PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng: “Theo dấu” tiến hóa virus cúm

Trên con đường theo dấu sự tiến hóa của virus cúm mùa và cúm gia cầm, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng không chỉ có được những công trình nghiên cứu có giá trị mà còn tìm thấy ý nghĩa thiết thực trong công việc âm thầm của mình: góp phần phát triển các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa cúm hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng cùng nhóm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. 

Dù đã gần 20 năm nghiên cứu về virus cúm, với PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng – Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – con virus này, dù là cúm mùa hay cúm gia cầm, luôn ẩn chứa nhiều điều mới mẻ. “Ví dụ như trong quá trình lây nhiễm, hai virus có thể cùng xâm nhiễm vào một tế bào vật chủ, trao đổi và tích hợp bộ gene, tạo ra chủng virus cúm mới có khả năng tránh được miễn dịch của con người, dù trước đó họ đã có được miễn dịch với chủng đang lưu hành trước đó hoặc miễn dịch tạo ra từ vaccine”, chị giải thích. Trong suốt những năm này, chị không chỉ quan sát được những tiến hóa không ngừng của virus cúm qua những lần giải trình tự gene mà còn thấy được những biến chuyển trong nhận thức về cúm ở Việt Nam, từ các cấp quản lý đến người dân: “Trước đây nghĩ đến cúm thì mọi người thường nghĩ rằng ‘cảm cúm ấy mà, một vài ngày rồi hết…’ còn các đại dịch nọ kia thì ở đâu đó chứ không phải ở đây. Nhưng sau khi virus cúm A/H5N1 lây truyền từ gia cầm và được ghi nhận lần đầu tiên trên người tại Việt Nam cuối năm 2003, cái nhìn về cúm đã thay đổi, và chúng tôi cũng có nhiều điều kiện để triển khai các nghiên cứu về cúm hơn”.

Truy tìm dấu vết virus

Tưởng chừng như công việc nghiên cứu về cúm, đặc biệt là cúm gia cầm, của PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng khởi đầu không có gì đặc biệt: tốt nghiệp chuyên ngành Vi sinh vật, khoa Sinh học (Đại học KHTN, ĐHQGHN), chị về làm việc tại Phòng thí nghiệm Virus Hô hấp của Viện Vệ sinh dịch tễ (Bộ Y tế), được cử đi Nhật Bản, Anh và Mỹ để tập huấn các kỹ thuật sinh học phân tử về chẩn đoán các virus lây qua đường hô hấp như virus cúm mùa. Giữa những công việc đều đặn đó, một bất ngờ xảy ra: vào năm 2003, một bệnh nhân từ Hồng Kông sang Việt Nam bị sốt không rõ nguyên nhân và được chuyển vào bệnh viện Việt Pháp điều trị. “Mẫu bệnh phẩm được gửi sang bên đây xét nghiệm. Hồi đó vẫn chưa biết là gì, chỉ nghi là cúm thường thôi, chưa ai biết đến SARS Coronavirus”, chị Hằng kể lại thời điểm lần đầu tiếp xúc với một tác nhân gây bệnh đường hô hấp ngoài virus cúm mùa hằng năm.

Sau dịch SARS đầu năm thì đến cuối năm đó, vào ngày 28/12/2003, chị và đồng nghiệp ở Viện đã phát hiện ra trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1 đầu tiên trên người ở Việt Nam, loại virus mới có độc lực cao, lây trực tiếp từ gia cầm sang người với tỷ lệ trầm trọng của bệnh và tử vong cao. Qua hơn 15 năm nhưng đến nay, chị không quên thời điểm mang tính chất quyết định với công việc nghiên cứu đó của mình. Bằng nhạy cảm của một người làm nghiên cứu, dù khi đó còn non kinh nghiệm nhưng chị đã xác định, ngoài virus cúm mùa, mình sẽ chuyên tâm nghiên cứu về virus cúm lây từ gia cầm sang người (virus cúm A).

Với những người bình thường, virus cúm A chẳng qua là một thủ phạm gây bệnh bên cạnh vô vàn loại bệnh nguy hiểm chết người khác; với những người làm ngành y nói chung, virus cúm A là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng. Còn với người nghiên cứu chuyên sâu như chị Hằng, virus cúm A là một thế giới khác biệt với nhiều bí ẩn, “độc nhất vô nhị” không xuất hiện ở những virus khác, “ví dụ vật liệu di truyền RNA của nó gồm 8 phân đoạn riêng biệt, không phải dạng sợi dài nên trong trường hợp hai virus cúm A cùng xâm nhập vào một tế bào vật chủ thì sẽ có sự trao đổi giữa các đoạn gene của hai virus đấy, mỗi kiểu tổ hợp giữa các đoạn gene đó đều có thể tạo ra một chủng mới”, chị cho biết.

Những yếu tố đặc biệt như vậy đã trở thành chất liệu quan trọng để chị “kể câu chuyện virus” trong các công bố quốc tế – những công trình khi ghép lại có thể cho thấy một phần nhỏ bức tranh về virus cúm A dưới nhiều khía cạnh: các đột biến liên quan đến khả năng tăng độc lực của virus, các yếu tố tiềm tàng của sự trao đổi và tích hợp của virus cúm mùa và virus cúm A/H5N1, tính kháng/giảm độ nhạy của thuốc Oseltamivir với virus cúm trong điều trị/dự phòng cúm, khả năng cảm nhiễm cúm A ở người, khả năng tương tác các bệnh do căn nguyên virus giữa động vật và người… Nhìn sâu vào trong đó, có thể thấy từng dấu vết tỉ mỉ, cần mẫn và điềm tĩnh của một người làm nghiên cứu giàu kinh nghiệm – vừa hết sức cẩn trọng từ việc phân lập các virus hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng, thực hiện nhiều phương pháp để khẳng định độ chính xác của các kết quả xét nghiệm lại vừa hết sức linh hoạt trong việc thiết kế chọn mẫu và tìm giải pháp ngay khi không có mẫu như dự kiến. Thậm chí, ở đó cũng còn chút bóng dáng của nỗi sợ rất đời thường ở giai đoạn mới bắt đầu, “hồi mới xét nghiệm để xác định virus bệnh SARS, chưa biết nó như thế nào nhưng thấy căn bệnh lây lan khủng khiếp, bọn mình cũng sợ lắm. Khi đó, mình vẫn chủ yếu nghiên cứu về cúm mùa, nên phòng thí nghiệm vẫn là an toàn sinh học cấp 2. Không biết bảo vệ mình như thế nào cho đúng”, chị Hằng nhớ lại những trải nghiệm trong nghiên cứu của mình.

Theo sát những xu hướng mới

Việc thực hiện các dự án và xuất bản các công bố quốc tế, theo quan điểm của PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, là một chuyện tất nhiên của người làm ở viện nghiên cứu. Dù con số 33 công bố trên các tạp chí ISI như Theranostics, Biosensor and Bioelectronics, Journal of Infectious Diseases, PloS ONE… chưa hẳn là nhiều so với các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực khác, nhưng với chị, đó là kết quả của những nỗ lực từng bước trên con đường làm khoa học. “Vào những năm 2000 thì trong ngành Y, chỉ có các giáo sư mới có công bố quốc tế, còn nhân viên mới như mình thì việc có công bố trên tạp chí trong nước như Y học dự phòng đã là ‘hoàn hảo’ rồi”, chị kể lại như vậy.

Cách làm tuần tự đó của chị bất ngờ bị phá vỡ đúng vào năm 2005, thời kỳ “nóng” của virus cúm A/H5N1. Khi đó, thuốc cúm Oseltamivir mới được dùng điều trị bệnh chưa lâu. Tuy nhiên, trong một lần xét nghiệm, chị và đồng nghiệp phát hiện ra một bệnh nhân người miền Bắc kháng thuốc – trường hợp kháng thuốc đầu tiên tại Việt Nam với sự phối hợp của nhóm nghiên cứu giáo sư Yoshihiro Kawaoka ở trường Đại học Tokyo, Nhật Bản tiến hành phân tích, giải trình tự gene… Kết quả của trường hợp này là bài báo “Avian flu: Isolation of drug-resistant H5N1 virus” được đăng trên Nature vào tháng 10/2005”. Dù mới đóng góp một phần nhỏ vào công trình đáng nhớ ấy nhưng điều đó cũng đủ sức động viên chị phải có nhiều công bố quốc tế trong tương lai.

Với nỗ lực tìm tòi những điều mới mẻ và khai thác những dữ liệu sẵn có, chị và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu, trong đó PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai là người luôn theo sát đã tìm được hướng tiếp cận hợp lý để duy trì mạch công bố. Quá trình ấy được bổ trợ rất nhiều khi nhận được cả sự đầu tư của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, với một hệ thống cơ sở vật chất khá hiện đại và một lực lượng đủ mạnh. “Mình có thiết bị tốt, có con người được đào tạo, tập huấn quốc tế, có số liệu tốt, tại sao mình không công bố quốc tế”, chị suy nghĩ như vậy. Do đó ngay cả khi cúm mùa chưa được giám sát toàn diện trên cả nước thì chị vẫn có công bố “Epidemiology of Influenza in Hanoi, Vietnam, from 2001 to 2003” trên tạp chí Journal of Infection vào năm 2007.

Trong quá trình nghiên cứu, việc trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế cũng khiến chị nhanh chóng nắm bắt được xu hướng mới của thế giới. Nhờ vậy, khi Tổ chức Y tế thế giới giới thiệu khái niệm One Health trong y tế hiện đại,– một cách tiếp cận liên ngành, thu hút nhiều bên tham gia, thực hiện từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường, chị đã nghĩ đến chuyện “làm một điều gì đó như vậy ngay tại Việt Nam”, một nghiên cứu về sự tương tác giữa gia cầm và con người theo không gian và thời gian. Chị giải thích: “Tôi muốn tìm hiểu sự liên hệ giữa người và gia cầm bị nhiễm cúm A theo cách là người nhiễm có liên quan gì đến gia cầm nhiễm trong cùng thời điểm và trên cùng địa phương hay không để trả lời câu hỏi virus cúm trên gia cầm có những đột biến này nhưng khi lây sang con người, virus còn giữ nguyên những đột biến này không, hay nó biến đổi thành những đột biến khác để dễ dàng thích nghi trên người ?”

Chị đã lên khung nghiên cứu với sự tham gia của ba bên: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC). “Cái khó của nghiên cứu là dù có tư liệu nhưng không phải có sẵn số liệu phù hợp ở đâu đó, mình phải tập hợp lại và chọn lọc ra thứ mình cần”, chị cho biết. Trên thực tế, để có được “thứ mình cần” đó cũng phải mất 6 tháng “vì trong giai đoạn 2003-2010 thì cả Việt Nam chỉ có 119 trường hợp nhiễm cúm A nhưng bên thú y họ có một lượng mẫu khổng lồ trên gia cầm, phải tính toán lựa chọn để tìm đúng mẫu tương ứng”. Với những kinh nghiệm đã được tích lũy, chị và đồng nghiệp đã xác định được những điểm mấu chốt của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010: sự tiến hóa nhanh của virus, thống kê các đột biến trong tương tác người – động vật của virus, mối tương quan về không gian và thời gian giữa sự xuất hiện của virus trên gia cầm và người. Những kết quả đó được trình bày trong bài báo “Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal– Human Interface in Vietnam, 2003–2010”, xuất bản trên tạp chí The Journal of Infectious Diseases, một trong số các tạp chí uy tín trên thế giới về nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm với chỉ số ảnh hưởng (IF) là 6,732. Đây cũng là công trình lọt vào vòng xét chọn cuối cùng của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019.

Với PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, niềm vui chị có được không chỉ ở việc có những bài báo quốc tế hay bổ khuyết những thông tin về cúm ở Việt Nam trên bản đồ thế giới mà còn ở những đóng góp âm thầm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng: “Mình đã tham gia Mạng lưới cúm toàn cầu nên hằng năm, mình vẫn phân lập và gửi chủng tới Trung tâm CDC Atlanta để báo cáo chủng đại diện ở Việt Nam (50 chủng/năm). Trên cơ sở chủng của mình và nhiều quốc gia khác trong mạng lưới, họ phân tích để dự báo chủng nào sẽ lưu hành chủ yếu, qua đó chuẩn bị loại vaccine cúm mùa năm tới”. Đó cũng là lý do để chị và những người trụ cột của nhóm mong muốn “khám phá vùng đất virus cúm màu mỡ để cung cấp bằng được những câu trả lời nhanh, chính xác cho cộng đồng”.

Những năm 2003-2004 là giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi với nhận thức bệnh truyền nhiễm đã trở nên nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các tác nhân mới, lây lan nhanh chóng và mang tính chất toàn cầu. Những tiến bộ về kỹ thuật sinh học phân tử được áp dụng trong chẩn đoán góp phần xác định nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh, góp phần kiểm soát và điều trị bệnh có định hướng chính xác. Bên cạnh đó, nhận thức về an toàn sinh học, đặc biệt với các tác nhân nguy hiểm, lần đầu tiên được hiểu và quan tâm đúng mức. Được sự quan tâm của Ban giám đốc Viện, nhóm nghiên cứu đã được làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học với phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp 2 + tại thời điểm đó, theo PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng.

 

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/theo-dau-tien-hoa-virus-cum/20190321021546200p1c160.htm

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)