Nông nghiệp Thái Lan-Lời giải từ công nghệ và đổi mới chính sách
Đất nông nghiệp bị thu hẹp, thoái hóa; người nông dân rời bỏ ruộng đất tha phương tứ xứ tìm kế mưu sinh mới, Thái Lan-đất nước được cho là “nồi cơm” của thế giới- giải quyết “vấn nạn” này bằng việc đổi mới chính sách, áp dụng khoa học công nghệ xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại để duy trì “ngôi vị số 1” toàn cầu về xuất khẩu gạo.
Thách thức
30 năm trước, có thời gian diện tích đất nông nghiệp của Thái Lan tăng “đột biến”. Người Thái cần cù lao động, bám chặt đồng ruộng để mong thay đổi cuộc sống. Còn các nhà hoạch định chính sách Thái Lan coi nông nghiệp là nội lực sống còn để phát triển kinh tế quốc dân. Với lợi thế về nhân lực nông nghiệp (có đến 80% dân số Thái sinh sống vùng nông thôn), diện tích đất canh tác sẵn có, Thái Lan đã nhanh chóng hiện thực hóa được ước mơ trở thành “nồi cơm” của thế giới. Chỉ tính trong năm 2007, nước này xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, đạt 3,5 tỷ USD, giữ vững thế độc tôn.
Nỗi lo bắt đầu manh nha trong giới lãnh đạo của quốc gia được xem là luôn đi đầu khu vực trong xuất khẩu nông sản này khi diện tích đất canh tác nông nghiệp gần đây (hiện nay là 22 triệu ha) có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu Thái Lan mổ xẻ: tốc độ công nghiệp hóa, sự mở rộng các khu công nghiệp, giải trí; “trương nở” của những đô thị lớn; kèm theo đó là hiện tượng lơ là trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới theo phương châm phát triển bền vững khiến màu mỡ đất canh tác bị rửa trôi, xói mòn hoặc nhiễm mặn. Và như vậy, bài toán đặt ra đầu tiên đối với Chính phủ Thái Lan là “đất…không đủ cày”.
Như một “phản ứng dây truyền”, diện tích đất canh tác giảm, thoái hóa khiến người nông dân ở một số tỉnh, đặc biệt là vùng Đông Bắc Thái Lan, không mặn mà với nghề nông, bỏ lại ruộng vườn tìm đến những thành phố lớn như Bangkok làm thuê. Theo một thống kê, hơn 10 năm trước số lao động nông nghiệp Thái Lan chiếm từ 55-60% dân số thì gần đây, con số này chỉ còn khoảng 40%, và dự báo đến 2013 sẽ tiếp tục giảm xuống còn 37%. Diện tích đất canh tác nông nghiệp giảm khiến nhiều hộ nông dân muốn có đất làm phải thuê với giá cao, còn nếu không có tiền thì đành phải nhắm mắt “cầu cứu” ngân hàng với lãi suất ngất ngưởng. Được mùa thì không sao nhưng nếu không may mất trắng thì nợ nần chồng chất. Cho nên bài toán “người cày có ruộng” đang trở thành vấn đề cấp thiết mà Thái Lan cần giải quyết.
Một thách thức khác lại đặt ra trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng cao nhưng người nông dân Thái không được hưởng lợi trực tiếp, mà thay vào đó hình thành lớp người trung lưu nông thôn, “nẫng tay trên” những đặc quyền lợi đặc lợi của họ. Lớp trung gian này là những nhóm lợi ích có thể kiếm bạc tỷ trong cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
Đổi mới chính sách
Sớm “bắt bệnh” để tìm thuốc chữa, việc đầu tiên là phải đổi mới chính sách. Các nhà hoạch định chính sách Thái lấy nông nghiệp là bệ phóng cho nền kinh tế quốc dân, và không chỉ có thế, mục tiêu cốt lõi là tạo ưu đãi “tam nông” để ổn định chính trị xã hội.
Nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người nông dân cũng như phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, bên cạnh những chính sách khuyến khích và hỗ trợ người nông dân nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường thế giới thì vấn đề liên quan đến “tính mềm” như đào tạo kỹ thuật, nâng cao nhận thức người nông dân được coi trọng hướng đến. Có thể nhận thấy trong những năm qua, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học và các khóa học tại chỗ về kỹ thuật canh tác, chuyển giao công nghệ được mở rộng với nhiều ưu đãi nhằm thu hút và nâng cao trình độ nguồn nhân lực nông nghiệp. Một số trường đại học của Thái Lan như Chulalongkorn (lọt vào top 200 trường đại học thế giới) đã đầu tư thiết bị thí nghiệm, mời chuyên gia từ những nước đi đầu trong nghiên cứu nông nghiệp đồng thời tạo cơ chế đãi ngộ cho nhiều nghiên cứu sinh trẻ sang các trường đại học ở Mỹ, Nhật và châu Âu. Chính những con người này đang tạo nên những biến chuyển mạnh mẽ và sắc thái mới đối với nền nông nghiệp nước này. Mặc dù bình quân diện tích đất canh tác nông nghiệp Thái Lan gấp 4 lần Việt Nam nhưng nhờ những hướng đi đúng đắn trong đào tạo nguồn nhân lực nên những vùng đất hoang, địa hình đồi núi dốc và cả những vùng khô cằn không chỉ dành cho cây ngô, lúa nương mà nhiều loại lúa cao sản đã được triển khai và cho năng suất cao.
Vua Thái Lan rất quan tâm và chú trọng đến phát triển nông nghiệp và đời sống người nông dân. Nhiều ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm cho người nông dân được thực hiện, thuế nông nghiệp được bãi bỏ. Bên cạnh đó, chính phủ hỗ trợ các chương trình tiếp thị, tìm kiếm địa chỉ xuất khẩu những sản phẩm sau thu hoạch và chế biến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho ngạch tiêu thụ nông sản bằng cách đẩy mạnh hình thức hợp đồng “chính phủ với chính phủ”. Đồng bộ hóa các chính sách cũng là một cách để tính liên thông và liên hoàn từ khâu gieo trồng, sản xuất đến bao tiêu xuất khẩu được đảm bảo và cùng với đó là một hành lang pháp lý bảo đảm rủi ro cho người nông dân. Khi giá thị trường thấp, chính phủ đã tự bỏ tiền bao tiêu nông sản cho nông dân. Một động thái mang tính chiến lược được chính phủ triển khai bao gồm điện khí hóa nông thôn, xây dựng các thủy điện để đảm bảo việc tiếp cận thông tin khoa học nông nghiệp và những kỹ thuật canh tác mới được thông suốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách được cho là thực sự có động lực thì người nông dân Thái đang yêu cầu chính phủ cần phải ban hành những chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ việc sử dụng, quản lý đất canh tác một cách hợp lý không để những lớp người giàu có, tham nhũng kiếm lợi.
Kết hợp kinh nghiệm truyền thống và công nghệ hiện đại
Suy nghĩ của người Thái đã thay đổi, giờ đây họ trồng lúa không chỉ để ăn mà để xuất khẩu, và người Thái không chỉ trồng lúa mà họ còn đang chung sức chung lòng phát triển nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như ngô, cao su và cả những…loài hoa. Tại Hội chợ gạo 2007, Thủ tướng Thái Lan Sarayud Chulanont nhấn mạnh, “Thái Lan sẽ đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ và kỹ thuật hiện đại đồng thời kết hợp kinh nghiệm truyền thống để ổn định sản lượng theo triết lý “Kinh tế đầy đủ””. Có thể nói, chính việc đầu tư áp dụng công nghệ mới đã quyết định tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của quốc gia Đông Nam Á này trong suốt thời gian qua.
Do diện tích đất nông nghiệp có hạn nên Thái Lan không thể mãi tiếp tục theo đuổi phát triển nông nghiệp theo hướng mở rộng đất canh tác, mà thay vào đó, đưa công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tạo đất trồng, lai tạo các giống cây trồng mới siêu năng suất có khả năng thích ứng với những vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn. Hữu cơ hóa đất nông nghiệp thông qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học cải tạo đất thoái hóa, nâng cao độ màu mỡ đã triển khai trong nhiều năm qua. Điều này vừa giúp sử dụng quỹ đất hiệu quả, giảm nhập khẩu phân bón lại nâng cao xuất khẩu nông sản hữu cơ sạch. Bên cạnh đó, Thái Lan khuyến khích các tổ chức tư nhân tham gia vào các chương trình khuyến nông. Nếu có dịp đến thăm những vùng nông thôn mới nhận thấy cơ giới hóa đã bao phủ từng thửa ruộng. Ngay cả những khâu sau thu hoạch đã hầu như được cơ giới hóa toàn bộ. Nhưng bí quyết thành công của nông dân Thái Lan chính là sự kết hợp khéo léo giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Bởi do điều kiện tự nhiên như địa lý, địa chất, tính chất đất trồng trọt nên nhiều vùng cần phải có những công nghệ và kỹ thuật canh tác đặc thù.
Bên trong các viện nghiên cứu, trường đại học trên khắp đất nước Thái Lan, nhà khoa học đang nghiên cứu những thế hệ cây trồng siêu năng suất, cải thiện chất lượng giống thông qua kỹ thuật chuyển gene; kỹ thuật chọn tạo, công nghệ di truyền và công nghệ nuôi cấy mô. Những “nút thắt cổ chai” trong việc nâng cao chất lượng nông sản theo hướng phát triển bền vững đã được các nhà khoa học tháo gỡ bằng công nghệ sinh học. Chẳng hạn, Trung tâm Công nghệ gene Quốc gia Thái Lan, từ Ngân hàng gene sẵn có, đã nghiên cứu ra những giống lúa chịu mặn cao có thể gieo trồng ở vùng Đông Bắc, nơi đang đối mặt với tình trạng người dân bỏ nghề nông vì đất nhiễm bị nhiễm mặn. Và cũng tại miền Đông Bắc này với “đặc sản” gạo Horn Mali phát triển được trong điều kiện nắng nóng, các nhà khoa học Thái đã tạo thêm 3 giống lúa có khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao là Khao Jao Hawm Suphan Buri, Khao Dok Mali 105, Khao Jao Hawm Klong Luang 1. Trong tương lai, Thái Lan được xem là đi đầu sản xuất và xuất khẩu vi sinh vật cho nông nghiệp. Với việc cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học đã đáp ứng được tôn chỉ mà chính phủ Thái đặt ra là sản xuất nông sản sạch, chất lượng bằng công nghệ sinh học thay vì chạy theo số lượng. Và giờ đây người Thái đã trở nên khá giả nhờ xuất khẩu nông sản.
Tài liệu tham khảo: Science, Scientific American, Ministry of Agriculture and Cooperative of Thailand
Đức Phường