Những lúng túng của chính quyền thuộc địa.
Trong lịch sử Việt Nam, người Pháp và những chính sách cai trị thuộc địa của họ liệu có phải là một khối thống nhất? Hay là trong đó có những chia rẽ và dao động, những cái mà, nói theo từ của Engels, là một thứ "công cụ không tự giác của lịch sử" khiến cho những phong trào yêu nước Việt Nam có cơ hội phát triển. Bài nghiên cứu của Gilles de Gantes cho ta thấy tác động của đường lối Cộng hòa ở Pháp đến sự ra đời và tồn tại của cao trào Duy tân. Giúp chúng ta có được một đánh giá khách quan hơn về những nhân vật lịch sử trong mối quan hệ với người Pháp.
Phái Cộng hòa và vấn đề thuộc địa Đông Dương
Trong những năm 1880, Pháp chiếm được thêm nhiều thuộc địa, và đồng thời phái Cộng hòa lên nắm quyền. Người Pháp bắt đầu phải đối diện với việc phải cai trị thuộc địa đồng thời họ cũng đặt lại vấn đề về mô hình cơ bản của việc cai trị thuộc địa. Paul Bert và Jean-Marie de Lanessan là hai toàn quyền thuộc phái Cộng hòa đầu tiên phải xử lý vấn đề lý thuyết nan giải này.
Trong trường hợp Việt Nam, chính quyền thuộc địa phải đối mặt với một truyền thống dân tộc lâu đời có văn tự, có lịch sử và có hệ thống nhà nước tổ chức cao, cũng như tinh thần kháng chiến quyết liệt. De Lanessan không rời bỏ ý tưởng cho rằng mọi cá nhân có thể đạt tới Ánh Sáng, nhưng ông ta đã hình thành một lý thuyết cho rằng họ cần phải được đưa đến đó bằng con đường hòa bình, có nghĩa là trong thời gian đầu phải tôn trọng văn hóa của người bản xứ. Trên thực tế, De Lanessan đã áp dụng chính sách gọi là “Bảo hộ” tôn trọng các quyền lợi của triều đình Huế, cũng như quan lại và Nho sĩ. Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng ông ta không hề nghĩ đến chuyện xóa bỏ thuộc địa (hoặc điều đó là chuyện của tương lai rất xa) và chủ yếu là tìm cách tranh thủ sự hợp tác của một số thành phần cao trong xã hội để đối phó với Cần Vương. Như Pouvourville viết nhiều năm sau đó, “tất cả chúng tôi đều biết rõ rằng xứ Đông Dương chỉ có thể được cai trị với sự thoả thuận, chịu đựng nhiều hay ít, của người bản xứ”.
Tư tưởng này thường được phe ủng hộ gắn liền với sự cần thiết phải phát triển thuộc địa và Đông Dương. Maurice Viollette, một trong những dân biểu có thái độ cấp tiến nhất về vấn đề thuộc địa, cho rằng “ở các thuộc địa, sự quan tâm đến số phận của dân bản xứ có tầm quan trọng trung tâm, để phục vụ cho lợi ích của người Pháp. Thật vậy, để đồng bào chúng ta có thể đem tư bản và công nghệ sang đầu tư một cách có hiệu quả ở xứ thuộc địa, phải chăng họ cần phải có được sức lao động đầy đủ và có sức khoẻ tốt, những trí óc nhanh nhậy có khả năng thích ứng với những đòi hỏi của nông và công nghiệp hiện đại”.
Paul Beau, toàn quyền Đông Dương từ 1902, là người được giao áp dụng chính sách “hợp tác” vào năm 1905.
Sinh năm 1857, Paul Beau, được đào tạo về ngoại giao, là thành viên Hội Tam điểm và thuộc về phái thế tục và chống Giáo hội, thân với các lãnh tụ đảng Cộng hòa như Leon Bourgeois, Emile Combes, Leon Blum, Henri Brisson và tướng Andre… Ông chủ trương thành lập nền giáo dục Pháp Việt với mục đích mang ánh sáng học thức đến với người Việt, đồng thời cắt đứt Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng Trung Hoa vì ông cho rằng văn minh Trung Hoa chẳng hơn gì văn minh Pháp. Và cũng chính đó là lý do giải thích cho việc khuyến khích phát triển báo chí quốc ngữ: phủ Thống sứ Bắc kỳ đặt mua 1300 tờ của Đại Việt tân báo của Babut, trong khi đó thì số người đặt mua tự do chỉ không quá 200. Paul Beau cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục: nhận thấy số thí sinh tham gia kỳ thi hương năm 1903 rất nhiều, ông kết luận rằng các nhà Nho rất coi trọng vấn đề văn hóa nói chung. Tháng 10.1903, ông thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm thảo một chương trình hành động toàn thể (báo cáo tháng 2.1904). Ủy ban này đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục Pháp- Việt và có nhiều tranh luận căng thẳng giữa các thành viên. Một số cho rằng giáo dục cần phải hoàn toàn theo kiểu Pháp, giống như xu hướng ở Nam Kỳ. Nhưng phần lớn cho rằng cần phải tiếp tục dạy chữ Hán và chỉ bắt đầu dạy tiếng Pháp từ năm thứ 2. Trong lĩnh vực chính trị, Paul Beau đã thành lập những Hội đồng tư vấn (assemblées consultatives) được bầu, chứ không phải được bổ nhiệm như trước. Sắc lệnh ngày 1.5.1907 thành lập các ủy ban tỉnh (người Pháp không có quyền dự) có nhiệm vụ giúp đỡ các quan chức Pháp. Có một sự phân chia giữa người Pháp (cai quản thành thị) và người Việt (phụ trách nông thôn). Sắc lệnh tiếp theo đó ngày 4.5.1907 thành lập Phòng tư vấn (Chambre consultative) bản xứ trong toàn bộ Bắc Kỳ và được chia làm 3: các tỉnh bầu dân biểu (1 dân biểu đại diện cho 35000 người), các thương gia bầu mỗi tỉnh 2 đại biểu, và đại diện các sắc dân thiểu số được bổ nhiệm chứ không được bầu. Lần bầu cử đầu tiên diễn ra vào tháng 11.1907 và kỳ họp đầu tiên được tổ chức trong toà nhà của Tổng hợp Đông Dương.
Như vậy là xu hướng chính trị này cộng hưởng với phong trào Duy tân.
Hậu quả của 1908
Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ và vụ đầu độc quân Pháp ở Hà Nội dường như đặt dấu chấm cho chính sách này. Về mặt chính trị, phái Duy tân mà toàn quyền Beau theo đảng Cộng hòa muốn chọn làm chỗ dựa đã tỏ ra không đáng tin cậy so với phái truyền thống (những quan lại trung thành với triều đình Huế). Anthony Klobukowski người kế tục Paul Beau đã đựơc chọn vì chủ trương dựa vào quan lại để cai trị Đông Dương.
Tuy nhiên, bước ngoặt bảo thủ đã được thực hiện từ trước khi Klobukowski được bổ nhiệm. Các báo cáo của Paul Beau thường bị phê bình ở Bộ thuộc địa, hoặc bởi chính bộ trưởng Millies-Lacroix hoặc bởi giám đốc phụ trách chính trị Robert Vasselle. Có thể lấy làm ví dụ báo cáo ngày 1.2.1907 trong đó Beau nói đến những hội nông hội thương của người Việt như là một hiện tượng có ích, ít nhất là bởi lý do kinh tế. Báo cáo này được nhận xét như sau: báo cáo hời hợt và nhất là các hiệp hội như vậy có mầm mống nguy hiểm và cần phải kiềm chế hoạt động. Dân biểu Albert Metin là người báo cáo kinh phí thuộc địa và nghiên cứu các hồ sơ tại Bộ Thuộc địa đã phát biểu mấy năm sau đó rằng bộ máy hành chính thuộc địa “cần phải tính đến truyền thống và các bộ phận bảo thủ trong triều đình và tránh những cải cách quá đột ngột làm mất lòng phần lớn các quan lại vẫn còn có ảnh hưởng tới giới nho sĩ và trí thức”. Chính trong nội bộ các quan chức ở Đông Dương cũng có những người phản đối. Thống sứ (tạm thời) ở Bắc Kỳ là Joseph de Miribel ngay từ 17.1.1908 đã viết rằng “khi mà tốc độ phát triển trí tuệ của người Annamite được tăng tốc, thì càng cần phải theo dõi sát sao và liên tục những tiến bộ của cải cách giáo dục bản xứ và những tư tưởng trong nội bộ các giáo viên các trường tư hoặc trường công”.
Như vậy Klobukowski sẽ cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của giới quan lại; ông ta cho rằng nếu trong những sự kiện 1908 quan lại người Việt không ủng hộ chính quyền thuộc địa là do quá bị hạ thấp những năm trước đó. Tháng 11.1908 trong chuyến công du các tỉnh Bắc Kỳ, Klobukowski đặt câu hỏi về 3 điểm sau: có cần phải hạn chế các đồn điền của người Âu hay không? hệ thống thuỷ lợi thế nào? tiểu sử của các quan ở các tỉnh? Đồng thời quan niệm về giáo dục của ông ta hoàn toàn khác Paul Beau. J. Simonin, giám đốc trường Paul Bert ở Hà Nội và là người thân cận với Klobukowski, viết năm 1911 rằng “Người ta đã cố tình quên rằng trước khi chúng ta đến đây đã có một nền giáo dục bản xứ trên toàn bộ lãnh thổ ở các cấp tiểu học và trung học có cơ sở một triết lý giáo dục mà chúng ta cần phải tính đến”.
Kết luận
Nếu như Paul Beau đã chấp nhận phong trào Duy tân, thì đó là bởi các nguyên tắc Duy tân phù hợp với thế giới quan của ông ta. Ngược lại, ông ta rõ ràng đã đánh giá thấp khía cạnh dân tộc của phong trào này. Trong khi đó thì có thể nói rằng các nhà Duy tân Việt Nam đã đánh giá quá cao chính sách tự do của Paul Beau. Sự hiểu lầm đó đã đưa tới những sự kiện năm 1908 và chính sách thuộc địa bảo thủ hơn. Vậy điều này đã hoàn toàn chặn đứng các tư tưởng Duy tân ? Theo tôi thì không phải thế: các bản án xử tử và đi đày đã che mất thực tế là báo chí Việt Nam phát triển sau năm 1908 và phần lớn các trường tư thục vẫn tiếp tục hoạt động. Klobukowski là người bảo thủ đứng trên quan điểm người Pháp (ông ta đã hạn chế giáo dục Pháp-Việt là cơ sở của triết lý Cộng hòa) hơn là đứng trên quan điểm Việt Nam.