Những loại thuốc nào có khả năng chữa trị Ebola?
Ủy ban Y đức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12/8 tuyên bố việc sử dụng các loại thuốc hoặc vắc xin mang tính chất thử nghiệm và chưa được cấp phép, là điều phù hợp– trong một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, nảy sinh một vấn đề lớn: các phương pháp điều trị và lượng vắc xin thử nghiệm hiện có đều không đủ để đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn người đang chờ đợi được điều trị.
Một số nhà nghiên cứu từng đề xuất thử nghiệm những loại thuốc như vậy, ý tưởng đó là thử dùng statins và những loại thuốc giá rẻ được sử dụng phổ biến – đang gây nhiều bàn luận sôi nổi, sau khi dự thảo một bài báo bàn việc triển khai một kế hoạch như vậy được gửi tới tờ New York Times và được chuyển đến hơn 80 nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, theo lời Thomas Geisbert, một nhà nghiên cứu về Ebola thuộc Khoa Y của Đại học Texas đặt tại Galveston.
Geisbert không giấu giếm thái độ đối lập hoàn toàn với ý tưởng này, bởi vì ông cho rằng không có đủ bằng chứng để chứng tỏ rằng các loại thuốc đó đủ hiệu quả. “Tôi hết sức quan ngại điều này”.
Nhưng David Fedson, một nhà quản lý dược hưu trí hiện đang sống ở Pháp, và Steven Opal của Đại học Brown, hai đồng tác giả bài báo, lại cho rằng có đủ lý do để tin tưởng rằng statins và một số loại thuốc khác có chứa nhiều chất gây ức chế ACE và angiotensin gây tắc nghẽn thụ thể có thể cứu sống được nhiều người và cần được đưa vào dùng thử. Fedson nói rằng khoảng 30 nhà khoa học, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng, đã đồng ý ký tên vào bài báo nói trên.
Theo quan điểm của Fedson, vấn đề chính của Ebola không phải là về vấn đề lây nhiễm virus, mà là làm mất đi phản ứng miễn dịch, vốn cũng xảy ra trong trường hợp nhiễm khuẩn như nhiễm trùng máu. Statins và các loại thuốc khác có thể làm giảm phản ứng miễn dịch đó; một thử nghiệm vào năm 2012 trên các ca bệnh nhân bị nhiễm trùng máu đã chứng tỏ rằng atorvastatin làm giảm nguy cơ biến chứng thành căn bệnh nhiễm trùng máu tới 83%. Ông cho biết, ông đã viết thư gửi trợ lý Tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny về ý tưởng này; bà đã hồi đáp lại bằng một bức thư chi tiết thể hiện thái độ thận trọng. Bài báo của Fedson chính là một nỗ lực để tiếp tục đưa vấn đề ra trao đổi giữa cộng đồng khoa học quốc tế.
Nhưng Geisbert lại nghĩ rằng đây là một ý tưởng điên rồ. Các nhà nghiên cứu cần phải cho thấy rằng bất kỳ phương pháp điều trị nào được mang tới châu Phi ít nhất phải ngăn chặn được tử vong ở khỉ, ông nói – trong khi các loại thuốc mà Fedson và Opal đang quảng bá vẫn chưa từng được thử nghiệm điều trị Ebola ở khỉ. “Tôi hiểu rằng mọi người đều có ý tốt và chúng ta chỉ muốn làm được điều gì đó”, Geisbert chia sẻ. “Nhưng tôi đã từng thấy nhiều phương thuốc thoạt trông đầy hứa hẹn nhưng không qua được vòng thử nghiệm với loài gặm nhấm, hoặc phù hợp với loài gặm nhấm nhưng lại không qua được vòng thử nghiệm với khỉ… Chúng ta không nên chộp lấy bất kỳ thứ gì mình có”…
Những hợp chất làm thay đổi phản ứng miễn dịch có thể khiến cho việc lây nhiễm Ebola trở nên tồi tệ hơn, Geisbert cảnh báo. Và nếu như các loại thuốc được sử dụng ngày nay ở châu Phi chứng tỏ không hiệu quả thì có thể sẽ gây trở ngại cho viễn cảnh về thuốc đặc trị Ebola nói chung, Stephan Becker, một nhà khoa học về Ebola ở Đại học Marburg, Đức cho biết. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu Ebola hàng đầu khác tại Marburg, Hans-Dieter Klenk thì lại cho biết đã ký vào bức thư nói trên.
Fedson cho rằng nhiều nhà khoa học nghiên cứu filovirus như Ebola vẫn chưa nắm bắt được ý tưởng về điều trị phản ứng miễn dịch. “Mọi thứ họ nghĩ vẫn là loại trừ virus”, ông nói (Fedson đã từng vận động hành lang trong nhiều năm liền để đưa statins và các tác nhân điều hòa miễn dịch khác được chấp thuận như một cách điều trị dịch cúm).
Những nhà khoa học khác đang cố gắng kêu gọi sự chú ý vào những loại thuốc được cho là công hiệu. Eleanor Fish, nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto, Canada, đang hy vọng thuyết phục được WHO và Tổ chức Bác sỹ không biên giới về những lợi ích của việc sử dụng Infergen, một loại interferon α tổng hợp mà bà đã nghiên cứu và được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh viêm gan C và các loại bệnh khác. Pharmunion BSV Development, công ty dược Ukraine sản xuất ra loại thuốc này, đã đề xuất chuyên chở 60.000 lọ tới châu Phi phát miễn phí, bà cho biết.
Fish từ lâu đã nghiên cứu những đặc tính kháng virus của interferon α và trong năm 2003, bà đã sử dụng trên bệnh nhân bị lây nhiễm loại virus khác, SARS; bài báo của bà trên The Journal of the American Medical Association công bố rằng những đặc tính kháng virus có vẻ như đã phát huy tác dụng với bệnh nhân. Trong một e-mail gửi các nhà quản lý của Tổ chức Bác sỹ không biên giới và WHO ngày 11-8, Fish trích dẫn hai bài báo của các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Y tế công cộng của Canada, đề xuất có thể giúp khỉ sống sót sau khi bị nhiễm một liều Ebola đủ mạnh để gây tử vong.
Nhưng trong những nghiên cứu đó, interferon – do một adenovirus cung cấp – được sử dụng kết hợp với một hỗn hợp các kháng thể đơn dòng. Geisbert cho biết hiệu lực của hỗn hợp đó có thể xuất phát từ các kháng thể; những nghiên cứu trước đây mà ông và những người khác đã tiến hành cho thấy bản thân interferon không gây ảnh hưởng gì tới Ebola. Fish cũng đồng ý rằng không hề có bằng chứng đã được công bố nào chứng tỏ rằng interferon khi được sử dụng riêng biệt có thể cứu chữa khỉ.
Daniel Getts, chuyên viên nghiên cứu chính của Cour Pharma ở Chicago, Illinois, cho biết ông đã viết thư tới WHO đề xuất sử dụng Hạt nano biến đổi miễn dịch (Immune Modifying Nanoparticles), được sản xuất để làm giảm bớt tổn thương mô bằng liên kết những tế bào miễn dịch gọi là bạch cầu đơn nhân. Tổ chức WHO đã bác bỏ ý tưởng này; “họ chỉ quan tâm đến những phương pháp đã có dữ liệu điều trị với loài linh trưởng”, ông nhận xét.
Một vài nhà nghiên cứu khác lại nhìn thấy tiềm năng từ hai bộ điều biến thụ thể estrogen chọn lọc được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ FDA chấp thuận -một trong số đó được dùng để điều trị bệnh ung thư vú – đã cho thấy khả năng hạn chế sự lây nhiễm Ebola trên chuột thí nghiệm trong một bài báo do tạp chí Science Translational Medicine xuất bản năm 2013.
Fish cho biết bà nhận thức được rằng mình không đơn độc trong việc cố gắng giành sự quan tâm từ WHO. “Tôi mường tượng ra cảnh khắp nơi người ta đề xuất đủ các ý tưởng điều trị thượng vàng hạ cám và ai biết được điều gì sẽ xảy ra”, bà lo lắng. Trên thực tế, chưa rõ liệu WHO có đủ thời gian và nhân lực để xem xét tất cả những ý tưởng đó hay không; trong cuộc họp báo vào ngày 8-8 vừa qua, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan thông báo rằng tổ chức của bà đang “vô cùng quá tải”, cũng như tình trạng xảy ra với Tổ chức Bác sỹ không biên giới.
T.N lược dịch
theo bài của Martin Enserink trên Science
http://news.sciencemag.org/africa/2014/08/other-ebola-debate-what-about-existing-drugs?rss=1