Những thực vật không hữu ích cho con người đang dần tuyệt chủng

Các nhà nghiên cứu đã phân loại hơn 80.000 loài thực vật trên toàn cầu và nhận thấy hầu hết chúng sẽ rơi vào cảnh tuyệt chủng vì con người không cần chúng.


Một ví dụ tiêu biểu về loài thực vật “thua cuộc” không hữu ích với con người là Araucaria muelleri, một loài thực vật hạt trần đặc hữu ở New Caledonian. Ảnh: The Guardian

Điều này có nghĩa là các quần thể thực vật trong tương lai sẽ đồng nhất hơn nhiều so với hiện nay, theo bài báo mới công bố trên tạp chí Plants, People, Planet. 

“Chúng tôi đang xác định số lượng các loài vượt qua được nút thắt cổ chai của kỷ Nhân sinh (Anthropocene)”, John Kress, nhà thực vật học, Phó chủ tịch khoa học ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian (Hoa Kỳ) và là tác giả đứng đầu bài báo cho biết. “Đó không phải là tương lai, sự tắc nghẽn này đang xảy ra ngay bây giờ”. 

Các nhà nghiên cứu tại Viện Smithsonian đã tiến hành phân loại chính xác những loài thực vật chịu nhiều ảnh hưởng của con người nhất kể từ khi bắt đầu kỷ Nhân sinh – kỷ nguyên địa chất đánh dấu tác động sâu sắc của con người lên Trái đất, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, phá rừng và các hệ quả tiêu cực khác do quá trình công nghiệp hóa. 

Họ đã phân tích dữ liệu về 86.592 loài thực vật có mạch, thu thập thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc tế về việc sử dụng các loài thực vật này: có loài là cây trồng quan trọng về kinh tế đối với con người, hoặc là cỏ dại xâm lấn, có loài nguy cấp cần bảo vệ và loài quý hiếm bị buôn bán bất hợp pháp. 

Sau đó, họ đã phân loại các loài thực vật thành tám nhóm dựa trên sự phát triển của chúng trong hiện tại và trong tương lai. Các nhà khoa học kết luận rằng thay vì được hỗ trợ, nhiều loài thực vật sẽ bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do hoạt động của con người. 

Cụ thể, có 6749 loài thực vật hữu ích với con người nằm trong số kẻ “chiến thắng”, gồm ngô, lúa, lúa mì và các loại cây trồng khác – bao phủ 40% bề mặt hành tinh. Ngoài ra còn có một số loài thực vật khác đã tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng vẫn tồn tại ở các thành phố, chẳng hạn như cây bạch quả được trồng trên mọi dãy phố ở New York. Có 164 loài “chiến thắng” nhưng không hữu ích với con người, chủ yếu là các loài xâm lấn như sắn dây (kudzu), còn được gọi là “cây nho ăn thịt miền Nam”.

Khoảng 20.290 loài thực vật bị xếp vào hàng “thua cuộc”, chủ yếu do chúng không hữu ích với con người, và đã được công nhận là loài có nguy cơ tuyệt chủng – chẳng hạn như cây mộc lan ở Haiti, đã bị chặt để làm củi và không mọc ở bất kì nơi nào khác. Các loài thực vật nhỏ hơn – chẳng hạn như vạn tuế, họ bách như cây hồng sam, cây bách xù, và một họ cây lá kim cổ xưa gọi là araucariales – rất có thể sẽ biến mất hoàn toàn. 

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng xếp loại 26.002 loài có nguy cơ “thua cuộc”, 18.664 loài có tiềm năng “chiến thắng”. Hai loại cuối cùng là các loài thực vật ở vị trí trung lập và 571 loài đã tuyệt  chủng. 

Như vậy, sự đa dạng sinh học của thực vật trong tương lai sẽ giảm đi rất nhiều, cũng sẽ dẫn đến mất mát đa dạng sinh học ở động vật. Điều này khiến hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và tác động của con người.  

“Các tác giả đã sử dụng tập dữ liệu gồm 86.592 loài thực vật đại diện cho 25% thực vật có mạch trên toàn cầu”, Barnabas Daru, trợ lý giáo sư sinh học tại ĐH Texas A&M (Hoa Kỳ), người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết. “Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn có những khoảng trống kiến thức lớn, đặc biệt là ở một số khu vực đa dạng về thực vật nhất thế giới nhưng lại được lấy mẫu kém nhất như Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á”. 

Nếu chúng ta đủ nỗ lực, bất kì loài thực vật nào cũng có thể thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, bằng cách lưu mẫu sống, ngân hàng hạt giống hoặc bảo quản mô đông lạnh – theo Richard Corlett, giáo sư tại Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna (Trung Quốc), người không tham gia nghiên cứu.□ 

Thanh An dịch
https://www.theguardian.com/environment/2022/mar/10/plants-humans-dont-need-extinction-biodiversity-study

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)