Những hiểu nhầm về ung thư: Từ ‘hóa chất’ trong thực phẩm đến wifi

Có những điều chỉ là cường điệu về nguy cơ dẫn tới ung thư trong cuộc sống – nhưng lại ngày càng trở nên phổ biến. Đâu là sự thật và sự hư cấu?

Điện thoại di động và wifi

Ở Mỹ, hầu như không ai sử dụng điện thoại di động vào năm 1992. Đến năm 2008, việc sử dụng điện thoại di động đã lan rộng, nhưng số người bị u não hầu như không thay đổi. Nghiên cứu Interphone của Tổ chức Y tế Thế giới, khảo sát hàng ngàn người trên khắp 13 quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2006, cũng nhận thấy rằng điện thoại di động không làm tăng nguy cơ bị u não.

Về cơ bản, ung thư là do DNA của chúng ta bị hỏng mà vẫn nhưng quá trình phân chia và tái tạo tế bào lại vẫn diễn ra giống như cơ thể vẫn đang khỏe mạnh bình thường. Bức xạ ion hóa, chẳng hạn như trong tia X hoặc xạ trị, mang một lượng năng lượng khổng lồ, còn điện thoại di động chỉ mang một lượng năng lượng nhỏ. Phá vỡ hoặc gây tác động lên DNA đòi hỏi rất nhiều năng lượng, vượt xa khả năng của điện thoại di động. Wifi còn truyền năng lượng ít hơn so với điện thoại di động.

 “Nhìn chung, bằng chứng hiện tại về mối quan hệ nhân quả giữa bức xạ RF (tần số vô tuyến) từ điện thoại di động và ung thư được tìm thấy là rất yếu hay không tồn tại”. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế liệt kê điện thoại di động vào nhóm “có thể  gây ung thư”, nhưng phân loại này chỉ có nghĩa là có thể có một liên kết giả định không thể loại trừ, hơn là khả năng gây ung thư thực sự.

Thực phẩm hữu cơ

Có một niềm tin phổ biến, được tuyên truyền bởi nhiều blogger không có chuyên môn, rằng thực phẩm hữu cơ có đặc tính “chống ung thư”. Tuy nhiên, Michelle McCully, người đứng đầu nhóm Giải thích nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới, một trong những cơ quan hàng đầu thế giới về chế độ ăn uống và ung thư, nói: “Hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng nào để ủng hộ ý tưởng các sản phẩm hữu cơ tăng khả năng chống ung thư so với thực phẩm trồng thông thường”.

Hóa chất và ô nhiễm

“Hóa chất” là một từ bị hiểu lầm nhiều – tất cả mọi thứ, kể cả không khí chúng ta hít thở, là một “hóa chất”. Các quy định của EU bảo vệ chúng ta khỏi sự tiếp xúc với các mức hóa chất công nghiệp có thể gây hại cho sức khỏe. Có một phần nhỏ nguy cơ ung thư phổi liên quan đến ô nhiễm không khí, nhưng xem xét toàn diện trong bối cảnh sinh sống của mỗi cá nhân thì thấy rằng nguy cơ [dẫn tới ung thư phổi] này cho mỗi cá nhân là rất nhỏ.

Katie Edmunds từ Cơ quan nghiên cứu ung thư Anh nói: “Trong thời đại của tin giả, có rất nhiều ‘lời đồn đại’ liên quan đến ung thư mà mọi người không cần phải lo lắng, chẳng hạn như sử dụng chai nhựa hoặc chất khử mùi”.

Nguy cơ do béo phì

Thực tế, có một số khía cạnh của lối sống hiện đại của chúng ta cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư nhưng cần lưu ý dựa vào các  khuyến nghị phòng chống ung thư của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới – vốn dựa trên những bằng chứng nghiên cứu chặt chẽ qua nhiều thập kỷ.

Theo Emma Shields, ở Cơ quan Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh, nói: “Béo phì là nguyên nhân gây ung thư lớn thứ hai có thể ngăn chặn được ở Anh. Mỗi năm, khoảng 22.800 trường hợp ung thư là do thừa cân hoặc béo phì. Mặc dù vậy, chỉ có 15% số người nhận thức được mối liên kết này”.

Ít vận động và uống nhiều rượu là những yếu tố nguy cơ khác. Ngoài ra bất cứ ai muốn cải thiện sức khỏe của mình thông qua chế độ ăn uống nên đặc biệt thận trọng về trình độ của người tư vấn cho mình. Chuyên gia dinh dưỡng, những người dành nhiều năm đào tạo y khoa, là những người tốt nhất để tham vấn.

Hoàng Nam lược dịch
Nguồn:
https://www.theguardian.com/science/2018/aug/20/modern-myths-about-cancer-from-chemicals-in-food-to-wifi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)