Những yếu tố nào góp phần dẫn đến cháy rừng?
Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ rủi ro cháy rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu và dân số tăng? Nhà nghiên cứu Phạm Thị Thu Trang (Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, trường Đại học Lâm nghiệp) và cộng sự Đại học Murdoch (Australia) đã tìm hiểu hiện trạng cháy rừng ở ba tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả được họ xuất bản trên International Journal of Wildland Fire, “Forest fire and its key drivers in the tropical forests of northern Vietnam”.
Hiểu về các mẫu hình xuất hiện của cháy rừng có thể quản lý rừng hiệu quả hơn và giảm thiểu rủi ro cháy rừng. Do đó, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu các mẫu hình biến thiên theo thời gian và không gian và những yếu tố tác động đến cháy rừng tự nhiên khắp ba tỉnh phía Bắc là Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, nơi sở hữu các diện tích rừng nguyên sinh, thứ sinh (41%), rừng trồng (4%), rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới (6%) và rừng tre (1%). Đây là khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc điểm lạnh khô về mùa đông và nóng ẩm về mùa hè, nhiệt độ trung bình hằng năm dao động từ 20 đến 23°C, cao nhất từ 37 đến 41°C và thấp nhất từ −4 đến −2°C. Đặc biệt, khu vực này có 12 ngày sương giá và 40 ngày chịu gió Lào mỗi năm. Ở nơi có độ cao trên 1400 m so với mực nước biển thường có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, với lượng mưa rơi đạt mức cao nhất và ít khi rơi vào khô hạn mùa khô. Trên thực tế, Điện Biên và Sơn La thường phải hứng chịu nhiều đợt cháy rừng hơn Lào Cai nhưng tựu trung lại, số lượng cháy rừng ở ba tỉnh này chiếm hơn 50% tổng số các trận cháy rừng ở cả vùng Tây Bắc (5753 vụ).
Để tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến cháy rừng, họ đã sử dụng hệ thống xếp hạng nguy hiểm cháy rừng Chỉ số Nesteror điều chỉnh (MNI), dữ liệu Atlas Cháy rừng toàn cầu giai đoạn 2003–2016, dữ liệu cháy rừng bên ngoài khu vực nghiên cứu hoặc khu vực không có rừng của Bộ NN&PTNT… và tính đến các yếu tố liên quan như thời tiết, địa hình, điều kiện dẫn đến cháy rừng, hành động của con người… Qua đó, họ khám hiểu sự xuất hiện của cháy rừng, quy mô cháy rừng trong năm, giữa các năm bằng việc phân tích miêu tả và phát triển các mô hình Maximum Entropy theo không gian và thời gian liên kết với các yếu tố trên.
Kết quả, họ phát hiện ra trong giai đoạn 2003–2016, sự xuất hiện của cháy rừng rất đa dạng, cao nhất vào năm 2007 (826 vụ) và thấp nhất vào năm 2008, 2011 (57 và 67 vụ). Hầu hết các vụ cháy đều rơi vào mùa khô, cụ thể là tháng hai đến tháng tư khi hệ thống xếp hạng nguy hiểm cháy rừng MNI cao hơn đi kèm với độ ẩm, nhiệt độ và lượng mưa thấp hơn. Phần lớn các vụ cháy rừng xuất hiện trong cuối mùa khô, 85% các vụ cháy rừng đều xuất hiện trên rừng tự nhiên, sau là rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới nhưng hiếm khi xảy ra trong rừng trồng và rừng tre với 100 vụ mỗi năm. Phần lớn các vụ cháy rừng đều ở quy mô diện tích nhỏ, trung bình hơn 100 ha, lớn nhất trên rừng lá rộng và hỗn hợp ôn đới, nhỏ nhất trên rừng tre.
Về tổng thể, các yếu tố thúc đẩy cháy rừng là nhiệt độ, hệ thống xếp hạng nguy hiểm cháy rừng MNI, độ cao và độ dốc địa hình, và suy giảm theo độ ẩm, mật độ dân số cao. Các mô hình Maxent mà các nhà nghiên cứu sử dụng đều thành công trong dự đoán sự xuất hiện của cháy rừng. Việc kết hợp các dữ liệu ở ba tỉnh cho thấy xác suất cháy rừng có thể lớn hơn trong một số điều kiện nhất định: nhiệt độ cao, chỉ báo từ hệ thống xếp hạng nguy hiểm cháy rừng MNI, khu vực thưa dân, xa đường giao thông, khu vực núi cao và nhiều diện tích rừng tự nhiên.
Do đó, nghiên cứu này cho thấy, cần một đánh giá tích hợp nhiều yếu tố liên quan đến cháy rừng có thể dự đoán nguy cơ cháy rừng tốt hơn so với hệ thống vẫn được áp dụng là chỉ dựa vào thời tiết. Bên cạnh đó, việc sử dụng đánh giá tích hợp này có thể giúp cải thiện công tác quản lý và giáo dục phòng cháy chữa cháy ở miền Bắc Việt Nam. □