với dân làng vẫn hăng hái phăm phăm đi đầu. Ông phàn nàn “Nhiều nhà sáng chế còn rất e dè, họ chỉ đăng ký các sáng chế phát minh khi họ biết chúng tôi thực sự hiểu thấu cuộc đời họ.” Đoàn của GS Gupta thường qua đêm ngay trên nền nhà các trường học ở rải rác các địa phương mà họ đi qua.

Shri Prem Singh ở miền bắc bang Haryana là một nhân chứng về việc cho dù không được học hành người dân nghèo vẫn có thể sáng chế những máy móc tuyệt vời. Người đàn ông này đã có tới 150 sáng chế, trong đó có việc điều khiển hệ thống máy bơm nước từ xa bằng điện thoại di động (ở Ấn Độ điện thoại di động rất rẻ). Ban đêm khi thình lình có điện, người nông dân có thể nằm nhà mà vẫn điều khiển được trạm bơm. Ông Gupta nói “Không có nhà sản xuất điện thoại di động nào lại nghĩ đến chuyện dùng “handy” để điều khiển từ xa như thế!”.

Mỗi nhà sáng chế được Gupta phát hiện đều có quyền tự quyết định cho phép tự do sử dụng sở hữu trí tuệ của mình hay nhờ ông giúp để đăng ký bản quyền. Gần đây tổ chức Sristi của GS Gupta tung ra thị trường một số loại thuốc thú y và thuốc trừ cỏ dại chiết xuất từ thực vật- đây là kết quả các chuyến di thực tế của đoàn. Khoản lợi nhuận được chia cho người phát minh, cho địa phương và một phần nộp vào quỹ sáng tạo của Sristi.

Giáo sư Gupta lo lắng rằng người dân nông thôn rồi đây sẽ lãng quên những kiến thức, kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay nhiều người nông dân chỉ còn biết dựa hoàn toàn vào những loại hạt giống do các công ty giống cây trồng cung cấp. Đây là những loại giống cao cấp, nhưng nhiều khi các giống đó không chịu được hạn hán trong khi bản thân người nông dân cũng không còn nhớ đến các loại giống chịu hạn của địa phương có từ nghìn xưa, nay bị mai một và chỉ còn ít người biết đến. Để chống lại tình trạng lãng quên này, đoàn của GS Gupta thường tổ chức các cuộc thi với sự tham gia của đông đảo dân làng, như yêu cầu nêu tên các loại giống của địa phương. Đoàn của ông cũng dùng máy phóng giới thiệu những phim ngắn về các phương pháp khôn ngoan ở các vùng khác, như về người dân ở huyện Ri-Bhoi dùng bã cua thối đặt ngoài cánh đồng để nhử côn trùng hại lúa. Những kinh nghiệm quý báu đó nhiều khi chỉ được sử dụng trên một địa bàn hẹp và ngay cả người dân ở xã kế bên cũng không biết.

Các chuyến đi khám phá Shod Yatra được thực hiện ở Ấn Độ đang được các nước khác hưởng ứng. Liyan Zhang, một nhà kinh tế người Trung Quốc thuộc trường đại học tổng hợp Tianjin tham gia chuyến đi khám phá ở Purulia. Bà nói “Tôi muốn học hỏi và thu thập kinh nghiệm tiến hành Shod Yatra để mùa hè tới sẽ tổ chức một chuyến đi khám phá đầu tiên ở Trung Quốc”. Một số cộng sự tham gia Shod Yatra đều mặc áo phông với lô-gô “ggg” có nghĩa là “grassroots go global”. Giáo sư Gupta mơ ước về một mạng lưới tri thức của người nghèo trải rộng trên khắp thế giới và mạng lưới đó cũng có ích đối với giới giàu có. Ông nói “Lối sống của phương Tây với khối lượng chất thải khổng lồ rõ ràng không thể bền vững. Các nước giàu có thể học nhiều ở người nghèo về các phương pháp tái chế chất thải để tái sử dụng.”

Đoàn khảo sát có mặt tại nhà ông lang Govind Chand Mahto. Trên sân nhà ông phơi nhiều loại rễ, củ và lá cây. Vị thầy lang này còn giữ một cuốn sách nhàu nát từ đời ông nội ghi chép các bài thuốc gia truyền. Các cộng sự của Gupta ghi chép những bài thuốc mà ông lang cao tuổi này sử dụng để chữa các bệnh như thương hàn, sốt vàng da và các bệnh đau nhức trong cơ thể. Sau đó tại văn phòng của tổ chức Sristi người ta sẽ xem các loại cây dược liệu này đã được phân loại, mô tả khoa học chưa. Từ nhiều tháng nay doanh nghiệp Matrix Biosciences ở Hyderabad bán ra thị trường 9 loại thuốc diệt cỏ và sâu bệnh hại cây trồng chiết xuất từ thực vật có sự xác thực của Sristi. Trên nhãn các chai thuốc này đều có ảnh và tên tuổi người sáng chế loại thuốc đó nhằm làm cho khách mua hàng thấy được thành quả của sự sáng tạo. Một trong những sản phẩm của hãng Matrix bán ra thị trường dựa vào sáng kiến của một cụ bà 70 tuổi ở miền tây bắc Ấn Độ. Cho đến nay thu nhập bình quân của cụ mỗi năm chỉ khoảng 4 triệu đồng VN. Giờ đây nhờ sản phẩm của cụ bán được ra thị trường nên thu nhập của cụ ít ra cũng có thể đạt năm mươi triệu một năm.

Chiếc máy giặt đạp chân

Thường sau 21 giờ chuyến đi khám phá trong ngày mới kết thúc. Nhiều thành viên trong đoàn lăn ra ngủ nhưng GS Gupta vẫn tranh thủ trao đổi với dân làng. Các cuộc gặp gỡ đó thường được tiến hành ngay trên sân trường. Kết thúc các cuộc trao đổi ông dùng đèn chiếu giới thiệu với bà con nông dân những sáng kiến cải tiến mà ông thu thập được với hy vọng kích thích sự sáng tạo của họ. Khi mọi người đã về hết Gupta ngồi lặng lẽ một mình ở trường học và ngắm nghía đôi chân của mình. Liệu đôi chân này còn có thể rong ruổi bao lâu nữa? Ông tự nhủ: “Hy vọng đôi chân mình còn dẻo dai vì còn biết bao việc phải làm.”

XUÂN HOÀI (Theo Spiegel)

 

Từ lâu, qua những công trình nghiên cứu của mình, GS Anil Gupta tin rằng sự hiểu biết và tiềm năng của người dân ở nông thôn lớn hơn nhiều so với sự đánh giá của phần lớn các chuyên gia tư vấn về phát triển cũng như của các quan chức nhà nước.

Từ đó GS Gupta bắt đầu sưu tầm những phát minh, sáng chế của người nghèo và kinh nghiệm truyền thống của cộng đồng làng xã để giới thiệu rộng rãi làm cho mọi người đều có thể thụ hưởng những thành quả đó. Như con ong mật cần mẫn thu thập phấn hoa Gupta tìm mọi cách thu thập, tích cóp sự hiểu biết và kinh nghiệm của quần chúng để truyền bá rộng rãi và hoàn toàn không vụ lợi. Ông đặt tên cho dự án này là “Honey Bee Network”, hiện đã lưu giữ được 75.000 thông tin vào Honey Bee Database, khoảng 100 ý tưởng đã trở thành sản phẩm có giá trị thương mại.

Cũng có thể nói GS Gupta đã tìm ra một Wikipedia sống cho người nông dân Ấn Độ. Do những ý tưởng đó, tạp chí Business Week Asia đã bình chọn ông là một trong số 50 nhân vật có ảnh hưởng rộng lớn nhất ở Châu Á

 

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)