Nông nghiệp và tương lai Trung Quốc

Với công nghệ như hiện nay thì đến năm 2050, Trung Quốc sẽ không đủ lương thực. Vì sao lại thế? Và Trung Quốc có lẽ nên làm gì để điều đó không xảy ra? Bài bình luận đăng trên tạp chí Nature sẽ xoay quanh những câu hỏi đó.

Với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 4% một năm, GDP trên đầu người của Trung Quốc đến 2050 sẽ bằng với Nhật Bản hiện nay. Nếu chú trọng đến các vấn đề xã hội và khai thác tốt sức mạnh của khoa học công nghệ (KHCN), Trung Quốc thậm chí có thể vượt qua cả mức đó.
Những chênh lệch giữa thành phố và nông thôn cũng như giữa miền đông và miền tây Trung Quốc là quá lớn, chúng tạo ra một sự ngăn cách xã hội ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, 70% dân số nước này sống ở nông thôn. Trong 70% đó, 50% là nông dân và 20% là “di động”. Tầng lớp người “di động” này thường xuyên di cư đến bất cứ nơi đâu mà họ có thể tìm được việc. Những người ở lại quê hương để làm nông thì cũng không phải lúc nào cũng có việc, vì tính chất mùa vụ của nghề nông. Thêm vào đó, thu nhập của nông dân là cực kỳ thấp.

Hãy giảm bớt gánh nặng cho chúng tôi!
Ở các nước phát triển, khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp cho GDP với tỷ lệ khá thấp. Theo số liệu năm 2002, khu vực nông nghiệp của Nhật Bản chỉ chiếm 1,4% GDP. Ở Mỹ, nông nghiệp cũng chỉ đóng góp 2% và chiếm 2% lực lượng lao động. Trong khi đó, ở Trung Quốc, nông nghiệp đem lại 15% GDP và chiếm tới một nửa lực lượng lao động.
Đến năm 2050, ngay cả khi giả sử rằng dân số Trung Quốc được ổn định ở mức 1,6 tỷ, nhu cầu về lương thực vẫn phải tăng gấp đôi. Với công nghệ đang được sử dụng hiện nay, việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đó là bất khả thi. Trung Quốc ngay bây giờ phải hành động để thúc đẩy sự phát triển nông thôn.
Khu vực nông nghiệp của Trung Quốc là quá lớn và không thể ổn định hóa trong ngày một ngày hai, nhưng chính phủ nước này từ lâu đã hiểu rõ được tầm quan trọng của nông nghiệp và đã coi việc giải quyết vấn đề nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, những vấn đề căn bản vẫn còn tồn tại.
Để hiểu được tình trạng nông nghiệp ở Trung Quốc, có lẽ người ta phải đến tận nơi và để quan sát và tìm hiểu các vùng nông thôn. Khi một câu hỏi được đưa ra cho một nhóm năm người nông dân: “Các bạn có muốn nói gì với chủ tịch nước ở Bắc Kinh không?” Họ nhất loạt trả lời mà không hề ngần ngại: “Hãy giảm bớt gánh nặng cho chúng tôi”.
 

Một trong những thứ tạo nên “gánh nặng” chính là thuế nông nghiệp. Tiền thu từ thuế này tuy chỉ đóng góp 1% cho ngân quỹ quốc gia nhưng lại là một vấn đề lớn đối với những người nông dân Trung Quốc. Thuế này để bù vào chi phí sửa đường, hệ thống tưới tiêu và duy trì hệ thống hành chính nông thôn ở địa phương. Hầu hết những khoản đó đều không được chính phủ trả tiền. Mặc dù thuế cố định là thấp nhưng lại có rất nhiều các loại lệ phí khác khiến người nông dân phải bỏ ra hầu hết số tiền thu nhập của họ để chi trả. Điều này đôi khi đã gây ra nhưng bất mãn. Nếu tất cả các loại thuế và lệ phí của nhà nước cũng như địa phương được miễn cho người nông dân thì chắc chắn là thái độ của họ sẽ trở nên cực kỳ thiện chí.
Một gánh nặng nữa cũng ở trên vai người nông dân là yêu cầu cần phải bảo vệ sự màu mỡ của đất đai, chống xói mòn và ô nhiễm. Tuy nhiên, việc người nông dân có những ưu tiên khác là điều dễ hiểu: để có đủ thu nhập, họ phải thâm canh mạnh, tăng và xen vụ liên tục. Điều đó dẫn đến việc sử dụng nhiều nước và hóa chất khiến đất bị rửa trôi mặn hóa và ô nhiễm. Vì đất trồng là của tập thể nên tư tưởng “cha chung không ai khóc” khiến người nông dân ít chú ý đến bảo vệ đất. Nông dân vẫn thường cảm thấy họ giống như những người sử dụng đất đai tạm thời ngay cả khi họ có hợp đồng dài hạn. Nếu chính phủ trao quyền sở hữu cho dân cày thì chắc chắn là sẽ thúc đẩy được họ có trách nhiệm quản lý đất tốt hơn. Thêm vào đó, nhiều mảnh ruộng nhỏ phân tán của các tá điền có thể được quy hoạch lại thành những diện tích lớn hơn, đáp ứng được với việc cơ giới hóa. Đương nhiên là điều đó sẽ dẫn đến sự tăng hiệu quả và năng suất.
Có nhiều nhân tố khác có thể làm giảm gánh nặng của nông dân và tăng thu nhập của họ: áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển thương hiệu và hệ thống tiếp thị sản phẩm, và có lẽ điều quan trọng nhất là giảm số lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp.
Có một cách khác để nâng cao lợi ích cho nông dân là tổ chức họ vào các liên hiệp để có thể thực hiện tất cả các bước, từ sản xuất đến tiếp thị và bán sản phẩm. Điều này sẽ làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao vị thế thương mại và thu được những nguồn tài chính lớn hơn. Thêm vào đó, sự thành lập các liên đoàn hoạt động kinh tế ở nông thôn cũng có thể trực tiếp tăng thu nhập của nông dân và tăng các cơ hội việc làm.

Phát triển nguồn lực
Để phát triển sản xuất nông nghiệp, ba nguồn lực quan trọng nhất – con người, đất đai và nước phải được sử dụng với hiệu quả tốt nhất.
Nhiều người cho rằng, quan trọng nhất trong ba điều này là chính bản thân người nông dân. Hầu hết họ đều không được học hành căn bản, vì thế việc tiếp thu các công nghệ mới là khó. Trẻ em trong các cộng đồng nông nghiệp cần ít nhất 9 năm phổ cập giáo dục, miễn học phí, và các sinh viên giỏi từ vùng sâu vùng xa nên được tạo điều kiện tối đa để được vào đại học và học tiếp sau đại học. Chính phủ và các trường đại học có lẽ phải đẩy mạnh hơn nữa giáo dục ở nông thôn.
Trung Quốc đã dành nỗ lực lớn để phát triển nền tảng KHCN của nước này. Các mục tiêu chính là cải thiện đời sống xã hội, nâng cao tính cạnh tranh quốc tế và gặt hái nhiều thành tựu khoa học. Nhưng nhiều chỉ số đánh giá về mức độ đổi mới và phát triển công nghệ đã cho thấy rằng, Trung Quốc vẫn còn tụt hậu xa so với nhiều nước phát triển. Nước này có lẽ phải tăng hơn nữa đầu tư cho khoa học công nghệ, bởi vì xét đến cùng thì điều đó sẽ giúp giảm nghèo đói và tăng sản lượng nông nghiệp.
Theo một báo cáo gần đây được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, cứ 10.000 NDT (1250 USD) chính phủ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sẽ có thể giúp được 7 người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Trong sản xuất nông nghiệp, cứ mỗi tệ được đầu tư cho nghiên cứu sẽ khiến sản xuất sinh lợi thêm 8 tệ.            
Trung Quốc thực ra có thể tranh thủ được các kinh nghiệm của các nước phát triển để tái thiết kế lại nền KHCN. Trong các chương trình nông nghiệp, giáo dục, nghiên cứu và triển khai phải vận hành như một thể thống nhất. Mỗi tỉnh hay vùng miền nên có hẳn một hệ thống giáo dục trình độ cao, nằm trong mạng lưới giáo dục của quốc gia. Thậm chí, những vùng rộng lớn phải cần đến một vài hệ thống như vậy.
Đến 2050, để dân số khổng lồ của Trung Quốc đủ ăn, một lực lượng lao động trong  nông nghiệp được đào tạo tốt sẽ là yếu tố sống còn. Trung Quốc có lẽ phải cần đến những cây trồng và vật nuôi biến đổi gene đủ an toàn để đáp ứng đủ nhu cầu – vì vậy, kiến thức khoa học đương nhiên là không thể thiếu để có thể có được thành công.
Ngoài việc được học hành, nông dân cũng cần đất để trồng trọt. Trung Quốc tuy rộng nhưng tài nguyên đất trồng lại có vẻ như là khan hiếm. Chỉ 10,2% diện tích là thích hợp cho trồng trọt và 37,1% là thích hợp cho chăn nuôi.
Vấn đề lớn ở đây thực ra là làm sao để Trung Quốc có thể tự đáp ứng được nhu cầu lương thực của họ, mặc dù ở khía cạnh nào đó, sự lo lắng này có lẽ là hơi quá mức. Hầu như không nước nào có thể thoả mãn được tất cả những nhu cầu của mình- mọi quốc gia đều ít nhiều bị hạn chế bởi các điều kiện địa phương và do đó phải dựa vào thông thương để nhập khẩu những thứ mà họ không sản xuất được.
Ở Trung Quốc, việc khai khẩn đất hoang có thể giúp cho nông nghiệp có thêm rất nhiều đất. Chẳng hạn, riêng ở Tân Cương, bên cạnh 8 triệu héc-ta đất trồng là 47 triệu héc-ta đất hoang và đồng cỏ. Ở các vùng miền tây, rất nhiều tài nguyên đất vẫn đang để không và chờ được khai thác.
Việc di cư đến các miền đó có thể làm giảm nhẹ áp lực dân số ở miền đông Trung Quốc. Mặc dù việc di cư quy mô lớn có thể gây nên những hủy hoại đối với các miền văn hóa nhưng điều đó là cần thiết để nâng cao chất lượng sống của những người bản địa và người đến định cư trên vùng nông thôn rộng lớn này. Điều đầu tiên cần làm ở miền tây là sản xuất đủ lương thực và xây dựng các nền tảng kinh tế xã hội ở đây, sau đó sẽ quay sang đáp ứng các nhu cầu ở miền đông. Tân Cương nằm giữa vùng miền tây rộng lớn, giàu tài nguyên và vì vậy nên được ưu tiên phát triển để đảm bảo sự quay vòng nhanh của vốn đầu tư. Tân Cương có thể trở thành “California của Trung Quốc.”
Một biện pháp khác là đi “thuê” đất trồng ở nước ngoài, chẳng hạn như ở Nam Mỹ, châu Phi và Nga. Tuy nhiên, về lâu về dài, Trung Quốc vẫn phải tự lực làm ăn trên đất của họ, điều đó đòi hỏi họ phải quản lý đất đai thật cẩn thận và hiệu quả.
Nước là một yếu tố quyết định khác trong nông nghiệp. Nguồn nước ngầm của Trung Quốc chỉ có giới hạn. Nước trên bề mặt thì lại phân bố không đều. Đến năm 2050,  Trung Quốc có thể bị thiếu đến 400 tỷ mét khối nước.
Phân bố mưa cũng không đều, đồng bằng miền bắc chiếm hơn một nửa số đất trồng nhưng lại chỉ nhận được 20% lượng mưa toàn lãnh thổ. Hầu hết các trận mưa đều xảy ra ở các vung miền nam. Ở miền tây thì có nhiều nước từ trên núi, đó là những nguồn nước cung cấp cho các sông Dương Tử và Hoàng Hà. Nhưng hầu hết nước miền tây đều đi qua sa mạc hoặc chạy sang nước bạn gây lũ lụt.
Chính phủ đã tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề nước. Có một cách đáng chú ý là đổi hướng dòng chảy của sông Dương Tử. Tuy nhiên, cách này có lẽ sẽ không thể làm lợi cho nông nghiệp. Hơn nữa, người ta cũng không chắc chắn là có bao nhiêu nước có thể được chuyển dòng khi xét đến việc 40% nước phải được giữ lại để duy trì hệ sinh thái và 20% để phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Dương Tử.   
Dù việc tăng đầu tư vào nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở Trung Quốc đang có chiều hướng tích cực. nhưng muốn giải quyết một cách cơ bản những vẫn đề về nông nghiệp, có lẽ Trung Quốc phải đầu tư ít nhất 3%GDP cho nghiên cứu KHCN. Nếu làm được như vậy, Trung Quốc có thể yên tâm hơn về tính bền vững trong sự tăng trưởng nhanh của mình.     
 

TTD (lược dịch từ Nature)

T.C. Tso

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)