Nobel ngoại truyện

Ngày 10/12/2013, tức ngày giỗ của Alfred Nobel, tại Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy), giải Nobel năm 2013 đã được trao cho các chủ nhân của nó. Ngoài một buổi tiệc long trọng theo phong cách hoàng gia với sự có mặt của Đức Vua và Hoàng hậu Thụy Điển, khoảng 1,5 triệu USD tưởng thưởng cho chủ nhân của mỗi giải, thì cái mà người ta trông đợi là các bài diễn văn của những tinh hoa trí tuệ này. Đây là một sự kiện lớn của giới khoa học và truyền thông, trong nhiều trường hợp còn cả giới chính trị nữa. Xung quanh nó luôn có những câu chuyện thú vị để tìm hiểu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng điểm lại một số tình tiết thú vị xung quanh hai giải Hòa bình và Vật lý năm nay.

Phẩm hay lượng?

Giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho François Engler Peter Higgs cho công trình giải thích vì sao các hạt cơ bản lại có khối lượng.

Trên đường đến Stockholm để nhận giải, GS Peter Higgs đã cho biết: Ông gần như chắc chắn sẽ bị đuổi việc với hệ thống học thuật hiện thời. Lý do: Làm việc không năng suất!

Sau khi công bố bài báo quan trọng năm 1964, ông công bố được dưới 10 bài báo trong mấy chục năm làm việc tiếp theo. Peter Higgs vì thế trở thành nỗi khó chịu với Đại học nơi ông làm việc khi có kỳ đánh giá kết quả nghiên cứu. Mỗi khi nhận được tin nhắc nhở cập nhật danh mục các công bố khoa học mới, ổng chỉ đơn giản trả lời: Không có!

Trong môi trường học thuật ngày nay, ông cho rằng không đủ sự yên tĩnh để và bình an để làm những nghiên cứu mà ông đã làm năm 1964. Thực tế, ông đã suýt bị đuổi việc trước đó, nếu không được giới thiệu thành ứng cử viên cho giải Nobel Vật lý năm 1980: có thể ông ta sẽ được giải Nobel – nếu không chúng ta có thể cho ông ấy nghỉ việc bất cứ lúc nào, các quan chức của Đại học Edinburgh nhận định.

Sở dĩ ông được đề cử giải Nobel năm 1980 vì trước đó một năm, Glashow, Salam, Weinberg được trao giải cho thành tích xây dựng Mô hình Chuẩn. Nhưng mô hình này lại dựa chủ yếu vào cơ chế Higgs do ông đề xuất năm 1964, nên nếu ba người đã được giải Nobel thì hiển nhiên ông cũng được cân nhắc.

Sở dĩ ông không được giải năm đó vì thực nghiệm chưa tìm ra hạt Higgs. Theo truyền thống, giải Nobel chỉ trao cho những công trình nào đã được thực nghiệm xác nhận. Tất nhiên việc nào cũng có ngoại lệ, trong Vật lý thì đó là ngoại lệ năm 1979, vì lúc đó hai boson W và Z do Mô hình Chuẩn tiên đoán tồn tại vẫn chưa được tìm ra.

GS Higgs chưa từng gửi một email nào, chưa từng sử dụng internet cho việc nghiên cứu, chưa gọi bất cứ một cuộc điện thoại di động nào. Ông giống như người của trăm năm về trước, khi tất cả sức mạnh trí tuệ đều dựa phần lớn trên sự tưởng tượng, và triển khai ra trên mặt giấy.

Ngay cả tivi ông cũng không có. Khi được thuyết phục xem chương trình Big Bang trên ti vi, ông nói không thấy ấn tượng.

Năm 1999, ông cũng từ chối việc phong tước hiệp sĩ, một vinh dự lớn với mọi công dân Vương quốc Anh, khi cho rằng hệ thống vinh danh ở đây đã được sử dụng cho mục đích chính trị.

Ông cũng nổi tiếng là người nhút nhát, luôn nép sát mép hành lang để tránh đường cho người khác khi gặp nhau, bất kể đó là ai, đồng nghiệp hay sinh viên.

Ai xứng đáng?

Đầu tiên là bài báo của Peter Higgs, khi gửi cho tạp chí Physics Letter ở CERN vào cuối tháng 7/1964 đã bị từ chối. Sau đó ông gửi đăng ở Physics Review Letter, cùng đăng ở số 13 với hai nhóm độc lập khác. Thế mới biết, tìm được người biết mình không bao giờ dễ.

Giải Nobel năm nay được thông báo trễ hơn một giờ so với dự kiến, nên François Engler đã không nghĩ là mình sẽ được giải, khi quá giờ rồi mà vẫn chưa thấy tên mình được xướng lên.

Còn GS Higgs thì tránh truyền thông bằng cách đi nghỉ và không mang theo điện thoại. Điều đó chứng tỏ ông đã tiên đoán mình sẽ được giải Nobel năm nay. Điều này càng rõ hơn khi ông cũng đã chuẩn bị sẵn một thông báo cho trường Đại học Edinburgh, nơi ông làm việc. Trong đó ông cảm ơn Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển, và không quên nhấn mạnh rằng, giải thưởng cho nghiên cứu cơ bản này hy vọng sẽ giúp nhận thức rõ hơn về các nghiên cứu ở “trên trời”, tức nghiên cứu không có ứng dụng trực tiếp.

Ngay cả việc trao giải cho ai cũng đau đầu. Trên thực tế, có ba nhóm độc lập, gồm sáu nhà vật lý: Francois Englert, Peter Higgs, Gerald Guralnik, Tom Kibble, Robert Brout và Carl Hagen, đóng góp chính cho việc phát triển lý thuyết được giải Nobel Vật lý năm nay. GS Brout đã tạ thế, còn lại năm người, trong khi giải Nobel chỉ được trao cho tối đa là ba người. Việc này hẳn cũng tạo áp lực cho Ủy ban xét giải, khi phải cân đo công trạng của từng người.

Thậm chí, một trong số năm người còn lại, GS Hagen còn đề nghị đổi tên hạt boson Higgs, vì ông cho rằng để như vậy là bất công.

Chính vì vậy, sau khi hạt Higgs được tìm ra, ngoài hai người được tiên đoán là được giải năm nay, giới khoa học còn bàn tán xem liệu còn ai hay tổ chức nào khác có thể chia giải, vì theo luật, số người nhận giải tối đa là ba người.

Nếu việc trao giải Nobel vật lý được xét đến cả các tổ chức, thay vì chỉ cá nhân, thì rất có thể các nhóm thực nghiệm ATLAS và CMS, hoặc rộng hơn là CERN cũng sẽ được giải, vì chính họ mới là người chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs bằng thực nghiệm.

Nhưng giải Vật lý lại không trao cho tổ chức như giải Hòa bình. Nên người thứ ba có thể là một trong số ba người còn lại, ngoài Englert và Higgs. Nhưng cuối cùng Ủy ban xét giải đã chọn giải pháp chỉ trao cho hai người.

Một cách vắn tắt và nôm na thì giải Vật lý năm nay trao cho công trình về hạt boson Higgs, truyền thông hay gọi là “hạt của Chúa”, vì nó là hòn đá tảng của Mô hình Chuẩn (SM), lý thuyết đã mang lại hơn hai chục giải Nobel cho các nhà vật lý. Nhưng bản thân Higgs cũng không thấy thoải mái với tên gọi này, nên ông cũng đề xuất gọi hạt Higgs bằng một tên mới: boson vô hướng SM (SM scalar boson), vì trường Higgs là trường vô hướng.

Ông cũng cảm thấy hối tiếc vì hạt Higgs đã được gọi là “hạt của Chúa”, vì nhiều người vin vào đó để làm lẫn lộn khoa học và thần học. Họ cho rằng, với “hạt của Chúa” tìm ra ở CERN, khoa học đã chứng minh Chúa tồn tại!

Thức tỉnh cuối đời

Alfred Nobel (1833-1896) là một kỹ sư, nhà hóa học, nhà sáng chế và doanh nhân sản xuất vũ khí người Thụy Điển. Ổng sở hữu 355 bằng sáng chế, đồng thời là người đã chế tạo ta thuốc nổ dynamite và ballistite, hai loại chất nổ rất mạnh và được sử dụng phổ biến cả trong quân sự lẫn công nghiệp. Các phát minh này làm ông trở nên giàu có. Nhưng cũng chính chúng đã góp phần làm cho các cuộc chiến trở nên đẫm máu hơn.

Rất nhiều người đã phê phán ông về các phát minh này, trong đó có người bạn thân thiết của ông, Bertha von Suttner, văn sĩ và nhà hoạt động vì hòa bình người Áo. Tuy nhiên, khi đương đầu với các phê phán này, ông lại cho rằng các phát minh của ông sẽ giúp chấm dứt các cuộc chiến tranh sớm hơn, vì “khi hai quân đội có khả năng hủy diệt nhau chỉ trong vòng vài giây, thì tất cả các quốc gia văn minh sẽ đều quay lưng lại với chiến tranh”.

Năm 1988, anh trai của ông là Ludvig Nobel qua đời khi đến thăm Cannes, một thành phố của Pháp. Một tờ báo Pháp đã nhầm lẫn tưởng là ông qua đời, nên đăng một bài báo có tiêu đề: Thương lái của tử thần đã tử vong(Le marchand de la mort est mort), trong đó có câu: “Tiến sĩ Nobel, người trở nên giàu có bằng cách phát minh ra cách giết người nhiều hơn và nhanh hơn bao giờ hết, đã chết ngày hôm qua”. Alfred Nobel đọc được bài báo này và lấy làm phiền lòng. Ông bắt đầu suy nghĩ về việc người đời sẽ nghĩ và nhớ về mình như thế nào.

Ngày 27/11/1895, tại câu lạc bộ Thụy Điển – Na Uy ở Paris, Alfred Nobel đã ký bản di chúc của mình, theo đó 94% tài sản của ông, sau khi đã trừ thuế và chia cho những người khác, sẽ được dùng để lập Quỹ Giải thưởng Nobel, dể trao cho các cá nhân “mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại” trong các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Hòa bình, Y Sinh và Văn chương. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển có bổ sung thêm một giải về kinh tế nhân sự kiện 300 năm thành lập ngân hàng này, gọi là giải thưởng về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, nên có thể tạm coi như có thêm một giải Nobel về kinh tế, ngoài các giải đã được Alfred Nobel đặt ra.

Như vậy, từ một sự nhầm lẫn của tòa báo mà Alfred Nobel đã giật mình hình dung cách mình được người đời nhớ đến sau khi mất. Có lẽ ông đã hoảng hốt nhận ra rằng, nếu không thay đổi, thì dù thành công tột bậc về tài chính, ông cũng sẽ bị xú danh muôn thuở như một ‘thương lái của tử thần’ trong lịch sử. Đây là điều ông không muốn, và cũng không ai muốn.

Từ sự giật mình này, Alfred Nobel đã có một sự thức tỉnh cuối đời đáng giá. Nếu không, khối tài sản của ông có lẽ đã bay hơi hết sau những cuộc khủng hoảng kinh tế và bể dâu thời cuộc, như bao ‘đại gia’ đã đến và đi khác.

Nếu không có sự thức tỉnh này, chắc hẳn ông sẽ như hàng chục tỉ người đã đến và đi khỏi thế giới này mà không để lại dấu vết, hoặc tệ hơn khi bị gắn mác‘thương lái của tử thần’.

Nhờ sự thức tỉnh này, không chỉ tên tuổi ông đi vào lịch sử, đất nước Thụy Điển được vinh danh và hưởng lợi hằng năm từ việc trao giải Nobel, mà thế giới cũng được hưởng những lợi ích to lớn từ những khuyến khích mà giải Nobel mang lại.

Sự thức tỉnh cuối đời của ông đã để lại một di sản vô giá cho nhân loại.

Giờ đây, khi nói đến Nobel, người ta nghĩ đến những giải thưởng danh giá bậc nhất của khoa học, văn chương và hòa bình, đến những cá nhân xuất chúng được tôn vinh, những bước tiến lớn của nhân loại trong hành trình mở mang hiểu biết và xiển dương nhân văn vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Người đời ngưỡng mộ ông, đất nước Thụy Điển tự hào về ông, chứ ít ai còn nhớ ông đã từng được gọi là ‘thương lái của tử thần’.

Tất cả những điều này có được đều nhờ vào sự thức tỉnh cuối đời, khi ông hình dung mình sẽ được người đời nhớ đến như thế nào sao khi mất.

Vậy nên, bản thân sự thức tỉnh cuối đời này của ông cũng là một di sản quý giá, và để lại bài học suy ngẫm cho bao người.

Tác giả