Những Mặt trời của Koyama Hisako

Bà là người âm thầm phác họa các vết đen Mặt trời (sunspot), để rồi cuối cùng xuất bản một trong các bộ sưu tập quan sát Mặt trời có sức ảnh hưởng nhất trong vòng 400 năm qua.

Koyama Hisako chụp năm 1951, cạnh chiếc kính viễn vọng có đường kính 20cm. Ảnh: Asahi Graph.

Trong Thế chiến Thứ hai, Tokyo thường tổ chức các buổi diễn tập để cư dân chuẩn bị tinh thần trước các trận không kích. Song mỗi khi còi báo vang lên và cả thành phố mất điện, Koyama Hisako trẻ tuổi lại lẻn ra ngoài, tay này cầm tấm nệm, tay kia cầm bản đồ sao. Những đêm tối om như vậy là điều kiện lý tưởng để ngắm sao trời.

Các khoảnh khắc như thế đã khởi đầu cho niềm đam mê suốt cuộc đời của Koyama dành cho bầu trời lấp lánh ánh sao. Về sau, Koyama cống hiến cả sự nghiệp cho việc giám sát các đốm nhơ trên bề mặt ngôi sao của chính loài người. Tại đài quan sát của mình, bà âm thầm phác họa các vết đen Mặt trời (sunspot), để rồi cuối cùng xuất bản một trong các bộ sưu tập quan sát Mặt trời có sức ảnh hưởng nhất trong vòng 400 năm qua. Thiếu công trình này, các nhà thiên văn sẽ vừa không thể vẽ được một bức tranh toàn cảnh về hoạt động của Mặt trời ngày nay, lại vừa không được trang bị đủ để dự đoán các hiện tượng thời tiết vũ trụ có khả năng “hạ nốc ao” Hệ thống Định vị Toàn cầu và ảnh hưởng đến nhiều loại công nghệ khác.

Các quan sát và các bức vẽ vết đen Mặt trời tỉ mỉ của Koyama đã định hình khoa học Mặt Trời và ngành thời tiết vũ trụ hiện đại, theo đánh giá về công trình của Koyama xuất bản trên tập san Space Weather. Với một kho tàng hơn 10.000 quan sát vết đen Mặt trời được vẽ bằng tay, Koyama đã gia nhập hàng ngũ các nhà thiên văn học xuất chúng như Galileo Galilei, Johann Caspar Staudacher và Heinrich Schwabe.

“Koyama là kết hợp của sự thông thường và sự phi thường,” trích lời Delores Knipp, một nhà khoa học về thời tiết vũ trụ tại Đại học Colorado-Boulder và cũng là tác giả đứng tên đầu trong bài đánh giá nêu trên. “Mỗi ngày, bà sinh hoạt và làm thứ mà bà tin là một công việc bình thường, lặp lại từ ngày này sang ngày khác. Koyama không hề có ý định trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Bà chỉ có ý định làm việc thật tốt. Chính cách tư duy như thế đã giúp bà thực hiện điều phi thường”.

Từ nghiệp dư thành chuyên nghiệp

Chào đời ở Tokyo năm 1916, Koyama lớn lên trong một xã hội không khuyến khích phụ nữ trẻ theo đuổi công việc chuyên môn. Koyama tốt nghiệp từ một trường nữ trung học vào thập niên 1930 – điều hiếm gặp ở đại đa phần phụ nữ vào thời điểm đó.

Koyama rất chú tâm đến bầu trời, và cha bà đã nuôi dưỡng niềm đam mê đang trỗi dậy ở con mình ngay từ những năm mới lớn. Người cha đã mua cho bà một chiếc kính viễn vọng khúc xạ, và đến năm 1944, Koyama đã chĩa món quà cha tặng về phía Mặt trời. Để có thể quan sát bề mặt Mặt trời một cách an toàn, bà thường đặt chiếc kính viễn vọng nho nhỏ của mình trước cửa sổ, rồi dùng kính viễn vọng để chiếu ảnh của Mặt trời từ sau thị kính lên một tờ giấy. (Ngày nay, một ý tưởng tương tự cũng được áp dụng để quan sát Mặt trời bằng ống nhòm khi có nhật thực).

Trong vòng một tháng, bà giám sát quả cầu chói lóa theo phương pháp này. Cuối cùng, bà ghi nhận được vết đen Mặt trời đầu tiên của mình với độ chi tiết đáng kinh ngạc.

“Đối với một người phụ nữ ở thời điểm đó, được giáo dục như vậy cũng đáng chú ý rồi,” Knipp giải thích. “Nhưng Koyama còn tự học ngay trong lúc làm, và bà đã vô cùng kiên trì khi từ người nghiệp dư trở thành nhà thiên văn chuyên nghiệp”.

Vết đen Mặt Trời lớn nhất thế kỷ XX, được Koyama vẽ ngày 5/4/1947. Ảnh: Hisako Koyama/National Museum of Nature and Science.

Sau khi hoàn thành bức phác họa đầu tiên ở độ tuổi gần ba mươi, Koyama đã gửi bức này tới Yamamoto Issei, chủ tịch Hội liên hiệp Thiên văn học Đông phương của Nhật Bản. Yamamoto khuyến khích bà tiếp tục quan sát Mặt trời, rồi đến 1945 thì nhận bảo trợ cho bà. Mùa xuân năm 1946, Koyama gia nhập Bảo tàng Khoa học Tokyo (nay là Viện bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Quốc gia) và bắt đầu làm việc lâu dài tại đây.

“Koyama rất bền bỉ, nhất là dù sống trong chế độ do đàn ông thống trị ở Nhật Bản vào thời điểm đó”, Lưu Huệ Tâm (Liu Huixin) cho biết. Lưu là nhà khoa học vũ trụ tại Phòng thí nghiệm Khí tượng học và Vật lý Mặt trời-Trái đất thuộc Đại học Kyushu, cũng là đồng tác giả của bài đánh giá nêu trên. “Bà đã tự tìm đường giữa thế giới lạ lẫm này và chứng tỏ được bản thân. Nhờ đó, bà đã được chấp nhận bởi các đồng nghiệp trong cả giới nghiệp dư lẫn giới chuyên môn”.

Một năm sau đó, Koyama đã vẽ lại vết đen Mặt Trời lớn nhất từng được phát hiện vào thế kỷ XX, khiến bà càng nổi tiếng hơn.

Koyama đã làm nên tên tuổi chính mình thế nào?

Koyama quan sát các chấm đen trên khắp bề mặt Mặt trời một cách đều đặn mỗi ngày. Bà ngồi trong đài quan sát của mình, nhòm qua một cái kính thiên văn phản xạ có đường kính 20cm – công cụ duy nhất trong suốt sự nghiệp của bà – và nhanh chóng hiểu được tại sao các nhà thiên văn lại phụ thuộc vào hiện tượng này ở Mặt trời.

Các vết đen Mặt trời thường xuất hiện nhất thời khi có hoạt động từ tính cao tập trung ở một diện tích trên bề mặt Mặt trời. Nhiệt độ ở các khu vực như vậy thường thấp hơn, và các vết đen phát ra ít ánh sáng hơn phần bề mặt còn lại. Mặt trời hoạt động theo chu kỳ 11 năm, và số lượng các vết đen thường dao động ở cuối chu kỳ. Các nhà khoa học theo dõi các vết đen bởi chúng báo hiệu cho các hoạt động như ngọn lửa Mặt trời (solar flare) – một hiện tượng có thể làm xáo trộn quá trình truyền thông tin bằng vệ tinh quanh Trái đất.

Canh chừng các vết đen Mặt trời là một nỗ lực không ngừng nghỉ, và vẽ lại từng vết đen bằng tay thì cũng rất dễ mệt. Tuy nhiên, trong suốt 40 năm, ngày nào Koyama cũng trở lại làm việc mà không hề chậm trễ.

“Bà tiếp tục quan sát trong cả những ngày hè nóng nực và những ngày đông lạnh giá,” Horaguchi Toshihiro trả lời qua thư điện tử. Horaguchi là giám tuyển có thâm niên, phụ trách thiên văn tại Viện bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Quốc gia. “Trước tiên, bà xác lập phương pháp quan sát, rồi cố gắng duy trì điều đó lâu hết mức có thể”.

Horaguchi đã đọc về Koyama hồi còn đi học, song chưa một lần gặp mặt cho đến khi ông bắt đầu làm việc ở bảo tàng năm 1991. Koyama đã nghỉ hưu từ 1981, song vẫn tiếp tục ghé thăm bảo tàng trên danh nghĩa hội viên suốt mười năm sau đó. Tại đây, bà gặp gỡ và thường xuyên làm cố vấn cho các nhà thiên văn mới vào nghề.

“Bà rất dịu hiền, cứ như là bà ruột của mọi người vậy. Nhưng bà tỉ mỉ lắm: mỗi quan sát có thể rất đơn giản, nhưng tổng hợp lại thì không có gì sánh bằng”, Horaguchi nói.

Với một kho tàng hơn 10,000 quan sát vết đen Mặt trời được vẽ bằng tay, Koyama đã gia nhập hàng ngũ các nhà thiên văn học xuất chúng như Galileo Galilei, Johann Caspar Staudacher và Heinrich Schwabe.

Từ hồi còn làm việc cho đến sau khi đã nghỉ hưu, ngày thường của Koyama luôn bao gồm việc chia sẻ bộ sưu tập các bức vẽ ngày càng nhiều lên, cùng với việc giáo dục về vũ trụ cho khách đến thăm bảo tàng. Bà tổ chức các sự kiện thiên văn học nghiệp dư, giảng dạy vào ngày nghỉ lễ và viết bài trên các tập san thiên văn học để chia sẻ công trình của mình.

“Bà là một cầu nối xuất sắc giữa các nhà thiên văn chuyên nghiệp và nghiệp dư”, Hayakawa Hisashi nhận xét. Hayakawa là một nghiên cứu viên về lịch sử khoa học tại Đại học Osaka, cũng là đồng tác giả của bài đánh giá về Koyama. “Kỹ năng giáo dục của bà rất cao. Nhờ bà ấy có kinh nghiệm của một người nghiệp dư mà các nhà thiên văn nghiệp dư cũng dễ đồng cảm với bà hơn”.

Năm 1985, Koyama gom lại hơn 10,000 bức vẽ của bà trong khoảng từ 1947 đến 1984, rồi xuất bản thành cuốn sách có tên “Quan sát vết đen Mặt trời”. Đến nay, các nhà khoa học Mặt trời đã lưu trữ và dựng lại công trình của bà, cung cấp cho chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về cách mà hoạt động của Mặt trời ảnh hưởng đến Trái đất.

“Bà đã quan sát liên tục gần 50 năm, tạo nên ‘xương sống’ của ngành nghiên cứu vết đen Mặt trời ngày nay,” Hayakawa giải thích. “Koyama biết cách thể hiện các chi tiết mới nhất cho cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, và cuốn sách của bà là một ví dụ tiêu biểu”.

Bảo tàng Khoa học Tokyo, chụp năm 1930. Ảnh: National Diet Library.

Truyền cảm hứng cho những Koyama sau này

Koyama mất năm 1997 và để lại ảnh hưởng lâu dài. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu thiên văn học nghiệp dư và truyền cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của khoa học công dân (citizen science) tại Nhật Bản. Lưu Huệ Tâm nói: “Phụ nữ trẻ ở Nhật Bản đôi khi vẫn cảm thấy mình không thể đi làm chuyên môn được. Koyama khích lệ tinh thần những người phụ nữ muốn đạt điều gì đó hoặc muốn đóng góp cho khoa học, ngay cả khi họ vẫn còn đang tự học hay mới chỉ bắt đầu tự chủ”.

Gần đây, các nhà thiên văn học bắt đầu truyền tay nhau các quan sát vết đen Mặt trời từ những năm 1700 vừa mới được dựng lại. Nhờ đó, câu chuyện của Koyama và bộ sưu tập quan sát của bà cũng được nhiều người biết đến hơn. Delores Knipp mong rằng việc hồi sinh kho tàng dữ liệu và thuật lại chuyện của Koyama sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý dành cho công trình của bà từ phía các nhà thiên văn nghiệp dư và chuyên nghiệp trên khắp thế giới.

“Koyama xứng đáng có một sự công nhận (dù) muộn màng,” Knipp nói. “Câu chuyện của bà vượt xa các giới hạn thông thường. Mọi cô gái trẻ đều có tiềm năng trở thành những Koyama của tương lai và đạt được giấc mơ của mình”.□

Nguyễn Bình dịch

Nguồn: “This Japanese ‘hidden figure’ enlightened the world with her sunspot sketches”, PBS NewsHour. www.pbs.org/newshour/science/japanese-hidden-figure-enlightened-world-sunspot-sketches

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)