Những hộ tiểu nông trước “cơn sóng thần” toàn cầu hóa
Một nghiên cứu mới đây vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về những hộ tiểu nông trên toàn thế giới trước sự tác động của toàn cầu hóa. Việc những người nông dân này sẽ bị “cuốn trôi” hay nhận được một “làn sóng” cơ hội mới từ toàn cầu hóa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có thể nắm được những quyền kiểm soát nào.
Nông dân trồng vanilla ở Madagascar. Nguồn: BBC.
Dù trồng đậu nành ở Trung Quốc, trồng vanilla ở Madagascar, acai ở Amazon cho đến trồng cao su ở Myanmar, vị trí của các nông hộ nhỏ trong một thị trường khu vực và toàn cầu mới và có nhịp độ nhanh sẽ không được hiểu một cách đầy đủ nếu chưa được xem xét và đặt vào trong bối cảnh cùng với các đối tác, đối thủ cạnh tranh khác. Do đó, các nhà khoa học ở ĐH bang Michigan (MSU) cùng các nhà khoa học khác trên thế giới đã có một nghiên cứu mới “Understanding How Smallholders Integrated into Pericoupled and Telecoupled Systems” (Tìm hiểu về cách thức các nông hộ hòa nhập vào hệ thống Pericoupling và Telecoupling) trên Sustainability.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét 12 trường hợp nông hộ nhỏ: nông dân ở Kenya phải vật lộn để có thể trồng được nhiều ngô hơn trong điều kiện thiếu nước, nông dân trồng đậu nành ở Trung Quốc thì lại lệ thuộc vào các thị trường khổng lồ do Brazil và Mỹ thống trị, người trồng vanilla ở Madagascar phải chịu tác động mạnh bởi sự không ổn định của giá cả, còn những người trồng quả acai berry ở Brazil lại tìm cơ hội để bán các loại cây trồng mới phổ biến của mình ra các thành phố lớn.
Các nông hộ đều bị coi là thụ động trước những áp lực từ bên ngoài – bị cuốn theo làn sóng khốc liệt của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Yue Dou, một cựu cộng tác viên nghiên cứu CSIS hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Môi trường ở Amsterdam, lại cho rằng dòng chảy này đã khắc họa một bức tranh nhiều sắc thái hơn thế. “Toàn cầu hóa không phải là cách duy nhất mà các nông hộ này có thể hội nhập với thế giới”, Dou nói. “Ngoài gửi và nhận các mặt hàng nông sản, những người sản xuất nhỏ cũng tham gia vào các hoạt động khác, ví dụ như di cư lao động hay trao đổi công nghệ. Trong số những sự liên kết đa dạng đó, có một số thì kết nối với các thị trường ở xa, trong khi một số lại kết nối với các thị trấn và ngôi làng lân cận, và cả hai trường hợp này đều tồn tại đồng thời. Khung telecoupling cho phép chúng tôi tìm hiểu được các cách thức khác nhau mà những người nông dân này giao lưu với thế giới, từ đó làm sáng tỏ khả năng của họ cũng như những hướng đi tiềm năng giúp cải thiện môi trường và kinh tế trong hệ thống”.
Bài báo đã nghiên cứu cách mà một số người trồng acai benycó được cuộc sống mới với những cơ hội việc làm và giáo dục tốt đẹp hơn ở ngôi nhà thứ hai gần các thành phố, nhờ vào việc sử dụng loại cây trồng tên acai mới được ưa chuộng này. Những người nông dân Kenya cũng nhận thấy nhiều lợi ích trong mối quan hệ hợp tác mới với người Trung Quốc – những người đã chia sẻ hệ thống che phủ bảo vệ cây mới trồng, giúp người nông dân Kenya tiết kiệm được nguồn nước quý giá đồng thời nâng cao năng suất ngô.
Bên cạnh đó, một số người khác thì lại rất vất vả để có thể nắm được quyền tự chủ. Những người nông dân trồng đậu ở miền Bắc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc gần như không thể kiểm soát được giá đậu tương nành toàn cầu và bị ép buộc phải quyết định trồng các loại cây không theo ý muốn. Những quyết định này có thể sẽ đem lại nhiều hậu quả cho môi trường vì các giống phải trồng là các loại cây cần nhiều phân bón.
“Từ nghiên cứu tổng hợp 12 trường hợp này, các tác giả đã nhận ra rằng nếu như những người nông dân chủ yếu giao lưu và kết nối với các vùng lân cận thay vì các vùng xa xôi thì họ có thể có nhiều lựa chọn sinh kế hơn và đạt được những kết quả tổng thể tốt hơn cả vể mặt kinh tế, môi trường và phúc lợi xã hội”, Dou nhận định. “Còn khi các nông hộ nhỏ này tham gia vào các hệ thống ở xa thì điều quan trọng nhất là họ được trao quyền tiếp cận với nhiều cơ hội sinh kế hơn. Và đôi khi điều này có thể được cải thiện bằng cách tạo ra những kết nối với những hệ thống lân cận”. □
Mỹ Hạnh lược dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-02-small-farmers-globalization-tsunami.html