Núi lửa giúp dừng một trận động đất ở Nhật Bản
Theo phát hiện mới đây của các nhà nghiên cứu, núi Aso, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản, đã giúp dừng trận động đất 7,1 độ richter hồi tháng Tư nhờ nguồn nhiệt cực nóng của bể magma trong lòng núi.
Dải tro bụi trôi về phía nam từ núi Aso. Ảnh do NASA chụp ngày 13/01/2015.
Trận động đất rung chuyển TP Kumamoto trên đảo Kyushu vào ngày 16/4/2016, đã tạo ra đới đứt gãy trên bề mặt dài 40km. Nhưng các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy trận động đất kéo dài khoảng 30 giây này đã bị ngưng lại nhờ một bể magma dưới cụm núi lửa Aso, nằm cách tâm chấn 30km.
Phát hiện này đã cung cấp cho các nhà khoa học một cái nhìn sơ bộ hiếm hoi về cách hai hiện tượng địa chất – núi lửa và động đất – tương tác với nhau như thế nào.
Ngay sau trận động đất Kumamoto, các nhà nghiên cứu đã đến vùng tâm chấn và ở lại đây mười ngày để khảo sát các đứt gãy do trận động đất gây ra.
Họ đã phát hiện đới đứt gãy kéo dài đến miệng núi lửa Aso, từ rìa tây nam đến rìa đông bắc, và đột ngột dừng lại tại đó, ở độ sâu 6km dưới lòng đất.
Những điều tra về hoạt động địa chất sâu dưới miệng núi lửa Aso cho thấy ngay nơi đới đứt gãy dừng lại có một bể magma (được gọi là dung nham khi nó phun trào ra khỏi lòng đất qua các miệng núi lửa).
Theo các nhà nghiên cứu, các sóng năng lượng từ trận động đất đã di chuyển về phía núi Aso, qua vùng đá nguội và dễ vỡ và do đột ngột chạm trán nguồn nhiệt cực nóng của bể magma dưới núi lửa, năng lượng của chúng bị tản ra theo hướng lên trên và thoát ra ngoài. Kết quả là sức mạnh của của các luồng sóng năng lượng bị suy giảm và quá trình đứt gãy bị dừng lại.
Người đứng đầu nghiên cứu này, GS Aiming Lin, Khoa Khoa học về Trái đất và Hành tinh,i Đại học Kyoto, cho biết, “Đây là trường hợp đầu tiên liên quan đến sự tương tác giữa núi lửa và quá trình tạo đứt gãy do cùng một cơn địa chấn mà chúng ta biết đến nay”. Song trong quá khứ cũng có những thí dụ tương tự khác về mối tương tác này, GS Lin viết trong nghiên cứu của mình.
Năm 1707, đới đứt gãy do trận động đất Houei-Tokai-Nankai (8,7 độ Richter) tạo ra kéo dài lên phía bắc và cuối cùng kết thúc ở phía tây núi Phú Sĩ. Còn năm 1930, đới đứt gãy do trận động đất ở phía bắc bán đảo Izu mạnh 7,3 độ Richter tạo ra đã bị chặn lại tại núi lửa Hakone trên bán đảo này.
Theo nhà nghiên cứu địa chấn Gregory Beroza, phó giám đốc Trung tâm Động đất Nam California, giáo sư địa vật lí tại Đại học Stanford, phát hiện này có thể giúp các nhà nghiên cứu dự đoán chính xác hơn thời gian kéo dài của các trận động đất dựa vào mối tương tác của chúng với núi lửa.
“Ý nghĩa của nghiên cứu này đối với động đất ở chỗ nó cho thấy hệ thống magma có thể dừng quá trình tạo đứt gãy và bằng cách đó hạn chế được quy mô của các trận động đất theo một cách có thể dự đoán được”, GS Beroza nói.
“Tuy nhiên đây chỉ là [nghiên cứu về] một trận động đất, dù nó có thú vị hay có vẻ thuyết phục thế nào đi chăng nữa thì cũng là mạo hiểm nếu ta khái quát hóa tất cả các trận động đất trong tương lai theo cách đó,” GS Beroza lưu ý.
Nguồn:
http://www.livescience.com/56571-how-volcano-stops-an-earthquake.html