Phát hiện con lai giữa người Neanderthal và Denisova

Từ một mảnh xương còn sót lại của một thiếu niên qua đời khoảng 90.000 năm trước, các nhà khoa học đã phân tích gene và phát hiện, đây là con lai giữa hai chủng người cổ đại - Neanderthal và Denisovan – đều không phải tổ tiên trực tiếp của chúng ta (Homosapien).

Denny thừa hưởng một bộ nhiễm sắc thể từ các tổ tiên người Neanderthal của cô. Ảnh: Nature

Nhóm nghiên cứu, do các nhà cổ sinh học Viviane Slon và Svante Pääbo thuộc Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, tiến hành phân tích bộ gene trên một mảnh xương duy nhất được lấy từ hang Denisova ở dãy núi Altai của Nga. Hang động này mang tên “Denisovans”, của một nhóm người tuyệt chủng mới được phát hiện dựa trên cơ sở phân tích chuỗi ADN từ đầu của một xương ngón tay được phát hiện ở đây năm 2008. Vùng Altai cũng là quê hương của người Neanderthal.

Trước đây, bằng việc phân tích các mô hình biến đổi di truyền ở con người cổ đại và hiện đại, các nhà khoa học đã biết rằng người Denisova và người Neanderthal có lai tạo với nhau và với cả Homo sapiens nhưng chưa từng phát hiện ra con cái thế hệ đầu tiên từ những cuộc hôn phối này. Trước khi khám phá ra con lai Neanderthal-Denisova này – mà nhóm nghiên cứu đã đặt tên là Denny, bằng chứng tốt nhất về mối liên kết giữa các chủng người chỉ được tìm thấy trong DNA của một mẫu vật Homo sapiens, người mà có tổ tiên thuộc chủng người Neanderthal từ 4–6 thế hệ trước.

Nhóm của Pääbo lần đầu tiên phát hiện ra những mẩu xương của Denny cách đây vài năm sau đó, lúc đó họ giải trình tự DNA ty thể của mẫu vật và so sánh dữ liệu đó với các chuỗi DNA từ những người cổ đại khác. Phân tích ở thời điểm năm 2016 cho thấy DNA ty thể của mẫu vật có nguồn gốc từ người Neanderthal. Nhưng đây mới chỉ là một nửa bức tranh, danh tính của người cha và tổ tiên phía bên nội vẫn còn là khoảng trống.

Cho đến nghiên cứu mới nhất vừa công bố trên Nature, các nhà khoa học đã giải trình tự gene và và so sánh sự biến đổi trong DNA của Denny với ba loại hominin khác: Neanderthal và Denisova – cả hai đều được tìm thấy trong hang Denisovan, và người hiện đại từ châu Phi. Kết quả là khoảng 40% các đoạn ADN từ mẫu ADN tương ứng với người Neanderthal – còn 40% khác phù hợp với Denisova. Bằng cách giải trình tự nhiễm sắc thể giới tính, các nhà nghiên cứu cũng xác định rằng mảnh xương còn sót lại có giới tính nữ, và độ dày của xương cho thấy cô bé ít nhất 13 tuổi.

Kelley Harris, một nhà di truyền học dân số tại Đại học Washington ở Seattle, người đã nghiên cứu về vấn đề lai ghép giữa con người (Homosapien) cổ đại và người Neanderthal cho rằng có thể những cuộc hôn phối giữa người Neanderthal và người Denisovan là khá phổ biến. “Số lượng xương người Denisovan thuần chủng đã được tìm thấy chỉ đếm trên đầu ngón tay”, cô nói – đây có thể là một biểu hiện cho thấy rằng, hiện tượng con lai với người Denisovan là phổ biến. Tuy nhiên điều này lại đặt ra một câu hỏi thú vị khác: nếu người Neanderthal và Denisovan phối ngẫu thường xuyên, tại sao hai quần thể này lại khác biệt về mặt di truyền trong vài trăm nghìn năm? Harris suy đoán rằng con cái của Neanderthal – Denisovan có thể vô sinh hoặc đã có sự thiếu tương thích về mặt sinh học và ngăn không cho hai loài này hòa nhập lẫn nhau.

Pääbo thì đồng ý rằng sự lai tạo giữa người Neanderthal và Denisovan sẽ dễ dàng khi họ gặp nhau – nhưng ông nghĩ rằng những cuộc gặp gỡ đó rất hiếm. Hầu hết những dấu vết về người Neanderthal đã được tìm thấy trên khắp miền tây lục địa Á-Âu, trong khi cho đến nay người Denisovan mới chỉ được phát hiện trong hang động Siberia. Nhưng đôi khi, người Neanderthal có thể đã đi từ Tây Âu đến Siberia, hoặc ngược lại. Trên cơ sở sự biến đổi trong bộ gene của Denny, nhóm nghiên cứu đã suy luận rằng người mẹ Neanderthal của Denny có quan hệ gần gũi với một mẫu vật còn lại của người Neanderthal được tìm thấy cách xa hàng ngàn cây số – ở Croatia hơn so với một mẫu khác trong cùng hang động. Người Neanderthal ở Croatia có niên đại gần đây hơn Denny – khoảng 55.000 năm trước, trong khi người Neanderthal trong hang Denisova có niên đại khoảng 120.000 năm tuổi. Điều đó dẫn tới hai khả năng để giải thích về nguồn gốc tổ tiên của mẹ Denny: một số người Neanderthal châu Âu đến dãy núi Altai và một phần thay thế người Neanderthal ở đây trước khi Denny được sinh ra, hoặc một nhóm người Neanderthal có thể đã rời dãy núi Altai đến châu Âu sau khi Denny ra đời. Dù bằng cách nào, Harris nói, “điều đó cho thấy, người Neanderthal không chỉ ở cố định một nơi trong hàng ngàn năm”.

Bảo Như lược dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-06004-0

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)