Ôn nghèo, nhớ khổ

Viện Toán học duy trì không khí làm việc từ thuở ban đầu rất vui vẻ thú vị. Xin nêu một ví dụ. Một lần cố giáo sư Vũ Quốc Phóng viết lên bảng đen để ở hành lang một bài toán mà mình đang suy nghĩ, giải thưởng là 20 đồng (lúc đó lương tối thiểu khoảng 23 đồng) cho ai giải được. Thế rồi ít hôm sau giáo sư Nguyễn Xuân Tấn đã giải được, nhận giải thưởng và bạn bè được cùng thụ hưởng chầu phở quán cóc Hồ Tây.

Cái đơn giản và giản dị ở Viện Toán học được ảnh hưởng từ giáo sư Lê Văn Thiêm rất nhiều. Tôi còn nhớ khi giáo sư P. Cartier sang giảng bài ở ĐH Bách khoa HN, tôi đi nghe và giờ giải lao, tôi gặp giáo sư P. Cartier lúc đó đang nói chuyện với giáo sư Lê Văn Thiêm, tôi xin phép đưa cho giáo sư P. Cartier bản thảo viết tay bằng giấy đen nhám một mặt. Giáo sư Lê Văn Thiêm ái ngại bảo tôi, “liệu Cartier nó có quan tâm đến cái toán của cậu không”. Liều, vẫn cứ đưa. Hai hôm sau giáo sư Cartieer hẹn đến Viện Toán học làm việc riêng tại Đội Cấn với tôi. Biết tin, giáo sư Lê Văn Thiêm bảo, “ấy chết Viện mình toàn nhà tranh vách đất, có chỗ nào cho cậu tiếp P. Cartier. Thôi cậu lấy phòng viện trưởng của mình mà ngồi làm việc với Cartier nhé”. Tôi thật ái ngại, nhưng rồi cũng vẫn phải lấy phòng đó tiếp khách vì không có lựa chọn nào khác. Sáng ấy giáo sư Lê Văn Thiêm không vào phòng mà để dành phòng cho tôi và giáo sư P. Cartier làm việc cả buổi sáng. Cuối buổi, giáo sư Cartier bảo tôi, “nhưng mà anh có phòng làm việc tốt đấy chứ”. Tôi nói thật là hhông có phòng nào cho tôi cả, đây là phòng của viện trưởng và tôi dẫn giáo sư Cartier đi tham quan “cơ ngơi” Đội Cấn của Viện, toàn nhà tranh vách đất, ở trong nhà nhiều lỗ thủng trên mái tranh, nhìn thấy mây bay trên trời (như lời tả cùa Gs Niels Koblitz trong bài báo nói về Viện Toán học Việt Nam đăng ở The Mathematical Intelligencer). Hào hứng với bản thảo của tôi, giáo sư P. Cartier đã giúp tôi chỉnh sửa và sau này, năm 1982 và 1983 viết thành ba bài đăng trong Comptes Rendus Academie es Science Paris và là loạt công trình được Viện tặng giải thưởng cho nhà khoa học trẻ đầu tiên của Viện.


Trường hè giải tích lồi, lý thuyết điều khiển tại Tam Đảo tháng 7/1983. Nguồn: VTH

Viện Toán học luôn có cơ sở làm việc rất khiêm tốn và chật hẹp. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhờ Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên xây lại cơ sở cho Viện Toán. Lúc đó Viện Toán có hai lựa chọn, hoặc là vị trí gần Nhà hát lớn chỗ khách sạn Hinton ngày nay, hoặc trong khuôn viên Trung tâm Khoa học, là Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam ngày nay. Cái khiêm tốn đã khiến Viện Toán họ chọn chỗ ở là ngôi nhà xây hai tầng hình hộp phấn là chỗ ở ngày nay. Sau nhiều lần chỉnh sửa, ngôi nhà đã đẹp đẽ khang trang, nhưng các cán bộ đều ngồi chung trong một phòng. Một lần có cậu post-doc do Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam (ICTP) gửi đến làm việc với tôi một năm cứ thắc mắc sao là khách mà có phòng một mình còn tôi là trưởng phòng mà cũng không có phòng riêng, hay là có ý ly gián ông ta (ông ta người Thượng Hải). Giải thích mãi ông ta mới hiểu là sự ưu ái của Viện với ông ta. Có lần khác đoàn tham quan của Thái Lan nhất định chụp cái biển ở cửa phòng của tôi, có đến bốn tên người cùng trong một phòng. Họ bảo chưa thấy ở đâu chật như vậy. Bây giờ Viện có thêm nhà mới, có chỗ làm việc đẹp, ai đến cũng suýt xoa chả kém gì ở các Viện cao cấp nước ngoài. 

Sinh hoạt khoa học ngày nay, thời Covid, mọi người có thể làm online giao lưu với cả thể giới. Nhớ lại những năm Viện ở Đội Cấn với hội trường nhìn thấy mây bay trên mái nhà, dưới chân nước mưa lõm bõm còn chưa tiêu kịp. Trong bài ở The Mathematical Intelligencer, giáo sư Niels Koblitz đã mô tả cái cảnh seminar như thế cho cả thế giới hiểu là Việt Nam vẫn làm toán, vẫn thảo luận các công trình của V. I.Arnold, Yu. I. Manin, L. Schwartz, … Có cái thú vị là sau những buổi seminar ngâm chân như thế, bụng đói, nếu mà có ai đó hô to “khao” thế là cả seminar kéo nhau đi quán gió Hồ Tây, dù chỉ đủ kinh phí ăn vài cái bánh tôm hay mấy thanh kẹo lạc, nước chè tươi. Nhưng vậy mà vui. 

Tiếp khách nước ngoài thời đó là cực nhọc, vì không có tiền. Một lần phòng Tôpô-Hình học chỉ đủ tiền chiêu đãi khách Nhật ở quán bún Quốc Tử Giám. Chúng tôi bảo đưa anh ta đi ăn thịt nai rừng. Khách thú vị hào hứng ra mặt. Chúng tôi mời anh ta tự tay mình vắt chanh vào mắm tôm (giới thiệu cho khách là nước sốt), nhìn thấy bọt sủi lên anh ta sung sướng. Món nai “thịt chó mắm tôm bảy món” được ăn ngon lành và thú vị. Nhưng hai hôm sau, tin đến tai ông Trưởng ban Hợp tác quốc tế Viện Khoa học, tôi là trưởng phòng, bị gọi lên chất vấn và khiển trách sao lại cho khách ăn thịt chó, nhỡ họ đau bụng thì sao. Cũng may là đã hai ngày qua đi, anh ta không sao cả, vẫn hào hứng với món nai rừng ngon thật.  Ông Trưởng ban Hợp tác quốc tế bảo “lần sau các cậu phải làm dự trù kinh phí nhé”. “Vâng, chúng em xin lỗi, nhận khuyết điểm”… “nhưng khách ăn thấy ngon và không sao ạ”. Nói vậy thôi chứ làm gì có kinh phí cho cấp phòng chuyên môn tiếp khách.

Ngày nay, Viện Toán học hằng năm có khoảng 60-70 bài in trên tạp chí ISI và chỉ thưởng những công trình đó. Ngày xưa khác, phương châm là “trăm hoa đua nở”, ai làm được gì cũng quí. Ấy thế nhưng mọi người làm việc rất chuẩn mực. mỗi năm viết vài ba bài là cùng. Có lần có một cố giáo sư viết tám bài trong một năm, bị giáo sư Viện trưởng Hoàng Tụy gọi lên cho một trận. Giáo sư đó phải giải thích là bài nó dồn từ nhiều năm trước gộp lại.

Cái triết lý của ngày xưa viết bài là khi làm xong trọn vẹn một vấn đề dù to dù nhỏ. Ngày nay khác, do áp lực “đếm bài ăn tiền” nên có nhiều bài bị nhiều người cắt xé thành nhiều bài, miễn là đăng được. 

Thật là tự hào được là thành viên làm việc ở Viện Toán học 40 năm và bây giờ nhìn thấy Viện ngày càng khang trang, ngày càng được nâng lên tầm cao mới. □

Tác giả

(Visited 43 times, 1 visits today)