Phản biện mở
Từ khoảng giữa thế kỷ 20, phản biện đã trở thành một tập quán vững chắc trong sinh hoạt học thuật quốc tế. Gần đây, quy trình này đã được xem xét lại và hoàn thiện hơn nữa nhằm tạo điều kiện tối đa cho tư duy sáng tạo mà vẫn duy trì được chất lượng và sự minh bạch trong trao đổi học thuật.
“Phản biện trước xuất bản” là một cách dịch thuật ngữ “peer review” do chúng tôi đề xuất, trong đó “review” có nghĩa là “bình luận, xét duyệt, đánh giá, kiểm định”, còn “peer” có thể được hiểu là “đồng nghiệp”, hoặc “những người có chuyên môn và trình độ tương đương với mình, có thể làm đối trọng cho mình”. Một cách chính xác, có lẽ “peer review” nên được hiểu là “đối luận” hoặc “đối duyệt”.
Bất cập dễ nhận thấy đầu tiên của quá trình phản biện trước xuất bản là khá mất thời gian, thường kéo dài từ vài tháng đến một năm, thậm chí vài năm. Quá trình giao tiếp giữa biên tập viên và những người phản biện và tác giả thường có thể bị đình trệ vì nhiều lý do, trong đó có thực tế là những người phản biện thường là các học giả có uy tín cao, thường có rất nhiều công việc và nghĩa vụ hằng ngày, vì vậy không phải lúc nào cũng sắp xếp được thời gian duyệt bản thảo và viết bài nhận xét.
Một nguy cơ trong quá trình phản biện là khả năng kiểm soát hoặc ảnh hưởng của một số ít học giả ưu tú đối với quá trình xuất bản, hoặc tác động tiêu cực của tính ganh đua và ghen tị cá nhân. Một học giả dù uy tín cao đến đâu, có thiện ý xây dựng và mong muốn mình công tâm tới mức nào, cũng vẫn là con người với những cảm xúc cá nhân nhất định. Vì vậy, có một xu hướng thực tế là các nhà phản biện thường phê phán hoặc khó chấp nhận những kết luận trái ngược với quan điểm của chính mình, nhưng lại có thể dễ tán thưởng những ai đồng thuận với mình. Chính vì vậy, hạn chế lớn nhất của quá trình phản biện, khớp với quan sát nổi tiếng của Thomas Kuhn về sự phát triển của khoa học, là nó vô hình trung dẫn đến kìm hãm những ý tưởng độc đáo, mới lạ, mang tính cách mạng hoặc đột phá, hoặc ngăn chặn những lập luận đi ngược lại với những lý thuyết hoặc hệ thức “chủ lưu”.
Cuối cùng, mặc dù hầu hết mọi người đều tin tưởng rằng tính ẩn danh là một cơ chế đảm bảo tính trung thực và vô tư của phê phán học thuật, trên thực tế, nguyên tắc này rất khó được đảm bảo trọn vẹn. Cho dù tính ẩn danh được thực hiện cả hai chiều, nhưng trong trường hợp bài viết về một chuyên ngành hẹp và nhất là khi có khá ít chuyên gia về lĩnh vực được đề cập, có thể dễ dàng đoán ra được cả tác giả lẫn những người phản biện.
Chính vì những hạn chế và bất cập nói trên trong phản biện truyền thống mà gần đây đã có những thử nghiệm mới trong sinh hoạt học thuật nhằm vừa tiếp tục duy trì chất lượng vừa đảm bảo tính vô tư và minh bạch trong xuất bản khoa học.
Các dạng phản biện và một số lựa chọn khác
Mặc dù phản biện trước xuất bản là tiêu chí chung cho các tạp chí khoa học muốn vươn lên đạt được và duy trì uy tín quốc tế, tùy từng tạp chí và từng ngành, phản biện có thể rất nghiêm ngặt hoặc tương đối dễ dãi. Tỉ lệ công bố tùy thuộc vào số lượng bản thảo nhận được, quy mô rộng hẹp về lĩnh vực chuyên môn, và dung lượng ấn hành của từng tạp chí. Một số tạp chí có tỉ lệ từ chối rất cao, như Nature chỉ công bố 5% số bài nhận được. Ngược lại, có những tạp chí, thường là những tạp chí chuyên ngành, công bố tới 70% bản thảo sau khi đã được hiệu chỉnh.
Những tạp chí nhận được nhiều bản thảo có thể áp dụng một vòng xét duyệt sơ bộ trước khi đưa vào phản biện, nhằm loại ra ngay từ đầu những bài viết quá yếu, lặp lại, hoặc ăn cắp văn quá lộ liễu.
Phản biện truyền thống, như đã trình bày ở trên, có những hạn chế nhất định như sự đình trệ về thời gian, những khó khăn trong việc thực hiện nguyên tắc ẩn danh, nguy cơ bị giới học giả ưu tú chi phối và nguy cơ ngăn chặn hoặc khống chế những ý tưởng đột phá. Để khắc phục những hạn chế này, với sự trợ giúp của truyền thông Internet, một số dạng thức phản biện mới đã được đưa vào thử nghiệm online như phản biện mở hoặc phản biện năng động.
Trong phản biện mở, bản thảo gửi đến một tạp chí online sẽ được xuất bản ngay, và quá trình phản biện bắt đầu ngay từ lúc công trình được công bố. Các bài nhận xét được đăng tiếp ngay phía dưới công trình. Vai trò của biên tập viên không còn nữa, vì bất cứ độc giả là học giả nào (thường là thành viên có đăng ký của trang web hoặc tạp chí online đó) đều có thể viết bài nhận xét, mà không cần phải công bố danh tính của mình. Mục đích của những bài nhận xét ẩn danh hoặc công khai này cũng khác so với phản biện truyền thống: chúng không còn đóng vai trò tư vấn trong việc ra quyết định có công bố hay không nữa, mà nhằm đưa ra những phê phán học thuật, những đề xuất, hoặc định hướng, trao đổi với tác giả và những độc giả khác. Ý nghĩa của phản biện mở chính là rút ngắn thời gian chờ đợi xuất bản và giải tỏa sự khống chế đối với những ý tưởng khác lạ, bất đồng với khối tư duy “chủ lưu” trong ngành. Một lợi ích nữa của phản biện mở là giúp cho người đọc tiếp cận trực tiếp các bài nhận xét để từ đó có định hướng trong việc tham khảo và tra cứu, thuận lợi hơn trong việc xác định được bài viết nào được đánh giá cao, bài viết nào không được thừa nhận rộng rãi.
Phản biện mở trực tuyến (online) có thể được áp dụng kết hợp với việc xuất bản và phản biện kín trước xuất bản. Song song với quá trình phản biện kín trước xuất bản, bài viết có thể được công bố ở dạng ‘trước khi in’ trên mạng Internet để lấy ý kiến nhận xét công khai rộng rãi trước khi chính thức quyết định xuất bản ở dạng bản giấy. Phản biện mở cũng có thể hỗ trợ cho xuất bản dạng giấy bằng cách đăng tải online những bài bình luận đối với những công trình vừa được công bố.