Những nhà khoa học nổi bật của năm (Kỳ 2)

Radhika Nagpal: Nhà chế tạo robot Hồi học phổ thông ở Ấn Độ, cô nữ sinh Nagpal không thích môn sinh vật. Chẳng ngờ bây giờ, khi là người lãnh đạo một nhóm nghiên cứu công nghệ cơ khí tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, chị lại thấy cần cảm ơn môn học đó.

Năm nay, nhóm nghiên cứu của chị nhận được sự tán thưởng cao vì đã đạt thành tích lớn trong lĩnh vực robot phỏng sinh học (biology-inspired robotics). Được gợi ý từ hiện tượng tự tổ chức của các bầy đàn sinh vật trong thiên nhiên như ong, kiến v.v…, nhóm của Nagpal đã sáng chế được một bầy đàn gồm 1.024 robot tí hon có cấu tạo rất đơn giản, gọi là “Kilobot”. Mỗi con Kilobot chỉ rộng và cao vài centimeter, chúng di chuyển trên ba cái chân cao và dùng tia hồng ngoại để liên lạc với con robot sát cạnh nó. Nhóm nghiên cứu cho thấy khi đội ngũ Kilobot này cùng làm việc với nhau, chúng có thể tự tổ chức thành những hình sao (star) và các hình ảnh hai chiều khác. Đạt được mức độ hợp tác như vậy trong một bầy đàn nhiều robot là một kỳ công – một nhà robot học ca ngợi.

Nhóm của Nagpal hy vọng, sau rốt việc nghiên cứu môn robot học bầy đàn này sẽ dẫn tới sự hình thành những đội robot biết tự tổ chức hoạt động, chúng có thể nhanh chóng đối phó với các tai họa hoặc hỗ trợ cho việc dọn sạch môi trường. Nhưng trên thực tế, để có được ý tưởng đầu tiên về Kilobot, nhóm của Nagpal đã phải bỏ ra bốn năm. Mới đầu, nhóm vẫn làm các mô phỏng trên máy tính và thí nghiệm nhỏ, về sau Nagpal được một đồng nghiệp thuyết phục nên làm các thí nghiệm lớn, vì những tiến bộ về điện tử học, vật liệu và công nghệ in 3D đã làm cho việc thí nghiệm trở nên dễ hơn, chi phí ít hơn.

Nhóm của Nagpal đã phấn đấu từ chỗ làm 20 con robot tự chủ – số lượng lớn nhất hồi đó – tiến tới làm ra cả một bầy đàn có quy mô lớn hết cỡ gồm 1.024 Kilobot. Hiện nay Nagpal đang cố gắng phát triển những bầy đàn robot lớn hơn có thể tự tập hợp thành những kết cấu ba chiều. Chị sẽ tiếp tục lấy cảm hứng từ thiên nhiên. “Việc quan sát sinh vật làm cho tôi nghĩ khác đi về khoa học máy tính,” Nagpal nói.

Sheik Humarr Khan: Vị bác sĩ chống Ebola

Virus Ebola tàn phá ba nước Guinea, Sierra Leone và Liberia ở miền Tây châu Phi khi nó phát triển thành nạn dịch trong năm 2014. Sheik Humarr Khan đóng vai trò độc đáo trong chiến dịch chống nạn dịch này. Nhưng do tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola mà Khan trở thành một trong nhiều nạn nhân của loại virus đó và ông đã qua đời ngày 29/7/2014.

Là bác sĩ chuyên ngành bệnh truyền nhiễm, Khan đã từ chối lời mời ra nước ngoài làm việc để ở lại Sierra Leone điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola. Ông từng làm việc trong nhóm nghiên cứu đầu tiên tiến hành xác định trình tự gene của các loại virus ở nước mình.

Khan là bác sĩ trưởng Bệnh viện công Kenema, nơi ông điều trị và nghiên cứu Lassa, một loại bệnh nguy hiểm tiềm tàng do virus gây ra, cho đến ngày bệnh viện trở nên quá tải bởi số bệnh nhân nhiễm Ebola.

Khan cho rằng nghiên cứu khoa học và y tế nên phục vụ tất cả mọi người chứ không chỉ những người có tiền, vì thế ông từ chối làm công việc được trả lương cao tại thủ đô Freetown, mà ở lại Kenema. Ông trở thành nhân vật trung tâm của cộng đồng Kenema khi Ebola lan tới đây, và ông cũng hủy chuyến ra nước ngoài giảng dạy.

Sau khi chính Khan bị nhiễm Ebola, các bác sĩ quyết định không áp dụng liệu pháp thử nghiệm chưa rõ hiệu quả như dùng thuốc Zmapp vì họ sợ cái chết của Khan sẽ gây ra bạo loạn – dân chúng ở đây từng dọa sẽ phá tan bệnh viện nếu bác sĩ Khan chết. Hiện nay dịch Ebola dường như đã tạm lắng và người ta đang thử dùng các loại thuốc và vaccine mới.

Công trình nghiên cứu mà Khan tham gia cho thấy virus đột biến nhanh như thế nào. Hiện nay nhóm nghiên cứu của ông đang lập bản đồ gene cho khắp miền Tây châu Phi, nhờ đó họ có thể tiếp tục theo dõi diễn biến của Ebola. (Còn tiếp)

Nguyễn Hải Hoành lược dịch theo Nature

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)