Ong nghệ đục lỗ trên lá để cây ra hoa sớm
Các nhà nghiên cứu tại ETH Zürich đã phát hiện ra cách ong nghệ gặm lỗ trên lá cây để thúc đẩy cây nở hoa nhanh, để có nhiều phấn hoa sớm hơn vài tuần so với tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zürich đã tình cờ phát hiện ra điều này khi họ nhìn thấy những vết cắn thử trên lá trong lúc nghiên cứu cách thức loài ong phản ứng với mùi hương của thực vật. Họ thả những con ong nghệ vào nhà kính và quan sát chúng cắt những lỗ có dạng nửa vầng trăng trên lá. Các nhà nghiên cứu tự hỏi, chuyện gì đang xảy ra vậy?
Lúc đầu, họ nghĩ rằng loài côn trùng này có thể ăn chất lỏng tiết ra từ lá cây. Nhưng những con ong không dừng đủ lâu để lấy được nhiều chất lỏng, mà có vẻ chúng cũng không mang các mẩu lá về tổ.
Sau đó, những quan sát sâu hơn chỉ ra một mục đích khác. Họ thấy rằng ong nghệ ở những tổ có ít thức ăn thường hăng hái đục lá hơn. Các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu điều này có kích hoạt cây ra hoa sớm hơn để cung cấp phấn hoa cho những loài thụ phấn đang đói bụng? Thực tế một số cây cũng thường ra hoa nhanh hơn khi bị căng thẳng do bệnh tật hoặc hạn hán – những mối đe dọa khiến cây cối có động lực sinh sản sớm hơn. Tuy nhiên, chưa từng có ai chỉ ra rằng một loài thụ phấn có thể kích thích cây ra hoa. “Tôi nghĩ nó là một phỏng đoán mạo hiểm nhưng có thể thành công”, nhà sinh vật học tiến hóa Mark Mescher tại Viện ETH Zürich, người đồng dẫn dắt nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã thiết lập một thí nghiệm nhà kính với cây mù tạt đen (Brassica nigra). Mười cây mù tạt được đặt trong túi lưới có ong nghệ chưa ăn phấn hoa trong 3 ngày. Những con ong đã gặm 5-10 lá trên mỗi cây. Theo kết quả công bố trên tạp chí Science, trung bình những cây đó đã ra hoa sau 17 ngày, trong khi những cây không bị tổn thương vì không tiếp xúc với ong nghệ phải mất 33 ngày mới ra hoa.
Cơn đói dường như là động lực thúc đẩy loài ong. Khi các nhà nghiên cứu đặt chậu cây và tổ ong lên mái nhà tại khuôn viên Viện ETH Zürich vào đầu mùa xuân trước khi hoa nở, ong nghệ đã cắt lỗ trên lá. Tuy nhiên khi mùa xuân đến, phấn hoa sẵn có hơn, ong nghệ cũng tạo ra ít lỗ hơn.
Để tìm hiểu xem liệu việc làm tổn hại lá có làm cây ra hoa sớm hơn không, các nhà nghiên cứu đã cắt những lỗ có kích thước tương tự trên lá. Những cây này mặc dù ra hoa sớm hơn so với nhóm kiểm soát, nhưng không sớm như những cây bị ong gặm. Nhà sinh thái học hành vi Lars Chittka tại Đại học Queen Mary, London, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho rằng có khả năng là nước bọt của ong có thể chứa các loại hóa chất thúc đẩy nở hoa, tương tự như hóa chất trong nước bọt của các loài côn trùng ăn thực vật để kích thích phản ứng phòng thủ của cây. Các nhà nghiên cứu của Viện ETH Zürich hi vọng có thể xem xét ý tưởng này và nghiên cứu những tín hiệu hóa học bên trong cây sau khi chúng bị cắn. “Nếu chúng ta tìm thấy một vài chất sinh hóa có thể đẩy nhanh tốc độ ra hoa thì đây thực sự là giấc mơ thúc hoa ra sớm với chi phí rẻ cho những người làm vườn”, TS. Chittka nhận xét.
Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ về bản chất hành vi này. Khó có khả năng là ong thợ học được mẹo đó vì chúng chỉ sống được trong vòng 1 tháng và không có đủ thời gian xem xét thành quả công việc của mình. Nếu hành vi đó là bản năng, thì chúng ta vẫn chưa thể hiểu được hành vi đó bắt đầu như thế nào. Chẳng hạn, lợi ích ban đầu của con ong là gì khi nó cắn lá cây? Rốt cuộc, để giúp tổ của mình (chứ không phải những tổ ong ở xa khác), ong sẽ cần phải cắn những lá cây gần nhà. “Bằng cách nào đó, tất cả những điều này đã xảy ra thông qua quá trình tiến hóa thử – sai. Thật đáng ngạc nhiên.” TS. Chittka nhận xét. Ông cũng nói thêm rằng chúng ta mới chỉ ở bước đầu khám phá hiện tượng. Còn rất nhiều câu hỏi cụ thể về chiến lược này của loài ong cũng như cách thức tiến hóa của nó vẫn cần được giải đáp. □
Ngô Hà lược dịch
Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2020/05/hungry-bumblebees-make-plants-flower-early-cutting-holes-their-leaves