Những nhà khoa học nổi bật của năm (Kỳ 3)

David Spergel: Người nghi ngờ vũ trụ Tháng 3/2014, nhóm nghiên cứu dự án BICEP2 do John Kovac lãnh đạo tuyên bố tại cuộc họp báo là có thể họ đã khám phá thấy tín hiệu của sóng hấp dẫn từ không gian xa thẳm trong vũ trụ. Từ lâu, các nhà khoa học đã tìm kiếm tín hiệu này mà chưa thấy, nó đem lại chứng cớ chứng tỏ vũ trụ thuở sơ khai từng trải qua một vụ giãn nở ngắn nhưng đủ lớn, gọi là sự giãn nở vũ trụ. Sự kiện khám phá sóng hấp dẫn đã gây ra dư luận về khả năng trao giải Nobel cho nhóm nghiên cứu BICEP2.

Mười ngày sau, Spergel phát hiện ra sai lầm của nhóm BICEP2. Spergel băn khoăn về thời gian bắt đầu của chứng cớ mà nhóm Kovac đã thu thập được từ kính viễn vọng BICEP2 đặt tại Nam Cực. Là nhà thiên văn nghiên cứu vũ trụ thuở sơ khai, ông cảm thấy áy náy, cho rằng tín hiệu đó có thể là tín hiệu giả. Spergel hiểu được nhóm BICEP2 đã mắc sai lầm khi tính toán khả năng bụi vũ trụ ở gần bao nhiêu thì có thể làm biến đổi tín hiệu truyền trên một khoảng cách cực xa. Tháng Năm, Spergel viết một bài báo vạch ra sai lầm nói trên (viết chung với một nhà khoa học khác).

Ông nói: “Tôi muốn để cộng đồng các nhà vật lý biết rằng ở đây có những lý do để nghi ngờ.” Giới báo chí làm rùm beng sự phê phán của Spergel. Dư luận về giải Nobel cho nhóm BICEP2 nhanh chóng lắng xuống bởi cuộc thảo luận về sai lầm của họ. Tháng Sáu, khi nhóm này đăng bài viết về khám phá của mình, họ tỏ ra bớt khẳng định hơn so với tuyên bố ở cuộc họp báo hồi tháng Ba, nhưng điều đó chưa đủ để làm Spergel hài lòng. Cuối cùng, kết quả phân tích các số liệu do vệ tinh Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA quan trắc được đã chứng tỏ nhận xét của Spergel là đúng, nhờ thế cuộc tranh cãi đã sớm được giải quyết.

Maryam Mirzakhani: Nhà thám hiểm các mặt cong

Khi còn là nghiên cứu sinh toán học ở Đại học Harvard năm 2003, cô gái người Iran Maryam Mirzakhani đã tìm đến Curtis McMullen, thầy hướng dẫn của mình, với một câu hỏi. McMullen vừa mới giải quyết được một bài toán tồn tại từ lâu liên quan tới hành vi của viên bi trên bàn billiard dưới dạng một chiếc bàn trừu tượng có thể gấp lại thành mặt cong hình vành khuyên (doughnut surface) có hai lỗ. Đây là một khám phá quan trọng nhưng Mirzakhani thắc mắc vì sao ông chỉ chứng minh điều đó với các mặt cong hai lỗ mà không phải là với mặt cong nhiều lỗ. Chị đã bị thu hút tới một vấn đề lớn – cho dù lúc đó chị chưa biết rằng vấn đề này rất khó giải quyết.

Mirzakhani hiện làm việc ở Đại học Stanford. Hầu như suốt cả thập niên vừa qua, chị nghiên cứu vấn đề nói trên cho tới khi tìm được lời giải. Trong bài báo dài 172 trang viết chung với Alex Eskin ở Đại học Chicago năm 2012, chị đã mở rộng kết quả nghiên cứu của McMullen tới tất cả các mặt cong hai lỗ vành khuyên hoặc nhiều hơn, ràng buộc với các lĩnh vực toán học như hình học, hình học topo, và các hệ thống động lực. “Đây là một kết quả hoành tráng,” nhà toán học Howard Masur nhận xét.

Tháng 8/2014, Mirzakhani trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử được tặng Huy chương Fields, thường được ví như giải Nobel Toán học. (Còn tiếp)

Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ Nature.com

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)