Phát hiện chủng enterovirus mới là tác nhân nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng

Thông qua những đánh giá về mặt lâm sàng và thực nghiệm trên mô hình chuột chuyển gene, các nhà nghiên cứu Đại học Kanazawa, Viện Khoa học Y khoa Tokyo Metropolitan, Đại học Nagasaki (Nhật Bản) và Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương (Việt Nam) đã phát hiện được một dòng con mới của enterovirus có kiểu gene phụ A71 (EV-A71) C4 với hai chủng virus tái tổ hợp chính là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch tay chân miệng ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc năm 2015-2016. Kết quả nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ tác nhân gây bệnh và giúp xác định các chủng virus để phát triển vaccine đa hóa trị.


Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi. Nguồn: sggp.org.vn

Nghiên cứu “Newly emerged enterovirus-A71 C4 sublineage may be more virulent than B5 in the 2015–2016 hand-foot-and-mouth disease outbreak in northern Vietnam” đã được công bố trên Scientific Reports. 

Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một bệnh nhiễm siêu vi cấp tính thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới năm tuổi do virus đường ruột (enterovirus) thuộc họ Picornaviridae gây ra, trong đó giống virus gây bệnh phổ biến nhất là EV-A71, coxsackievirus A16 (CV-A16) và CV-A6. Bệnh này có thể tự hết mà không cần nhập viện; tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nó có thể gây viêm não, viêm màng não, dẫn đến tê liệt, biến chứng tim phổi hoặc thậm chí tử vong. Trong khi hầu hết các trường hợp có thể tự hết trong vòng một vài tuần thì bệnh do EV-A71 gây nên có thể nguy hiểm hơn với các biến chứng nghiêm trọng.

Để xác định đặc điểm dịch tễ và nhận dạng các chủng enterovirus khác nhau gây ra đợt dịch tay chân miệng ở miền Bắc Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích các mẫu lấy từ họng và trực tràng của 488 trẻ mắc bệnh ở Hà Nội. Chu Sơn, một trong hai tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: “CV-A6 là chủng phổ biến nhất, tiếp đến là EV-A71. Trong chủng EV-A71 này, có 92,1% là kiểu gene phụ B5 và 7,9% là kiểu gene phụ C4. Giải trình tự gene cho thấy bảy trong số tám chủng C4a đã hình thành nên một dòng mới, bao gồm hai tái tổ hợp tồn tại giữa các chủng EV-A71-C4 và CV-A8”.

Để đánh giá độc lực của dòng mới, các nhà nghiên cứu đã dựa vào tỷ lệ bệnh nhân nội trú. Trẻ nhập viện do virus EV-A71 nhiều hơn đáng kể so với trẻ nhập viện do virus CV-A6. Tiếp tục tiến hành phân tích sâu hơn ở những trẻ nhiễm EV-A71, họ thấy tỷ lệ bệnh nhân nội trú nhiễm C4 nhiều hơn đáng kể so với bệnh nhân nhiễm B5, chứng tỏ độc lực của kiểu gene C4 cao hơn kiểu gene B5.
Kyousuke Kobayashi, nhà thần kinh học và là đồng tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Vì số lượng bệnh nhân nhiễm C4 cũng không nhiều nên chúng tôi đã áp dụng một kỹ thuật khác để so sánh độc lực, đó là cấy vào chuột chuyển gene – những con dễ bị nhiễm EV-A71 – các phân lập virus và theo dõi tình trạng suy giảm sức mạnh của các chi, tình trạng tê liệt cấp tính, sự thay đổi trọng lượng cơ thể và khả năng tử vong”. Cuối cùng họ nhận thấy, tình trạng tê liệt và tỷ lệ tử vong của những con chuột bị nhiễm các chủng C4 cao rất nhiều so với những con bị nhiễm các chủng B5.

Các nhà nghiên cứu hi vọng vào kết quả nghiên cứu sẽ góp phần vào quá trình phòng chống bệnh tay chân miệng bởi các vụ bùng phát dịch thường xảy ra theo chu kỳ vài năm một lần tại nhiều nơi trên thế giới. Điều này khiến bệnh tay chân miệng trở thành một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào được phê duyệt, cách tốt nhất để giảm thiểu tác động của nó là phát triển các loại vaccine phòng bệnh. Mặc dù đã có các vaccine bất hoạt, nhưng việc phát hiện ra các chủng gây bệnh mới là một bước đột phá để có thể tiếp tục phát triển thêm các vaccine sống, giảm độc lực. 

Anh Thư dịch (theo Sciencedaily)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)