Những kim loại mang quốc tịch Thụy Điển.

Bengt Qvist, Carl Wilhelm Scheele, Peter Jacob Hjelm và câu chuyện về kim loại Molybdenum. Từ thời kỳ La Mã, Molybdena là tên gọi chung cho tất cả các khoáng vật màu xám đen, có thể dùng như chì để viết, vẽ trên giấy. Molybdena được tách ra từ một loại quặng mà theo tiếng HyLạp có tên là "quặng chì". Cái tên này cũng được sử dụng để chỉ graphite.

Vào giữa thế kỷ 18, nhà hóa học trẻ Thụy Điển tên là Bengt Qvist sau khi khảo sát một mẫu quặng molybdena đặc biệt đã phát hiện ra rằng, thành phần của loại quặng này không đơn giản như người ta vẫn tưởng. “Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng đây là quặng chì”, Qvist quả quyết, “Nó cũng không phải là graphite. Tôi cho rằng quặng này còn chứa một kim loại chưa từng được biết tới”.
Nhưng Qvist vì không có đủ phương tiện để tách ra kim loại bí mật đó nên đã phải nhờ đến nhà dược học nổi tiếng Carl Wilhelm Scheele. “Quặng molybdena này chắc chắn là chứa một kim loại chưa biết”, Scheele khẳng định, “Tôi đã phân lập được oxide của nó, nhưng không có thiết bị để tách kim loại này ra”. Vì vậy, Scheele lại gửi mẫu oxide của ông tới Viện Nghiên cứu Khoáng vật Bergskollegium ở Stockholm và nhờ người bạn Peter Jakob Hjelm tách ra kim loại này bằng lò luyện kim. Hjelm đã trộn oxide này với dầu lanh rồi cho nó vào lò luyện. Và vào năm 1781, Hjelm đã hãnh diện tuyên bố rằng ông đã tìm ra một kim loại mới có tên là Molybdenum.
Ngày nay, molybdenum được sử dụng trong các hợp kim làm tua vít, cờ lê, các công cụ và thiết bị cơ học.
Ytterby – ngôi làng của 4 nguyên tố hóa học.

 

Câu chuyện về những nguyên tố đất hiếm này đã được bắt đầu từ cuối thế kỷ 18.
Một sỹ quan pháo binh đồng thời là một nhà khoáng vật học có tên là Carl Axel khi khảo sát quặng pegmatite ở Ytterby đã phát hiện ra một loại khoáng vật nặng màu đen nằm trong các tinh thể thạch anh, đây là một thứ rất lạ mà ông chưa từng được nhìn thấy. Năm 1794, ông gửi một số mẫu khoáng vật này cho nhà hóa học Johan Gadolin ở đại học Uppsala. Gadolin đã phân tích và phát hiện ra một nguyên tố mới, ông đặt tên nó là Yttrium. Khoáng vật mà Gadolin phân tích được gọi là Gadolinit. Về sau, người ta còn phát hiện ra trong khoáng vật này 3 nguyên tố đất hiếm khác. Ngày nay, có ít nhất 4 nguyên tố trong bảng Tuần hoàn được lấy tên theo ngôi làng Ytterby của Thụy Điển: Yttrium, Ytterbium, Erbium và Terbium.

Nickel – thần giữ mỏ.
Nếu bạn đến Los, một khu mỏ cũ ở vùng rừng tối miền bắc Thụy Điển, bạn sẽ được chiêm ngưỡng  một tượng đài hình chiếc ghế bành rất ấn tượng được dựng lên từ một khối đá granite khổng lồ, trên đó đứng sừng sững một cột kim loại cao 10m, lấp lánh màu ánh bạc. Cái cột này  được làm bằng Nickel, một kim loại mà sự ra đời của nó gắn liền với hình ảnh ông già tuyết Sankt Nikolaus. Ở Thụy Điển, người ta còn gọi các ông già tuyết là “tomte”, các “tomte” ở mỏ được coi là “thần giữ mỏ”. Vào thời Trung Cổ, những người khai mỏ Đức đã thấy rằng, có một số loại quặng đồng màu vàng đỏ mà không tài nào nấu chảy được. Người ta đổ lỗi cho “thần giữ mỏ” đã ăn cắp “linh hồn” của quặng. Thứ quặng “vô dụng” này được gọi là “kupfernickel”, có nghĩa là ông già lùn. Khi quặng kupfernickel được tìm thấy trong mỏ Cobalt ở Los, nhà hóa học Thụy Điển Axel Fredrik Cronstedt đã sớm phát hiện ra trong quặng này một kim loại mới. Ông gọi nó là Nickel, lấy theo tên của thần giữ mỏ. Tượng đài Nickel được dựng nên năm 1871 để kỷ niệm phát minh này.
Nữ thần Bắc Âu và câu chuyện về Vanadium.

 

Truyền thuyết kể rằng, đỉnh núi Smaland Taberg miền Nam Thụy Điển là nơi ở của Nữ thần Bắc Âu Vanadis. Vào một ngày đẹp trời năm 1830, một nhà hóa học Đức tên là Friedrich WÔhler đã leo lên tận đỉnh núi và gõ cửa lâu đài của Vanadis. Nhưng vì nhút nhát nên WÔhler đã gõ cửa quá nhẹ và chẳng ai nghe thấy ông cả. WÔhler đành nhún vai thở dài rồi quay trở về Đức.
Ít lâu sau, một người khác cũng trèo lên đỉnh núi, người này gõ cửa mạnh hơn và nhất quyết muốn vào bên trong lâu đài. Cánh cửa mở ra, người đàn ông bước vào. Khi đứng trước Nữ thần, ông cao giọng: “Ta là Nils Gabriel SefstrÔm, nhà hóa học, khoáng vật học đến từ Falun. Ta đã phân tích quặng sắt trên ngọn núi này và đã tìm ra kim loại bí mật của nàng, ta đặt tên nó là Vanadin!”.
Như vậy, người tìm ra kim loại vanadium (tiếng Thụy Điển gọi là vanadin) chính là SefstrÔm chứ không phải WÔhler. Và như người ta vẫn nói, những cậu bé hay e thẹn sẽ chẳng bao giờ hôn được những thiếu nữ xinh đẹp, và ít nhất điều đó cũng đúng đối với trường hợp của WÔhler và Nữ thần Vanadis.
 
Tungsten và Wolfram của Scheele –  Nam tước Münchhausen của Raspe 

 

“Tôi đã tìm thấy ở Cornwall mẫu quặng tungsten (tungsten có nghĩa là hòn đá nặng) và cả wolfram (wolfram có nghĩa là nước bọt của chó sói) của Scheele, các thí nghiệm của tôi đã chỉ ra rằng, cả  hai thứ quặng này đều chứa cùng một kim loại mới”. Người đang trình bày tên là Rudolf Erich Raspe, một nhà văn đồng thời là nhà khoa học. “Có một chút hiểu lầm ở đây. Số là khi tôi làm chức quản lý ở bảo tàng Kassel, người ta đã buộc tôi cái tội tham ô và ăn trộm. Thế là tôi bị bắt. Tôi đã cố gắng thoát khỏi nhà tù và bắt đầu sống phiêu bạt, đầu tiên ở Hà Lan, sau đó là ở Anh. Ở Anh, tôi đang làm tư vấn về công nghiệp khai thác mỏ, nghiên cứu và viết truyện khoa học. Tôi cũng là thành viên của Hội Hoàng gia”.
Đột nhiên, một toán cảnh sát ập vào hội trường. Họ hét lên: “Bắt lấy ông ta, một tên lừa đảo, kẻ đã gây ra các vụ lừa ở các vùng mỏ Scotland. Ông ta đã bị đuổi khỏi Hội Hoàng gia từ lâu rồi”. Nhưng lần này, Raspe lại thoát. Phải chăng ông đã cưỡi lên quả đạn đại bác được bắn sang Ireland? Dù sao đi nữa thì đó cũng là nơi mà Raspe đã hạ cánh. Năm 1794, Raspe qua đời, ông được chôn cất ở một nghĩa trang nhỏ gần Kilarney. Ngày nay, ông được nhớ đến không phải như một nhà khoa học, cũng không phải như một tên trộm, mà như một tác giả của truyện kể nổi tiếng “Những cuộc phiêu lưu của nam tước Münchhausen”.                

Trung Dũng 
Nguồn tin: sưu tầm và biên dịch

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)