Phải tiếp tục tìm hiểu về nguồn gốc COVID sau báo cáo của WHO

Các nhà khoa học cho rằng việc săn tìm nguồn gốc đại dịch COVID phải được tiếp tục, sau khi một đoàn chuyên gia của WHO tới Trung Quốc không tìm ra được lời giải cho những câu hỏi chính về việc coronavirus bắt đầu lây nhiễm lên con người như thế nào.

Quang cảnh buổi họp báo kéo dài ba tiếng đồng hồ sau khi kết thúc chuyến điều tra của WHO tại Trung Quốc. 

Sau cuộc họp báo vào ngày 9/2 tại Vũ Hán,Trung Quốc, các thành viên của đoàn chuyên gia WHO đã báo cáo một loạt kết luận từ cuộc điều tra về nguốn gốc của coronavirus tại đất nước này, vốn được nhắc đến như một căn bệnh bí ẩn trong tháng 12/2019. Các nhà nghiên cứu đã bác bỏ một giả thiết gây tranh cãi là virus này bị “sổng” một cách tình cờ khỏi một phòng thí nghiệm, và đề xuất là SARS-CoV-2 có lẽ được truyền cho người từ một vật chủ trung gian – ngay lập tức trở thành giả thiết được các nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, đoàn điều tra còn đề xuất hai giả thuyết khác do chính phủ Trung Quốc xúc tiến: có thể là virus này, hoặc là tổ tiên của chúng, đến từ một loài vật ở ngoài Trung Quốc, và một khi virus được lưu hành trên người thì nó có thể lan truyền sang con khác trên động vật hoang dã bị đông lạnh hoặc hàng hóa đông lạnh. Giả thiết này đã được truyền thông Trung Quốc thúc đẩy.

Giới khoa học có đánh giá khác nhau về những phát hiện của cuộc điều tra này. “Vẫn còn có những tảng đá lớn cần được nhấc lên bởi bất kỳ cuộc điều tra nào về nguồn gốc của virus không thể nào hoàn thành trong vòng hai tuần,” Angela Rasmussen, một nhà virus học tại trường đại học Georgetown, nói. “Nhưng điều quan trọng là điều này đã đặt ra công việc nền tảng cho một điều tra dài hơn trong sự hợp tác với chính quyền Trung Quốc”.

Một số nhà nghiên cứu nói đoàn chuyên gia, bao gồm 17 người Trung Quốc và 17 chuyên gia quốc tế, dường như đã đặt nhiều câu hỏi và truy cập vào một lượng lớn dữ liệu. “Dường như đoàn WHO và đồng nghiệp Trung Quốc của họ đã triển khai một cách tiếp cận dựa trên sự đo lường, xem xét dữ liệu sẵn có một cách thích hợp và trao đổi với đúng người,” David Robertson, một nhà vi trùng học tại trường đại học Glasgow, Anh, nói. Robertson cho biết ông hi vọng các chi tiết chính xác hơn sẽ được công bố trong báo cáo của đoàn, vốn đang được giới khoa học chờ đợi.

Không thoát ra từ phòng thí nghiệm

Nhưng các nhà khoa học khác cho biết vẫn chưa rõ bằng chứng mà nhóm chuyên gia sử dụng để đưa ra những kết luận của họ. Các phát hiện không làm thay đổi bức tranh đã có là virus có nguồn gốc từ động vật, Nikolai Petrovsky, một nhà miễn dịch học tại trường đại học Flinders ở Adelaide, nói với Trung tâm truyền thông khoa học Úc. Và đánh giá dường như đi xa hơn bởi nó nhấn mạnh đến hai giả thuyết mà chính quyền Trung Quốc thúc đẩy. Petrovsky cho rằng bằng chứng giới hạn cho ý tưởng sự lan truyền sớm ở Trung Quốc có liên quan đến chuỗi hàng hóa đông lạnh như thịt “vượt ra ngoài dữ liệu tương đối yếu đã có trong phạm vi công khai”. Tuy vậy ông cũng biết là nhóm chuyên gia có lẽ có được sự truy cập vào thông tin mà hiện chưa được công khai.

Đoàn chuyên gia WHO đi kiểm tra thực địa tại chợ cá Huanan.

Dominic Dwyer, một nhà vi trùng học tại Trung tâm bệnh lý y học New South Wales và là một thành viên của đoàn chuyên gia WHO, nói có một số bằng chứng cho thấy coronavirus có thể lan truyền trên cá và thịt bị nhiễm bẩn ở các chợ ở Trung Quốc, và nhiều chi tiết sẽ được đưa vào báo cáo.

Một trọng tâm khác của chuyến đi là điều tra ý tưởng virus thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm  – có kịch bản mà họ nói là không thể. Peter Ben Embarek, một nhà khoa học về an toàn thực phẩm phụ trách đoàn chuyên gia, nói là đoàn đã thực hiện những cuộc thảo luận mở rộng với các thành viên của Viện Vi trùng Vũ Hán (WIV), vốn là trung tâm của suy đoán, và tới nhiều phòng thí nghiệm khác ở Vũ Hán. Ông nói sự thoát ra là không thể bởi vì các nhà khoa học không biết về virus trước tháng 12/2019.

Dwyer nói, đoàn chuyên gia không thấy chứng cứ nào cho thấy virus từ một phòng thí nghiệm. “Hiện tại liệu chúng ta đã chứng tỏ được tất cả mọi điều không? Anh không bao giờ có thể biết được. Đoàn không được thiết kế để đến và làm một cuộc thẩm tra thực tiễn công việc của một phòng thí nghiệm theo kiểu pháp y.”

Cuộc điều tra đã cung cấp nhiều nội dung hơn và cái nhìn thấu suốt hơn vào những gì đã xảy ra ở Vũ Hán, Jason Kindrachuck, một nhà vi sinh vật tại trường đại học Manitoba, nhận xét. Nhưng sự chia rẽ giữa giả thiết “nhảy ra từ phòng thí nghiệm” và “nguồn gốc tự nhiên” đã trở nên sâu sắc hơn vì đại dịch tiến triển và trở nên mang màu sắc chính trị hơn, ông cho biết thêm. “Không nên đổ thêm dầu vào lửa nữa.”

Các trường hợp ban đầu ở Vũ Hán

Cuộc điều tra đặt mối quan tâm vào những ngày đầu của đại dịch ở Vũ Hán – nơi những trường hợp của một “chứng bệnh do virus gây ra” được nhắc đến trong tháng 12/2019 – và cố gắng hạ bớt sự chú ý trong thời điểm những trường hợp bị lây nhiễm đầu tiên ở thành phố này. Đoàn WHO đã xem xét các hồ sơ bệnh án trong thành phố và cả vùng với những thay đổi bất thường về những căn bệnh giống cúm và nhiễm trùng đường hô hấp nặng, việc mua thuốc trị ho và cảm lạnh, tình trạng tử vong liên quan đến viêm phổi vào nửa cuối năm 2019. Họ cũng xem lại việc xét nghiệm mẫu RNA của virus SARS-CoV-2 lấy từ 4.500 bệnh nhân, và phân tích các mẫu máu có khang thể chống lại virus. Trên cơ sở các phân tích đó, họ không tìm thấy bằng chứng về việc virus lưu hành trong thành phố trước tháng 12/2019.

Nhưng việc vẫn còn thiếu những dấu hiệu rõ ràng về việc lây truyền không có nghĩa là virus này không có mặt trong cộng đồng vào thời điểm đó, Dwyer nói. Phân tích của đoàn đã dựa trên cơ sở dữ liệu có giới hạn và một hệ thống giám sát không được thiết kế để “tóm” một virus có thể đã lan truyền một cách lặng lẽ. Để đánh giá một cách chính xác là virus có mặt ở đây sớm hơn tháng 12 không, các nhà nghiên cứu có thể phải dò những gì đã diễn ra ở cộng đồng rộng lớn hơn, không chỉ trong các cơ sở y tế, ông thừa nhận.

Và dẫu đoàn điều tra có đi theo thuyết virus có nguồn gốc động vật thì họ cũng không nhận diện được loại động vật có thể truyền virus sang người. Ben Embarek nói cac nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều loại động vật được nuôi trong nhà, nuôi trong trang trại và động vật hoang dã trong đất nước nhưng không tìm thấy bằng chứng cho thấy virus đã hiện diện hoặc tiếp tục lưu hành trên các loài đó.

Petrovsky cho rằng phát hiện về lan truyền từ động vật có thể là một bài học quan trọng: “Nếu đại dịch này là từ một sự kiện lan truyền từ tự nhiên thì chúng ta có thể chờ đợi những lan truyền tương tự liên quan đến các coronavirus từ những vật chủ tương tự sang người trong những năm tới.”

Cần xem xét thêm

Đoàn WHO cho biết là các điều tra ở Vũ Hán và vùng lân cận cần phải được tiếp tục, cụ thể là dõi theo những trường hợp đầu tiên, vốn có thể giúp hiểu về cách đại dịch bắt đầu như thế nào. Họ đề xuất phân tích các mẫu cũ hơn từ các ngân hàng máu trong vùng và những vùng lân cận, bao gồm sử dụng các xét nghiệm kháng thể có thể đưa ra những truy dấu lây nhiễm.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết cần nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về vai trò có thể của việc đông lạnh các dạng sống tự nhiên trong lan truyền virus và liệu con người có bị lây nhiễm qua chu trình nay không. Các xét nghiệm mở rộng hơn về động vật có thể đóng vai trò là ổ bệnh cũng cần được tiến hành, đoàn WHO lưu ý.

“Tôi đã nghe nhiều về các kế hoạch nghiên cứu như vậy,” Rasmussen nói. Có nhiều mẫu virus được lưu trữ trong các phòng thí nghiệm chưa được giải trình tự nhưng cần có kế hoạch và tiền bạc, bà cho biết.

Giới khoa học cho biết lời khuyên của đoàn WHO về việc mở rộng tìm kiếm nguồn gốc virus ngoài Trung Quốc là đúng đắn, đặc biệt là một số báo cáo mới về coronavirus là họ hàng gần với SARS-CoV-2 được tìm thấy trên dơi ở Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan.

Trong một nghiên cứu xuất bản trên Nature Communications vào ngày 9/2, các nhà khoa học đã báo cáo một phát hiện ra loài coronavirus mới với tên gọi RacCS203 có trên dơi (Rhinolophus acuminatus) bắt được trong một hang động ở Đông Thái Lan vào tháng 6/2020. 91,5% hệ gene của virus này tương đồng với hệ gene của SARS-CoV-2. Dẫu không gần gũi với virus gây ra đại dịch nhưng phát hiện này cho thấy những virus họ hàng gần của nó lưu hành tại Đông Nam Á. “Không nghi ngờ gì nữa, nếu tôi chỉ có một cơ hội khảo sát thì tôi sẽ khảo sát ở Đông Nam Á hơn là trong Trung Quốc”, Linfa Wang, một nhà virus học tại trường Y đại học quốc gia Singapore, người dẫn dắt thực hiện công trình này.

Các nhà khoa học đã nhận diện nhiều coronavirus họ hàng gần với virus gây đại dịch trong các mẫu dơi đông lạnh lưu trữ ở Campuchia và Nhật Bản. Họ cũng có các mẫu dơi ở Trung Quốc trong vòng 15 năm. Điều này có thể giúp nhận diện được virus họ hàng gần SARS-CoV-2 là RaTG13, trong một loài được cho là dơi ngựa (Rhinolophus affinis). Hệ gene của hai loài này trùng nhau tới 96%. “Nếu chúng ta có cùng một quyết tâm, kinh phí thực hiện ở Đông Nam Á thì chúng ta có thể có nhiều loại virus họ hàng gần của nó hơn,” Wang dự đoán.

Thanh Phương dịch

Nguồnhttps://www.nature.com/articles/d41586-021-00375-7

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)