Những thay đổi theo thời gian của khí hậu ĐBSCL

Một nhóm các nhà nghiên cứu Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Nông Lâm TPHCM) và ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã sử dụng bộ dữ liệu dài hạn để tìm hiểu về xu hướng thay đổi theo thời gian của các sự kiện khí hậu thông thường và cực đoan ở ĐBSCL.

Hạn hán ở ĐBSCL. Nguồn: vietnamwaterportal.com

Nồng độ trung bình toàn cầu của khí nhà kính bẫy nhiệt trong thời gian dài, bao gồm carbon dioxide, methane, nitrous oxide, liên tục đạt đến những mức cao mới đang làm thay đổi khí hậu thế giới. Mức nhiệt gần bề mặt trong tháng 1 đến tháng 9/2024 ước tính cao hơn nhiệt dộ trung bình thời kỳ 1850–1900 tới 1.54 °C, cao hơn một cách đáng kể so với những năm ấm nhất trước đây. Biến đổi khí hậu đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Trong số những đồng bằng lớn nhất toàn cầu được coi là những điểm nóng biến đổi khí hậu, ĐBSCL được coi là một trong những vùng dễ chịu rủi ro bậc nhất, chủ yếu là do nước biển dâng, biến đổi các mẫu hình mưa và tăng cường các sự kiện thời tiết cực đoan. ĐBSCL cũng phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm ngập lụt miền duyên hải, hạn khí tượng, xâm nhập mặn, khai thác quá mức nước ngầm, lún đất, suy giảm trầm tích, sạt lở bờ sông.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Dao động Nam (El Niño-Southern Oscillation ENSO) là một hiện tượng khí hậu nổi bật với đặc trưng là các dao động theo chu kỳ của các mức nhiệt độ bề mặt biển và áp suất khí quyển khắp Thái bình dương nhiệt đới. Với hai pha cực đoan, El Niño và La Niña, gây ra tác động lên các mẫu hình khí hậu và phân bố lượng mưa trên toàn cầu, bao gồm cả vùng Đông Dương. Họ mong muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa ENSO với sự biến động của các dị thường lượng mưa hằng năm ở ĐBSCL, phân định rõ bản chất của những xu hướng có thể theo thời gian, cả ở sự kiện thông thường và cực đoan.

Họ đã sử dụng bộ dữ liệu lượng mưa hằng năm được ghi lại ở 14 trạm khí tượng ở ĐBSCL giai đoạn 1978 – 2022 và lượng mưa hằng ngày từ 10 trạm khí tượng giai đoạn 1980–2022 và các thử nghiệm thống kê phi tham số bằng mô hình Mann-Kendall.

Kết quả cho thấy xu hướng nhiệt độ tăng lên ở tất cả các trạm trên khắp ĐBSCL trong khi xu hướng nhiệt độ mát hơn về cả ngày và đêm đều suy giảm, ước tính xu hướng ấm lên trong vòng 30 năm vào khoảng 0,04–0,49 °C mỗi thập kỷ. Trong khi đó, xu hướng về lượng mưa không đồng nhất giữa các trạm: lượng mưa trong mùa mưa không ổn định (hoặc tăng, giảm, vừa tăng vừa giảm…) còn lượng mưa trong mùa mưa lại gia tăng. Đặc biệt, sự đạt đỉnh của cường độ hạn khí tượng cũng đồng nhất với lượng mưa hằng năm.  

Một trong những vấn đề tồn tại dai dẳng ở ĐBSCL là hạn khí tượng. Bên cạnh với xâm nhập mặn, hạn khí tượng có thể là nguyên nhân tác động lên hệ sinh thái, xã hội, kinh tế. Sự suy giảm và gia tăng của những dị thường chỉ số lượng mưa chuẩn hóa (SPI) trong 12 tháng cho thấy các điều kiện khí hậu có xu hướng ẩm hơn và khô hơn. Điều đó cho thấy việc xác định hạn khí tượng ở ĐBSCL rất phức tạp. Vì vậy, cần thực hiện các phân tích về các mẫu hình xu hướng đa thời gian trên các đặc trưng hạn khác, bao gồm tần xuất, độ dài, cường độ, tính chất nghiêm trọng, sự mở rộng theo không gian và thời gian.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tìm mối liên hệ giữa ENSO và các mẫu hình lượng mưa ở Đông Dương. ENSO ảnh hưởng đến các mẫu hình lượng mưa nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Một hoàn lưu khí quyển giống La Niña, được thúc đẩy bởi Tây Thái Bình Dương ấm lên và Đông Thái Bình Dương lạnh hơn, kết hợp với Biển Đông ấm lên, đã làm tăng cường gió mùa Tây Nam, tăng vận chuyển hơi nước và đối lưu, dẫn đến lượng mưa lớn hơn trong mùa mưa. Các phát hiện này càng làm sáng tỏ tác động qua lại đầy phức tạp giữa ENSO, các mẫu hình hoàn lưu quy mô lớn và các tham số nhiệt độ bề mặt biển địa phương trong việc định hình phân bố lượng mưa khắp ĐBSCL và cả vùng Đông Dương.

Các kết quả được nêu trong bài báo “Multi-temporal trend analysis for climate means and extremes in Vietnam’s Mekong Delta”, xuất bản trên tạp chí Climate Dynamics.□

* Bài đã đăng trên Tia Sáng số 13/2025

Tác giả

(Visited 20 times, 20 visits today)