Những con đập Lan Thương trên vùng động đất Vân Nam

Những năm gần đây, những trận động đất lớn liên tiếp xảy ra ở vùng Tây Nam Trung Quốc với sức tàn phá rộng lớn làm nhiều con đập thủy điện trong vùng bị hư hại; sự kiện này đã khiến chính những học giả và các nhà hoạt động môi sinh ngay tại Trung Quốc đã phải gửi một kiến nghị ngày 12/06/2008 lên Chính phủ kêu gọi phải duyệt xét lại sự an toàn của những con đập thủy điện trên vùng địa chấn không ổn định là vùng Tây Nam Trung Quốc, trong đó có đề nghị cụ thể là phải ngưng việc xây dựng những dự án đập thủy điện lớn trong vùng cho đến khi hoàn tất những bước nghiên cứu về tính khả thi và an toàn của những dự án đập.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHUỖI ĐẬP  VÂN NAM 
Tuy đã có kế hoạch rất hấp dẫn khai thác sông Mekong rất sớm từ những năm 1970 nhưng vì “thiếu ngân sách” nên mãi tới năm 1980 con đập Mạn Loan/ Manwan đầu tiên cao 99 mét với bức tường thành cao 35 tầng mới được khởi công và 13 năm sau thì xây xong  (1993).
Theo tài liệu chính thức của Tỉnh ủy Vân Nam, cho đến năm 2009 thì chuỗi đập trên sông Lan Thương không phải chỉ có 8  mà con số đã lên tới 14 con đập trên dòng chính khúc thượng nguồn sông Mekong, chưa kể vô số những con đập phụ lưu.[1]
Tên 14 con đập theo thứ tự từ bắc xuống nam đó là 1/ Liutongsiang; 2/ Jiabi; 3/ Wunenglong; 4/ Tuoba; 5/ Huangdeng; 6/ Tiemenkan; 7/Guongguoqio; 8/ Xiaowan/ Tiểu Loan: hoàn tất 2009; 9/ Manwan/ Mạn Loan: hoàn tất 1993; 10/ Daichaosan/ Đại Chiếu Sơn: hoàn tất; 11/ Nuozhado; 12/ Jinghong / Cảnh Hồng: hoàn tất; 13/ Gunlanba; 14/ Mengsong.  [Sơ Đồ 1] 

ĐÂU LÀ TIÊU CHUẨN AN TOÀN CỦA CHUỖI ĐẬP VÂN NAM?
– 14 con đập và dự án đập Vân Nam nằm trong lưu vực trên sông Mekong được coi là vùng động đất.
–  Theo tiêu chuẩn của tiến sĩ T. Vladut thì động đất có nhiều khả năng xảy ra nơi các con “đập cao hơn 100m” hoặc “hồ chứa có dung lượng lớn hơn 1 x 109 m3“: ít nhất 6 trong 14 con đập Vân Nam có chiều cao hoặc dung lượng hồ chứa lớn hơn giới hạn an toàn của Vladut. [1]
– Liệu đã có những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh nào của Trung Quốc về tình trạng địa chất dọc theo con sông Lan Thương chiếm hơn nửa chiều dài sông Mekong, là nơi đang mọc lên một chuỗi 14 con đập khổng lồ Vân Nam?
Có rất nhiều lý do để tin là không, bởi vì “mỗi con đập có những đặc tính địa chất duy nhất của nó, mà để hiểu biết cho tới nơi những đặc tính ấy thì tốn rất nhiều thời gian và tổn phí lên tới nhiều triệu USD cho những cuộc khảo sát ấy – McCulley, P.”[2] trong khi Trung Quốc không chỉ thiếu tiền mà còn vội vã đạt chỉ tiêu kế hoạch khai thác thủy điện chiến lược của họ.
Hoặc giả nếu có cái gọi là công trình nghiên cứu địa chất trên giấy tờ thì chúng ta cũng có thể biết trước rằng có “những dữ kiện địa chất dù biết trước là bất lợi cũng sẽ bị làm ngơ hay bỏ qua”.

TÊN ĐẬP/ Công Suất         CHIỀU CAO/ Mét      DUNG LƯỢNG HỒ/ MCM*

(1) Gongguoqiao                130 m                                    510                                            750  MW

(2) Xiaowan                   292 m                               15,130                                   4,200  MW

(3) Manwan                     132 m                                    920                               1,500    MW

(4) Dachaosan                   118 m                                    890                                1,350  MW

(5) Nuozhadu                  260 m                               22,740                                5,500  MW

(6) Jinghong                    107 m                                 1,230                                1,350  MW

 

*MCM: Million Cubic Metre

[Tài Liệu của Wang Shui, Giám Đốc Kế Hoạch Lan Thương Giang Vân Nam] [5]                 

Theo một nghiên cứu năm 1990 của Ngân hàng Thế giới/ World Bank thì trong số 49 dự án xây đập thủy điện, có hơn 3/4  số đập gặp phải những “vấn đề về địa chất không tiên liệu được – unexpected geological problems”. Và cuộc khảo sát ấy đã đưa tới kết luận khá bi quan rằng đối với các con đập thủy điện “nếu không gặp các vấn đề trở ngại về địa chất thì phải được coi đó như một ngoại lệ chứ không phải là sự kiện bình thường”. [2]
Trước những khiếm khuyết và bất trắc ấy, liệu trên đồ án mỗi con đập Vân Nam Trung Quốc có bao gồm “thiết kế mạng lưới các trạm theo dõi động đất” [network of seismological stations] để liên tục ghi nhận các dao động địa chấn trong suốt quá trình xây đập hay ít ra cũng phải được thiết kế đưa vào hoạt động trước khi bắt đầu lấy nước vào trong mỗi hồ chứa hay không?   
An toàn của các con đập với chính cư dân của họ và hàng trăm triệu cư dân của các quốc gia hạ nguồn, liệu có bao giờ  là mối ưu tư của các Công trình sư Trung Quốc khi hình thành dự án chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam?
Không hoàn toàn là hư cấu khi nghĩ tới tình huống trận động đất do các hồ chứa khổng lồ Vân Nam trong lưu vực trên sông Mekong, với sức tàn phá khủng khiếp của cơn hồng thủy. Vỡ đập sẽ cuốn đi bao nhiêu thành phố và bao nhiêu vạn sinh linh của Vân Nam và các quốc gia vùng hạ lưu?
Sắp qua đi thập niên đầu của của thế kỷ 21, chuỗi 14 con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam sẽ là “lưỡi gươm Damoclès” buộc trên sợi chỉ mành thường trực treo trên đầu trên cổ cư dân của năm quốc gia hạ nguồn là Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Dù con đường còn lắm chông gai, nhưng việc phấn đấu để tiến tới một “Ủy hội sông Mekong mở rộng” bao gồm cả Trung Quốc và Myanmar là bước tiên quyết để có một cơ quan điều hợp hữu hiệu cho toàn vùng trong kế hoạch vĩ mô “Phát triển bền vững” nguồn tài nguyên phong phú của sông Mekong.

TỪ CON ĐẬP ASWAN TỚI ĐẬP TIỂU LOAN
Với chấn động thì hơn 160 tỉ m3 nước từ con đập Aswan, bất chợt bung qua khúc vỡ của hồ chứa cao hơn 100m. Trong khoảnh khắc lượng nước khổng lồ trong hồ chứa dài 500 cây số đã đồng loạt trút xuống. Thị trấn đầu tiên cách đó chưa đầy ba dặm bị ngay sức đập khủng khiếp như sức tàn phá của một ngọn sóng thần. Thế rồi bức tường thành nước cao hơn 30m ấy cứ lừng lững đi tới dìm ngập phố xá ngập cả những tòa nhà cao mười tầng, băng qua và cuốn đi các vùng dân cư. Ngày thứ sáu con nước cuồng nộ ấy tới được thủ đô Le Caire bên đông ngạn con sông Nile, vẫn với nguyên sức mạnh của 15m nước cao… Đó là scenario từ cuốn tiểu thuyết Aswan của nhà văn Đức Michael Heim, không phải chỉ là hư cấu mà dựa trên những khảo sát cơ học vững chắc. Mô  tả chi tiết về khả năng một thảm họa vỡ đập Aswan bị cấm phổ biến vì giới quân sự Ai Cập lo sợ đó như gợi ý cho một âm mưu khủng bố; Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Ai Cập đã mô tả thảm họa ấy “Giống như trận Hồng thủy kéo dài suốt 40 ngày đêm đã được ghi lại trong Kinh thánh”… 
Gần gũi với chúng ta hơn là bài học Trung Quốc, với một thảm họa có thật tại Hà Nam năm 1975. Nơi có hai con đập Bản Kiều/ Banquiao và Thạch Mãn Đàm/ Shimantan trên sông Hoài/ sông Huai, một phụ lưu của sông Dương Tử. Đập Bản Kiều do Liên Xô xây dựng, được coi như một con đập sắt thép kiên cố có khả năng đứng vững với trận lụt ngàn năm. Nhưng chỉ với cơn mưa lũ lớn suốt hai ngày, mực nước trong đập đã ngập tới mức tối đa cho dù các ống thoát được mở ra nhưng lại bị nghẽn bởi các chất lắng và hậu quả là đập Bản Kiều bị vỡ với 5 triệu m3 nước từ hồ chứa đổ ập xuống các thung lũng cuốn phăng đi các làng mạc và thị trấn phía dưới, con đập sắt thép thứ hai cũng bị vỡ ngay sau đó… Tổng cộng có 62 đập bị vỡ trong trận bão lụt năm đó làm thiệt mạng 230 ngàn người.
Không có gì bảo đảm rằng một thảm họa vỡ đập do động đất sẽ không thể xảy ra trên khúc thượng nguồn sông Mekong, khi mà ai cũng biết Vân Nam là vùng nhiều động đất. Nếu sông Mekong là mạch sống của hàng trăm triệu cư dân, nước sông Mekong là máu của đất, thì mỗi con đập Vân Nam là một “gót chân Achilles” cho toàn vùng, và mối thảm họa do chính con người gây ra sẽ lớn hơn gấp bội so với tai ương từ thiên nhiên…
————
* BS. California, Mỹ
Tham Khảo:
1/ Hiroshi Hori. The Mekong: Environment and Development. United Nations University Press, Tokyo 2000.
2/ Patrick McCully. Silenced Rivers: The Ecology and Politics of Large Dams. Zed Books, Ltd. London 1996.
3/ Shawn W. Crispin, Margot Cohen, Bertil Lintner. The mekong Choke Point. Far Eastern Economic Review, Oct 12, 2000.
4/ E.C Chapman, He Daming. Downstream Implications of China’s Dams on the Lancang Jiang and their Potential Significance for Greater Regional Cooperation, Basin-Wide. Workshop Proceedings, Melbourne Oct 12, 1996.
5/ Wang Shui. The Lancang Jiang basin: Steps Towards the Realisation of Sustainable Development. Worshop Proceedings, Melbourne Oct 12, 1996.
6/ Chinese environmentalists and scholars appeal for dam safety assessments in geologically unstable south-west China. Diyi Caijing Bao,  June 12, 2008. [Probe International]

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)