Phải dám chấp nhận rủi ro
Giáo sư Jeorome Isaac Friedman là nhà vật lý người Hoa Kỳ, làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusets. Friedman nhận giải thưởng Nobel năm 1990 cùng với Richard E. Taylor và Henry W.Kendall nhờ một loạt các thí nghiệm diễn ra từ năm 1967-1973, tìm ra hạt cơ bản được xem là “viên gạch” của vật chất: hạt quark (chứ không phải là neutron hay proton như trước đây người ta nghĩ trước đó). Giáo sư Friedman đã có cuộc trao đổi với PV Nguyễn Văn Minh nhân dịp ông sang Việt Nam dự Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 39).
Khi còn học phổ thông, tôi mơ ước trở thành một họa sỹ và đã theo học một lớp đặc biệt để chuẩn bị thi vào trường hội họa. Và đương nhiên là, tôi học rất ít về toán, còn đối với vật lý, thậm chí còn ít hơn. Khi học lớp 12, tôi bắt đầu thấy thích vật lý sau khi đọc một cuốn sách về lý thuyết tương đối của Albert Einstein. Môn học này ngay lập tức lôi cuốn tôi và thay vì nhận một học bổng để theo học về nghệ thuật ở Học viện nghệ thuật Chicago, tôi quyết định theo học vật lý ở Đại học Chicago. Lúc đầu tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi nền tảng toán học quá kém, thế rồi nhờ chăm chỉ, tôi cũng vượt qua được tất cả.
GS có thể nói ngắn gọn việc tìm ra hạt quark cho một người không hiểu biết nhiều về vật lý?
Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chỉ nghiên cứu về các hạt nhỏ nhất và các lực liên kết chúng với nhau với mục đích là chứng minh định luật căn bản nhất của tự nhiên bằng thực nghiệm.
Trước đây proton và neutron, những hạt cấu thành nên nguyên tử, vẫn luôn được coi là các hạt cơ bản. Nhưng qua các thí nghiệm chúng tôi phát hiện là còn có những hạt nhỏ hơn, tạo nên hạt proton và neutron, đó là các hạt quark, đồng thời những nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra được một số tính chất của lực liên kết các hạt quark đó với nhau. Điều này dẫn đến một chuyên ngành lý thuyết về “Động học đồng cực lượng tử”, mô tả về loại lực siêu mạnh gắn kết các hạt quark với nhau và tạo thành hạt nhân nguyên tử. Hạt quark và lý thuyết về động học đồng cực lượng tử trở thành cơ sở cho Mô hình chuẩn của các hạt vật lý, là mô hình có thể giải thích được các hiện tượng vật lý hạt năng lượng cao.
Cảm xúc đầu tiên khi GS biết mình nhận giải Nobel là gì? Ông có ngạc nhiên? Lúc đó ông đang ở đâu?
Tôi đã hết đỗi ngạc nhiên. Tôi gần như không thể tin được điều này. Lúc đó tôi đang ở Fort Worth, Texas để chuẩn bị cho một cuộc hội thảo vật lý.
Theo GS làm thế nào để khuyến khích trẻ em theo học vật lý khi mà phần lớn chúng đều cho rằng vật lý thật rắc rối và khó hiểu?
Tôi đến với vật lý bởi sự tò mò đối với các hiện tượng tự nhiên. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm trẻ em thích vật lý nếu chúng ta giúp chúng hiểu được hết các điều bí ẩn trong tự nhiên. Chúng ta cũng có thể dạy chúng thông qua cách đặt câu hỏi về các hiện tượng xảy ra xung quanh ta. Chúng ta cũng nên giải thích cho chúng hiểu, bằng một cách đơn giản nhất, về các vật dụng thường ngày dựa trên vật lý như điện thoại di động, radio, TV… Điều này giúp vật lý gần gũi với cuộc sống của chúng. Để làm cho trẻ cảm thấy yêu thích bất cứ ngành khoa học nào, điều đầu tiên là phải kích thích được trí tưởng tượng của chúng.
GS có lời khuyên nào dành cho các nhà khoa học trẻ, những người đang tiếp bước ông?
Đến với khoa học, tức là bạn phải thực sự yêu thích và chỉ làm việc với những gì khiến bạn cảm thấy thích thú. Nếu bạn đang đi theo một hướng mới và người ta khuyên bạn là không nên, bạn hãy dám tin vào chính mình. Bạn phải biết chấp nhận rủi ro nếu như bạn muốn làm được điều gì đó thực sự có ý nghĩa.
Theo GS đâu là phẩm chất tạo nên một nhà khoa học lớn?
Có rất nhiều phẩm chất để tạo nên một nhà khoa học vĩ đại. Trong đó chắc chắn phải có tính tò mò, tiếp đó là tính cởi mở để chấp nhận những ý tưởng mới, rồi đến khả năng chịu đựng hy sinh vì công việc và cuối cùng là phải dám chấp nhận mạo hiểm.
Cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!