Phác thảo chính sách cho tài năng KH&CN

Đề án Chính sách sử dụng và trọng dụng, phát huy tài năng cán bộ KH&CN giai đoạn 2006–2010 đang được Bộ KH&CN nỗ lực hoàn thiện. Với mong muốn có được ý kiến đóng góp của các nhà quản lý trong lĩnh vực KHXH, ngày 20/10, Nhóm chuyên gia Bộ KH&CN đã thảo luận với Viện KHXH về bản đề cương của Đề án.

Khoanh vùng đội ngũ cán bộ tài năng
Điều đầu tiên cần chú ý đến đối tượng của đề án là cán bộ KH&CN có tài năng. Hiện nay vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng thế nào là “người tài”. Theo ý kiến của ông Đỗ Tiến Sâm (Viện nghiên cứu Trung Quốc), cần phải xác định nội hàm khái niệm “nhân tài”. Những người có tài nhưng không nghiên cứu, những người tham gia viết báo, tham gia nghiên cứu nhưng không có kết quả có thuộc phạm vi được trọng dụng của Nhà nước hay không, đến nay vẫn còn gây tranh luận. Các ý kiến cũng cho rằng cái thiếu nhất của chúng ta không phải là người tài, người có khả năng mà thiếu nhất là xây dựng cơ chế cho từng loại. Để trên cơ sở đó, có được quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, trọng dụng người tài. Hiện nay có một thực tế đáng buồn là chúng ta đang sống trong môi trường mà tri thức thực sự chưa được đãi ngộ thỏa đáng. Vấn đề là chúng ta thiếu tiêu chí, chuẩn mực, hệ giá trị để đánh giá. Đã đến lúc có chính sách trọng dụng tài năng, đánh giá đúng đắn công sức, thành quả của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực, cả KHTN, KHCN, KHXH&NV. Hơn nữa, cũng cần xác định, phân loại các nhà khoa học. Họ là những người làm việc trong các viện nghiên cứu hay cả những nhà khoa học tham gia công tác giảng dạy, những nhà khoa học tham gia công tác quản lý?… Cũng theo ông Sâm, ở Trung Quốc, người ta chia nhân tài thành 4 nhóm: nhân tài trực tiếp tham gia sản xuất vật chất, nhân tài nghiên cứu khoa học, truyền thụ tri thức, nhân tài quản lý và các sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc trong các trường đại học. Điều quan trọng là phải nắm được đội ngũ ấy như thế nào. GS. Vũ Đình Cự cho biết: “Từ trước đến nay chúng ta chưa có được cơ sở dữ liệu tổng hợp về đội ngũ các nhà khoa học. Chúng ta có hơn 10 ngàn tiến sĩ, 14 ngàn thạc sĩ, và hơn 2 triệu người tốt nghiệp đại học song nếu có người hỏi hơn 10 ngàn tiến sĩ ở đâu, thuộc ngành nào, họ đang làm gì thì chưa có được câu trả lời. Có số liệu song còn lẻ tẻ, khu biệt ở từng bộ, ngành và chưa có được thống kê đầy đủ”. Bởi vậy, nội dung đầu tiên trong bản đề án chính là: “Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ cán bộ KH&CN”.
Đề án cũng tập trung vào đối tượng khá rộng: Có chính sách cho cán bộ khoa học đã nghỉ hưu, có chính sách cho cán bộ khoa học trẻ, có chính sách cho các nhà khoa học Việt Kiều, có chính sách cho những người có tài năng đặc biệt trong một lĩnh vực nhất định… Trong đó, đầu tư cho đội ngũ cán bộ trẻ là mục tiêu quan trọng mà đề án hướng tới, bởi đây chính là lực lượng nòng cốt cho nền khoa học hiện đại. Ông Nguyễn Thiết Sơn (Viện nghiên cứu châu Mỹ) phát biểu: “Hiện nay nhóm cán bộ nghiên cứu đã tập hợp được những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm song còn thiếu vắng những nhà khoa học trẻ. Vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy, cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ khoa học để thích ứng với môi trường khoa học năng động trong xu thế hội nhập thế giới”.

Lương là sự đầu tư có lãi nhất
 Hiện nay thu nhập của các nhà khoa học của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Lương của Giáo sư Viện trưởng Việt Nam chỉ bằng 1/10 lương của Giáo sư Viện trưởng Trung Quốc. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi: Đóng góp của Viện trưởng Việt Nam có thua kém Viện trưởng Trung Quốc hay không? Các nhà khoa học Việt Nam đã được trọng dụng đúng hay chưa? Có đề xuất từ nay đến năm 2010, mức lương của các nhà khoa học sẽ được tăng đến khoảng 1000 USD. Bởi vậy, các ý kiến đều hướng đến chính sách đãi ngộ (nhất là về tiền lương) cho các nhà khoa học, giúp họ ổn định về đời sống vật chất có điều kiện đi sâu nghiên cứu, dành hết tâm huyết để cống hiến. Theo ý kiến của ông Đinh Bộ Lĩnh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) nên coi lương là một sự đầu tư, là một sự đầu tư cho khoa học có lãi nhất. Và hơn hết, tất cả các chính sách không nên biến thành đặc quyền đặc lợi cho các nhà khoa học, mà chính sách ấy phải dựa trên đặc thù của nước ta. Điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ đặc điểm đất nước, các chính sách đều không thể thoát ly khỏi đặc điểm kinh tế Việt Nam. Ở Thái Lan, mức thu nhập bình quân hàng tháng của các nhà khoa học hiện nay là 2500 USD, song chính họ cũng chưa có được đội ngũ cán bộ khoa học có “tầm”. Nếu làm phép so sánh ở đây, các nhà khoa học Việt Nam với mức lương 1000 USD liệu có tạo dựng được một đội ngũ nhân tài khoa học xứng đáng cho đất nước hay không? Theo ông Nguyễn Thiết Sơn, bản đề án còn khá rụt rè vì không đưa ra hệ thống lương cụ thể, cần có sự khác biệt giữa mức lương của những người tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp nghiên cứu sinh. Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có được bậc lương riêng cho những người được đào tạo sau đại học nên các cơ quan ban ngành liên quan cần xem xét lại.
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách đãi ngộ tài năng nên tập trung tới các khía cạnh: thu nhập cho các nhà khoa học, môi trường, điều kiện làm việc và chính sách tôn vinh thỏa đáng đối với những thành tựu, cống hiến của giới khoa học. Ngoài đãi ngộ về mặt vật chất, chính sách cũng tập trung đến việc động viên về mặt tinh thần cho các nhà khoa học bằng cách tôn vinh qua các giải thưởng, danh hiệu. Việc làm này vừa thể hiện sự tôn trọng, đánh giá đúng tài năng, vừa khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học có nhiều đóng góp có ý nghĩa cho đất nước. Không chỉ có vậy, làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được dư luận xã hội tốt cho các nhà khoa học cũng là một việc cần chú trọng thực hiện.
Song bên cạnh đó cũng phải chú ý đến việc đãi ngộ sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Không nên để các nhà khoa học bị ràng buộc, lệ thuộc bởi các chính sách về đất đai, nhà cửa, tiền lương, và những nhu cầu khác của đời sống vật chất.

Tìm hướng đi cho thành quả của các nhà khoa học

Một thực tế đặt ra là việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của các nhà khoa học cũng là một trong những vấn đề được các lãnh đạo KHXH quan tâm. Các ý kiến đều xoay quanh việc nên chăng đề án cần có cam kết cụ thể, rõ ràng về sản phẩm của các nhà khoa học. Bởi hiện nay, như bên ngành KHXH, có những công trình, những đề tài chưa được thực thi, những cuốn sách chưa được xuất bản. Theo ông Nguyễn Xuân Kính (Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian) cần chú trọng hơn nữa đến tính dân chủ trong khoa học xã hội. Bởi với đặc thù của ngành, “nếu không có được sự bảo đảm sẽ dễ trở thành nghiên cứu giáo điều. Cần tự do trong nghiên cứu KHXH. Có những người nghiên cứu 10 năm nhưng không có sản phẩm cũng không thể đánh giá họ kém được”. Một cơ chế dân chủ trong khoa học sẽ giúp các nhà nghiên cứu giải phóng tư tưởng, tạo cho họ một môi trường tranh luận lành mạnh. Ông Đỗ Tiến Sâm nhấn mạnh: “Nếu coi KH&CN là “sức mạnh cứng” của đất nước thì phát triển KHXH là giải pháp quan trọng tăng “sức mạnh mềm” của đất nước, có như vậy mới mong “góp phần đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển” như mục tiêu mà chính sách đã đề ra”. 
Ngoài những quan điểm trên, các ý kiến cũng góp ý bản đề án nên có thêm phần đánh giá thực trạng chính sách sử dụng, trọng dụng, phát huy tài năng cán bộ nghiên cứu KH&CN, tổng kết trong 20 năm đổi mới, những ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm để có kiến nghị, có cơ sở xây dựng chính sách mới cho phù hợp. Và với quy mô của đề án khá lớn như vậy thì vấn đề thời gian cũng cần cân nhắc lại khi mục tiêu của đề án đặt ra là: “Xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học và nền KH&CN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực vào khoảng năm 2010”. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia cũng cần có sự cân bằng giữa KHTN, KHCN với KHXH&NV. Chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ cũng nên phân thành nhóm, ngành theo đặc thù và phải chú trọng đến vấn đề liên ngành.
————–
Chú thích ảnh: GS. Vũ Đình Cự đang nghe các ý kiến
– Xây dựng tiêu chí đối với đối tượng cụ thể tương ứng với chính sách ưu đãi cụ thể (Ví dụ Chính sách cấp nhà đất, cử đi đào tạo, cấp kinh phí nghiên cứu…)
– Chính sách cụ thể gắn với trách nhiệm của nhà khoa học (nếu hoàn thành nhiệm vụ được ưu đãi và tôn vinh xứng đáng)
– Chính sách phải dựa vào hiệu quả nghiên cứu, đóng góp cho xã hội (Ví dụ không cần có hệ thống lương riêng biệt, nhưng có chế độ trợ cấp theo kết quả nghiên cứu, có cơ chế thẩm định và đánh giá để trợ cấp đúng đối tượng, không nên hỗ trợ đồng loạt)
– Có chính sách đãi ngộ trong hợp tác quốc tế (ai có thành tích nghiên cứu ở mức nào thì được đi tham quan, thực tập ở nước ngoài bằng tiền ngân sách hay một phần tiền ngân sách, cán bộ được giải thưởng của nước ngoài thì trong nước cũng được khen tương xứng)
– Có chính sách cụ thể cho cán bộ khoa học trẻ. Giao cho cơ quan, tổ chức nào quan tâm theo dõi và hỗ trợ cán bộ trẻ làm khoa học từ khi phát triển đến khi thành đạt. Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ trẻ có tài năng…
(Trích một số nội dung của đề cương “Đề án: Chính sách sử dụng và trọng dụng, phát huy tài năng cán bộ KH&CN giai đoạn 2006 – 2010”) 

Thúy Hằng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)